Mua vũ khí Trung Quốc, Ai Cập ngày càng tuột khỏi tay Mỹ

Ly Vy - Thiên Minh |

Trung Quốc ngày càng tích cực tăng cường quan hệ quân sự với Ai Cập sau khi quan hệ giữa Cairo và Washington xấu đi.

Trang mạng military-informant ngày 13/11 đưa tin, đại diện Không quân Ai Cập đã bày tỏ sự quan tâm đến các máy bay cảnh báo sớm do Trung Quốc chế tạo. Mẫu máy bay mà Ai Cập quan tâm là mẫu ZDK-03 AEW do Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) thiết kế.

Mẫu máy bay cảnh báo sớm ZDK-03 là phiên bản phát triển từ máy bay cảnh báo sớm KJ-200 hiện đang được trang bị cho Không quân Trung Quốc.

Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa mẫu ZDK-03 và KJ-200 nằm ở vị trí radar. Radar trên ZDK-03 là dạng chảo xoay đặt trên khung thân máy bay vận tải Y-8F.

Trước đó, vào năm 2006, Pakistan đã ký hợp đồng với CETC về việc phát triển và cung cấp 4 máy bay cảnh báo sớm ZDK-03. Chữ ZDK là viết tắt từ phiên âm tên viết tắt tiếng Trung của CETC, số 03 chỉ mẫu máy bay cảnh báo sớm thứ 3 được chế tạo bởi CETC sau mẫu KJ-2000 và KJ-200.

Máy bay cảnh báo sớm ZDK-03 của Không quân Pakistan.

Máy bay cảnh báo sớm ZDK-03 của Không quân Pakistan.

Hiện chưa có nhiều thông tin về loại radar trang bị trên ZDK-03 nhưng các chuyên gia đánh giá rằng mẫu máy bay cảnh báo sớm này có nhiều ưu điểm vượt trội so với mẫu máy bay cùng hạng là Saab-2000 của Thụy Điển.

Nếu hợp đồng mua bán được ký kết thì Ai Cập sẽ trở thành quốc gia thứ 2 sau Pakistan mua các máy bay cảnh báo sớm do Trung Quốc chế tạo. Hiện nòng cốt trong Không quân Ai Cập là loại máy bay F-16 do Mỹ sản xuất với hơn 220 chiếc.

Theo nghiên cứu của trường Đại học khoa học và công nghệ Na Uy, trong giai đoạn 1989-2008, Ai Cập là thị trường vũ khí lớn nhất của Trung Quốc tại châu Phi. Trung Quốc đã bán cho Ai Cập số lượng vũ khí lớn hơn nhiều so với 2 khách hàng truyền thống là Sudan và Zimbabwe.

Cũng theo nghiên cứu, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ai Cập đã giúp chính phủ Ai Cập giải phóng tiền mặt để mua thêm nhiều vũ khí từ Trung Quốc. Khi cựu Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi còn nắm quyền, một số chuyên gia lo ngại rằng sự hiện diên ngày càng tăng của Trung Quốc tại Ai Cập và mối quan hệ dần lạnh nhạt giữa chính quyền ông Moris và Washington có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận công nghệ quân sự Mỹ.

Theo một bức điện tín ngoại giao của Mỹ do WikiLeaks công bố, các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự lo ngại về những vi phạm đối với đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Ai Cập. Nội dung bức điện tín cho biết, một quan chức Trung Quốc đã tới thăm căn cứ không quân Ấn Độ vào năm 2009, nơi cất giữ những chiếc máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ cung cấp.

An American F-16 fighter plane arrives at an airbase in Egypt on March 27, 1982.

Một tiêm kích F-16 được chuyển tới căn cứ không quân của Ai Cập ngày 27/3/1982

"Ai Cập là chìa khóa cho bất cứ quốc gia nào muốn tiếp cận châu Phi, Trung Đông và châu Âu", Mohamed Kadry Said - chuyên gia quân sự tại Trung tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược Al Ahram ở Cairo nhận định, "Một đất nước như Trung Quốc có thể sẽ cần một quốc gia như Ai Cập".

Ngoài Trung Quốc thì Nga, nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 trên thế giới, cũng tìm cách tăng cường quan hệ quân sự với Ai Cập sau khi quan hệ giữa Cairo và Washington xấu đi do một số hoạt động hợp tác quốc phòng giữa hai nước bị đóng băng.

Hồi tháng 9 năm nay, Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga Alexander Fomin cho biết nước này và Ai Cập đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về việc Cairo mua vũ khí trị giá 3,5 tỷ USD của Moskva.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại