Nhà Trắng có phải mục tiêu dễ bị "thổi bay"?

Nhật Huy |

Một bài viết của Thông tấn Triều Tiên KCNA đe dọa "thổi bay" Nhà Trắng, Lầu Năm Góc để trả đũa việc Mỹ cáo buộc Triều Tiên tấn công mạng hãng phim Sony.

Trong bài bình luận đăng tải ngày 21/12, thông tấn Triều Tiên KCNA cực lực lên án việc Mỹ cáo buộc họ liên quan tới vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures, hãng sản xuất bộ phim hài "The Interview", với nội dung ám sát ông Kim Jong-un.

Cũng trong bài viết này, phía Triều Tiên đe dọa sẽ "thổi bay" nước Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng đưa ra những lời đe dọa như vậy.

Năm ngoái, Triều Tiên cũng từng dọa sẽ tấn công hạt nhân phủ đầu nhắm vào nước Mỹ. Nhưng lần này, lời đe dọa có mục tiêu cụ thể hơn, đó là Nhà Trắng.

Nhưng liệu Nhà Trắng có phải là một mục tiêu dễ bị "thổi bay"?

Nhà Trắng được bảo vệ thế nào trước nguy cơ tấn công từ trên không?...

Nhà Trắng đã từng là mục tiêu của âm mưu tấn công từ trên không. Ngày 12/09/1994, một người Mỹ tên Frank Eugene Corder cướp 1 chiếc Cessna và lao máy bay thẳng vào mặt phía nam của khu dinh thự này.

Người duy nhất thiệt mạng chính là Corder, nhưng vụ việc cũng đã gây ra nhiều lo ngại về việc bảo vệ an ninh cho Tổng thống ngay tại tư dinh của mình.

Xác chiếc Cessna sau khi đâm vào Nhà Trắng

Tuy vậy, vụ khủng bố ngày 11/9 đồng nghĩa với việc hệ thống phòng không bên trên Washington DC đã được tăng cường tối đa.

Vùng trời thủ đô nước Mỹ hiện được bảo vệ bằng nhiều lớp. Mọi chuyến bay trong vòng bán kính 110km quanh Washington DC phải có một mã liên lạc riêng và liên tục duy trì kết nối với đài điều khiển.

Trong vòng bán kính 24km, chỉ có những máy bay của chính phủ được phép hoạt động.

Những máy bay xâm nhập khu vực này trước tiên sẽ nhận được tín hiệu cảnh báo bằng tia laser chiếu vào kính chắn gió.

Nếu vẫn phớt lờ, nó sẽ trở mục tiêu của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS.

Có tầm bắn 30km và tầm hoạt động của radar từ 50-70km, NASAMS sử dụng những tên lửa tự dẫn bằng radar chủ động AMRAAM, loại tên lửa không đối không của F-15, F-16, F-22…để đảm bảo tỷ lệ đánh trúng mục tiêu cao.

NASAMS khai hỏa

Avenger

Bảo vệ các mục tiêu quan trọng là các hệ thống phòng vệ tầm gần Avenger với 8 tên lửa Stinger, cùng 1 đại liên 12.7mm, tầm bắn của tên lửa khoảng 4km, và của đại liên khoảng 2km.

Ngoài ra còn có các chiến đấu cơ F-16 xuất phát từ sân bay quân sự Andrews.

.. hay từ ngoài biển...

Cuối tháng 10 vừa qua, Viện nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) công bố một báo cáo cho thấy Triều Tiên đang trong quá trình phát triển khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hoặc tàu mặt nước.

Kết quả này dựa trên phân tích những hình ảnh vệ tinh chụp từ năm 2010. Những hình ảnh này cho thấy một cơ sở nghiên cứu và căn cứ hải quân đặt tại Sinpo.

Trong đó đáng chú ý nhất là một cấu trúc cao 12m, đặt trên bệ bằng bê tông với kích thước 35m x 30m, xung quanh có tường bảo vệ, tương tự như những bệ phóng thử nghiệm cho các tên lửa phóng từ tàu ngầm hay tàu chiến nổi.

Ngoài ra còn có hình chụp một tàu ngầm mới, được cho là bản sao của tàu ngầm lớp Golf II của Liên Xô.

Một báo cáo hồi năm 2009 của quốc hội Mỹ cũng cho biết có nhiều dấu hiệu về việc Triều Tiên đang phát triển khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ biển vào đất liền.

Vật thể được cho là giàn phóng thử nghiệm tại Sinpo

Hình chụp tàu ngầm bí ẩn của Triều Tiên

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết Triều Tiên đang đại tu một tàu ngầm lớp Golf II của Liên Xô. Đây là loại tàu ngầm diesel-điện dùng để phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Nó có kích thước khá lớn so với những tàu ngầm cùng loại, với chiều dài gần 100m, rộng 8m, và lượng choán nước 3.000 tấn.

Tất cả đều dừng hoạt động trước thời điểm Liên Xô tan rã. Năm 1993, Nga bán 10 chiếc Golf II cho Triều Tiên để phá dỡ làm sắt vụn.

Tuy nhiên, vẫn có lo ngại rằng Bình Nhưỡng dường như đang tìm cách đưa chúng trở lại hoạt động, mặc dù phía hải quân Nga khẳng định rằng họ đã tháo dỡ các thiết bị tác chiến trước khi chuyển giao cho Triều Tiên.

Tàu ngầm lớp Golf II của Liên Xô

Mỗi chiếc Golf II được thiết kế để có thể mang theo 3 tên lửa Scud-A, với tầm bắn từ 150-180 km, và có thể mang theo đầu đạn hóa học hoặc hạt nhân với sức công phá trên 5 kiloton.

Bản thân Triều Tiên đã có thể tự sản xuất tên lửa Scud từ cuối những năm 1980.

Khoảng cách từ Nhà Trắng đến biển gần nhất là gần 180 km, nghĩa là trên lý thuyết, một tên lửa Scud nếu được phóng từ tàu ngầm hay tàu nổi có thể bắn trúng mục tiêu này.

Một tên lửa với tầm bắn 180km, trên lý thuyết, có thể nhắm trúng Nhà Trắng

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng Triều Tiên có thể thành công trong việc đưa một chiếc Golf II trở lại tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc chế tạo một bản sao tương tự là khá nhỏ.

Hơn nữa, ngay cả khi họ thành công trong việc này thì khả năng một tên lửa Triều Tiên có thể rơi xuống bãi cỏ trước Nhà Trắng cũng gần như không tưởng.

Do không thể sử dụng kênh đào Panama, một tàu ngầm xuất phát từ Triều Tiên sẽ phải thực hiện một hành trình hơn 20.000 km trước khi đến được bờ biển phía Đông nước Mỹ, gấp đôi so với tầm hoạt động của 1 chiếc Golf.

Ngoài ra, khác với tàu ngầm hạt nhân có nguồn năng lượng ổn định và gần như vô tận, tàu ngầm diesel thường xuyên phải nổi lên để nạp lại ắc-quy, và tầm hoạt động cũng phụ thuộc vào tốc độ.

Để đạt được tầm hoạt động tối đa, tàu phải di chuyển với vận tốc rất thấp, dưới 10 km/h.

Như vậy, tàu Triều Tiên sẽ phải trải qua hành trình nhiều tháng trước khi đến mục tiêu, một nhiệm vụ không hề dễ dàng cho thủy thủ đoàn.

Bên cạnh đó, một tàu ngầm diesel được thiết kế từ những năm 1950 của thế kỷ trước khó có thể vượt qua những hệ thống sonar tối tân được dưới đáy biển hay trên các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles hay Virginia của Mỹ.

Đặc biệt là khi nó phải nổi lên mặt nước và chạy động cơ diesel để nạp điện.

... và trên bộ?

Nhà Trắng cũng không phải là mục tiêu dễ tấn công trực diện trên bộ, dù Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép du khách tham quan tư dinh của nguyên thủ quốc gia ngay cả khi ông này đang có mặt tại đây.

Đã có một số trường hợp những cá nhân mang vũ khí lọt vào bên trong khuôn viên Nhà Trắng.

Mật vụ Mỹ khống chế một người vừa xâm nhập vào bãi cỏ Nhà Trắng

Mặc dù lực lượng Mật vụ Mỹ, đơn vị phụ trách bảo vệ Tổng thống, từng vài lần mất mặt khi để những cá nhân có thể xâm nhập qua hàng rào của Nhà Trắng nhưng không có nghĩa là họ không sẵn sàng đối phó với những vụ tấn công quy mô lớn.

Ngân sách năm 2014 của lực lượng này lên đến 1,7 tỷ USD, gấp đôi so với năm 1998.

Nhiệm vụ ngăn ngừa những vụ ám sát ở khoảng cách gần do cá nhân gây ra thuộc về những mật vụ thuộc đội bảo vệ tiếp cận, những người mặc thường phục vây quanh Tổng thống.

Ngược lại, chống lại những vụ tấn công quy mô lớn với hỏa lực mạnh là vai trò của CAT, viết tắt của Đội chống đột kích.

CAT được triển khai sau khi có một vụ xâm nhập

CAT có nhiệm vụ bảo vệ đoàn xe hộ tống của tổng thống

CAT được xem là một đơn vị đặc nhiệm và có tiêu chuẩn rất cao cho những người muốn gia nhập.

Ứng viên phải có nhiều năm phục vụ cho Sở Mật vụ, khởi đầu từ những vị trí đơn giản tại văn phòng, và phải qua một đợt tuyển chọn khắc nghiệt. Chỉ khoảng 10% vượt qua được.

Ralph Basham, cựu giám đốc Sở Mật vụ trong thời gian 2003-2006, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng ông từng thử nhưng không thể vượt qua đợt tuyển chọn của CAT.

CAT trinh sát một vị trí mà tổng thống Obama sắp đi qua

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại