Những "sát thủ" rẻ tiền nhưng cực kỳ nguy hiểm của Triều Tiên

Nhật Huy |

Theo Foreign Policy, "nhỏ, rẻ tiền, thô sơ..." là những từ người ta có thể dùng để mô tả về UAV của Triều Tiên. Tuy nhiên, đó lại chính là những đặc điểm khiến chúng trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Tờ Foreign Policy đăng bài viết cho hay: Khi truyền thông nhà nước Triều Tiên cho phát đi hình ảnh về những máy bay không người lái (UAV) thô sơ của nước này, với màu sơn chói mắt và gọi chúng là những "UAV cảm tử" sẵn sàng tấn công Hàn Quốc, nhiều người xem chúng không đáng bận tâm. Song đây lại là những vũ khí có thể gây đau đầu cho liên quân Mỹ-Hàn và đã từng vài lần xâm nhập thành công vào không phận Hàn Quốc.

UAV của Triều Tiên xuất hiện trên truyền hình nước này

Những máy bay không người lái này chỉ dài khoảng 2m, với sải cánh 3m, tốc độ tối đa 120 km/h, thời gian hoạt động 4 tiếng, sức tải 3 kg và trần bay 6 km. Chúng chỉ có thể bay theo lộ trình được lập trình sẵn. Để so sánh, chiếc Predator của Mỹ, một thiết kế đã nhiều năm tuổi, có thể đạt vận tốc tối đa 480 km/h, thời gian hoạt động liên tục 14 giờ và sức tải 680 kg. Nếu như Predator thường mang theo những thiết bị trinh sát tối tân thì UAV của Triều Tiên chỉ mang theo những camera thương mại thông thường. Tuy nhiên, nhờ vào kích thước nhỏ, bay chậm và thấp mà máy bay không người lái của Triều Tiên có thể vượt qua hệ thống phòng không của Hàn Quốc, vốn được thiết kế để phát hiện những mục tiêu lớn hơn, bay nhanh và cao hơn.

Một UAV của Triều Tiên với trang bị là camera Nikon

Một UAV của Triều Tiên với trang bị là camera Nikon

Số xác máy bay được phát hiện trong vòng 1 năm qua cho thấy máy bay không người lái Triều Tiên đã xâm nhập không phận Hàn Quốc ít nhất 4 lần. Những vị trí này bao gồm thành phố Paju, phía bắc Seoul gần biên giới 2 miền, đảo Baengnyeong, một hòn đảo do Hàn Quốc kiểm soát nhưng nằm phía trên vĩ tuyến 38 phân cách 2 miền và tại thành phố Samcheok, nơi mà biệt kích Triều Tiên từng xâm nhập vào thập niên 1960.

UAV bị rơi tại Samcheok
UAV bị rơi tại Paju

Không ai rõ số phi vụ thành công của máy bay không người lái Triều Tiên là bao nhiêu so với con số 4 vụ rơi kể trên. Tất cả những máy bay bị rơi đều mang theo camera ghi hình, nhưng nếu Triều Tiên phát triển những UAV lớn hơn thì chúng hoàn toàn có thể được dùng để mang theo vũ khí hóa học hay hạt nhân. Ngay cả những máy bay không người lái loại nhỏ như trên cũng có thể gây tác động đáng kể nếu được dùng cùng lúc với số lượng lớn. Hệ thống phòng không Hàn Quốc nếu có thể phát hiện được những mục tiêu nhỏ như trên thì cũng chưa chắc có thể cùng lúc theo dõi hàng trăm mục tiêu cùng lúc xâm nhập không phận của mình.

Triều Tiên chỉ là một trong nhiều nước đang theo xu hướng phát triển UAV cho ứng dụng quân sự. Theo ước tính, hiện con số này vào năm 2011 là 76 quốc gia và chắc chắn còn đang tiếp tục tăng. Trong đó có khoảng 23 quốc gia có UAV được vũ trang, bao gồm cả Hàn Quốc.

Mặc dù Hàn Quốc có ưu thế tuyệt đối về công nghệ nhưng trong quân sự, đôi lúc những kẻ đi sau, nhưng biết cách áp dụng và biến đổi công nghệ để phù hợp với thực tế, lại thành công. Đức không phải là nước tiên phong trong chiến tranh cơ giới nhưng áp dụng thành công với "chiến tranh chớp nhoáng" (blitzkrieg). Hay như việc tàu sân bay đầu tiên là của người Anh nhưng Mỹ là nước sử dụng thành công nhất. Trong trường hợp này, Triều Tiên tìm được cách đưa UAV của mình xâm nhập nhiều lần vào không phận Hàn Quốc mà không bị phát hiện. Ít nhất một trong số này đã chụp được hình ảnh phủ Tổng thống Hàn Quốc.

Hình ảnh chụp nhà ga Jichuk tại Seoul thu được từ một UAV của Triều Tiên

Hình ảnh chụp nhà ga Jichuk tại Seoul thu được từ một UAV của Triều Tiên

Khác với vụ đánh chìm tàu Cheonan hay pháo kích vào đảo Yeonpyeong, việc dùng UAV xâm nhập ít tạo sự chú ý và khiêu khích hơn, đồng thời cũng khó có thể cáo buộc nguồn gốc cũng những máy bay không người lái này nếu chúng bị rơi. Những UAV của Triều Tiên đa số là bản copy hoặc dựa trên thiết kế của Trung Quốc. Nước này bác bỏ mọi cáo buộc của phía Hàn Quốc mỗi khi những UAV này bị phát hiện. Hàn Quốc cũng không có bằng chứng rõ ràng và chắc chắn nào để quy kết nguồn gốc của những UAV này và do đó không thể có hành động nào khác. Hàn Quốc gần như không có sự đáp trả nào sau vụ tàu Cheonan bị đánh chìm, một phần do Triều Tiên kiên quyết chối bỏ mọi trách nhiệm.

Không quân Triều Tiên hiện trong tình trạng rất bi đát, nhưng đây có thể lại là cơ hội để phát triển lực lượng UAV quân sự. Tại những quốc gia khác, ưu tiên tất nhiên luôn được đặt lên những máy bay có người lái. Triều Tiên trong khi đó lại có không quân gần như trống rỗng và nguồn lực để mua sắm mới là rất hạn chế. Đó là chưa tính đến lệnh cấm vận vũ khí. Vì vậy, UAV với giá thành rất rẻ sẽ là giải pháp thay thế hợp lý . Một mẫu do Trung Quốc sản xuất copy theo Predator có giá chỉ khoảng 1 triệu USD, so với 150 triệu USD cho những chiến đấu cơ tối tân nhất hiện nay.

So với đội quân thường trực với quy mô hàng triệu người, chương trình hạt nhân, cùng kho tên lửa đạn đạo thì lực lượng UAV của Triều Tiên có vẻ không đáng lo ngại. Nhưng nước này trên thực tế đã dùng UAV trong những cuộc tập trận lớn, cũng như những lần duyệt binh để biểu dương sức mạnh. Truyền thông Triều Tiên từng cho thấy hình ảnh chủ tịch Kim Jong Un thị sát những cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng với sự tham gia của UAV và tuyên bố nước này có ý định tung ra hàng đàn UAV "siêu chính xác" tấn công các mục tiêu Hàn Quốc.

Vì vậy, tuy ít được chú ý nhưng chương trình máy bay không người lái của Triều Tiên đang được đẩy mạnh. Nước này đã chứng tỏ khả năng dùng UAV xâm nhập Hàn Quốc. Họ cũng công khai ý định dùng chúng trong vai trò vũ khí tấn công. Vấn đề chỉ còn là chúng có thể được dùng trong tình huống nào và mức độ thành công ra sao. UAV của Triều Tiên có thể còn rất thô sơ nhưng không có nghĩa là chúng không nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại