Trang mạng military-informant cho hay, số lượng xe tăng T-90 tự chế tạo trong nước của Ấn Độ đã bị thiếu hụt tới hơn 40% so với mục tiêu đề ra.
Ban đầu, Ấn Độ đặt mục tiêu là đến năm 2010, phải có 300 xe tăng T-90 được chế tạo tại nước này. Tuy nhiên, đến năm 2013, mới chỉ có 167 xe tăng được chuyển giao cho Lục quân Ấn Độ.
Trước tình hình này, Bộ quốc phòng Ấn Độ buộc phải quyết định nhập khẩu 124 xe tăng T-90 nguyên chiếc, nhập khẩu linh kiện để lắp ráp 272 chiếc và chế tạo trong nước theo giấy phép 300 chiếc, song song với việc sản xuất 124 xe tăng nội địa Arjun.
Lô xe tăng T-90 Bhishma đầu tiên do Ấn Độ chế tạo trong nước.
Ấn Độ vốn dự kiến hoàn thành việc chế tạo xe tăng T-90 nội địa dựa theo công nghệ chuyển giao từ Nga trong giai đoạn 2006-2010.
Tuy nhiên, tiến độ chế tạo trong nước đã không đáp ứng được yêu cầu của quân đội Ấn Độ.
Quá trình chuyển giao công nghệ chế tạo xe tăng T-90 gặp vấn đề do sự chậm trễ trong quá trình biên dịch tài liệu kĩ thuật (quá trình này mất 6 năm).
Bên cạnh đó, Nga không chấp nhận chia sẻ thiết kế một số bộ phận quan trọng như lắp ráp pháo.
Vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn vì sự chậm trễ trong các quyết định về giải pháp thay thế.
Trước đó, hồi tháng 10 năm nay, Defense News dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn pháo cho các xe tăng T-90.
Trong khi đó, New Delhi lại không có khả năng tự sản xuất các loại đạn pháo này nên buộc phải thỏa hiệp với Nga và mua đạn với mức giá tăng cao thêm 20%.
Theo nguồn tin, Nga sẽ nhận được hợp đồng trị giá 197 triệu USD để cung cấp đạn APFSDS cho Ấn Độ. Trong khi đó, vào năm 2011, giá của phía Nga đưa ra cho số lượng đạn tương đương chỉ là 163 triệu USD.
Bên cạnh việc tăng giá, Nga cũng từ chối thực hiện các nghĩa vụ đền bù và từ chối chuyển giao công nghệ chế tạo đạn cho công ty nhà nước OFB của Ấn Độ.