Mô hình tiêm kích hiện đại vừa được BQP giới thiệu là loại gì?

Bình Nguyên - Huy Phong |

Tại Triển lãm Thành tựu KT-XH 2015 vừa qua, Bộ Quốc phòng có giới thiệu mô hình một loại máy bay tiêm kích 2 người lái rất hiện đại. Vậy đây là loại máy bay nào?

Từ sự cố ngoài mong muốn...

Từ đầu những năm 1990, nhằm từng bước hiện đại hóa lực lượng không quân, Quân chủng Không quân (năm 1999 sáp nhập với Quân chủng Phòng không thành Quân chủng PK-KQ) đã nghiên cứu phương án mua sắm một số máy bay thế hệ mới.

Các ứng viên sáng giá nhất lúc bấy giờ Việt Nam có thể mua được là tiêm kích hạng trung Mikoyan MiG-29 và tiêm kích hạng nặng Sukhoi Su-27, đều của bạn hàng truyền thống là Nga. Qua đánh giá kỹ lưỡng, dòng tiêm kích thế hệ 4 của Sukhoi đã được lựa chọn.

Việt Nam đã chính thức ký hợp đồng với Nga đặt mua 6 chiếc máy bay tiêm kích hiện đại, gồm 5 máy bay tiêm kích 1 người lái Su-27SK và 1 máy bay tiêm kích kiêm huấn luyện 2 người lái Su-27UBK.

Tháng 5 năm 1995, 2 chiếc máy bay tiêm kích thế mới đầu tiên đã được bàn giao cho phía Việt Nam và tới năm 1996, toàn bộ các máy bay còn lại đã được bàn giao theo hợp đồng. Từ đây, đánh dấu một bước phát triển mới của Không quân nhân dân Việt Nam.

Tiếp đó, năm 1996, Việt Nam đặt mua thêm 6 chiếc nữa trị giá 120 triệu USD, gồm 2 Su-27SK và 4 Su-27UBK. Thông thường, mỗi trung đoàn tiêm kích Su-27 của Nga sẽ gồm khoảng trên dưới 30 chiếc 1 người lái và 5-6 chiếc 2 người lái dùng để huấn luyện.

Sở dĩ tỷ lệ máy bay 2 người lái Su-27UBK so với Su-27SK của Việt Nam nhiều như vậy là do định hướng trong tương lai sẽ mua thêm nhiều máy bay tiêm kích 1 chỗ ngồi nữa. Vì vậy, cần nhiều máy bay huấn luyện để chuẩn bị nguồn phi công sẵn sàng cho việc tiếp nhận.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính Đông Nam Á (1997), ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nên chương trình mua sắm thêm các máy bay tiêm kích hiện đại như Su-27 đã bị tạm hoãn, chỉ dừng lại ở 12 chiếc.

Đáng chú ý, ngày 6 tháng 12 năm 1997, chiếc máy bay vận tải hạng nặng An-124 Ruslan của Nga chở trên khoang 2 chiếc Su-27UBK số hiệu 8524 và 8525 để bàn giao cho Việt Nam đã bị tai nạn ở Irkutsk, Siberia, Nga, khiến toàn bộ các máy bay bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Báo Quân đội nhân dân, Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng (VAXUCO) là đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm đầu mối ký kết hợp đồng với phía Nga.

Trong các hợp đồng, từng nội dung đều được xem xét kỹ lưỡng, kể cả yếu tố bảo đảm, bảo hiểm rủi ro, nhưng không gây phiền hà cho đối tác.

Vì vậy, có trường hợp rủi ro như tai nạn làm hỏng hoàn toàn 2 chiếc máy bay Su-27UBK do phía bạn chở hàng sang bàn giao cho ta năm 1997, công ty đã đòi được khoản tiền bồi thường 57 triệu USD, thu lãi được 10% với số tiền 5,2 triệu USD cho ngân sách quốc phòng.

Toàn bộ thủ tục yêu cầu bảo hiểm cho đến khi nhận được thanh toán được VAXUCO hoàn tất chỉ trong vòng một tháng, bảo toàn cho ngân sách quốc phòng. Số tiền bảo hiểm này sau đó đã được dành cho việc mua bổ sung 2 chiếc máy bay tiêm kích huấn luyện khác.


Mô hình máy bay tiêm kích huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-27PU số hiệu 8526 được trưng bày tại Triển lãm vừa qua. Ảnh: Bình Nguyên.

Mô hình máy bay tiêm kích huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-27PU số hiệu 8526 được trưng bày tại Triển lãm vừa qua. Ảnh: Bình Nguyên.

... đến những chiếc tiêm kích tiệm cận chuẩn Su-30

Năm 1998, hai chiếc máy bay tiêm kích huấn luyện 2 chỗ ngồi mua bổ sung sau đó đã được bàn giao cho phía Việt Nam, lần lượt mang số hiệu 8526 và 8527.

Trong đó, chiếc 8526 chính là nguyên mẫu của mô hình máy bay tiêm kích 2 chỗ ngồi số hiệu 8526 vừa được BQP giới thiệu trong Triển lãm KT-XH 2015 nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Hà Nội.

Thật bất ngờ, cả 2 chiếc máy bay mua bổ sung lại chính là phiên bản Su-27PU thuộc đề án máy bay chỉ huy biên đội tiêm kích phòng không (mã thiết kế T-10U) do Phòng thiết kế thử nghiệm Sukhoi phát triển.


Máy bay tiêm kích Su-27PU số hiệu 8526 của Không quân Việt Nam, nguyên mẫu của mô hình trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: Jetphotos.net.

Máy bay tiêm kích Su-27PU số hiệu 8526 của Không quân Việt Nam, nguyên mẫu của mô hình trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: Jetphotos.net.

Su-27PU (Су-27ПУ) được phát triển song song với đề án máy bay huấn luyện chiến đấu kiêm tuần phòng phòng không Su-27UBP (Су-27УБП) có mã thiết kế T-10U-4.

Hai đề án này cùng có nhiều điểm chung là được phát triển trên cơ sở mẫu máy bay huấn luyện chiến đấu 2 người lái theo mã chế tạo sản phẩm 10-4 (изделие 10-4).

Chúng đều được bổ sung hệ thống cần tiếp nhận dầu trên không, hệ thống chỉ huy vô tuyến tầm xa và bảo đảm điều kiện phục vụ chiến đấu trên không trong thời gian dài cho tổ lái.

Phòng thiết kế thử nghiệm Sukhoi mong muốn đưa ra 2 thiết kế máy bay tiêm kích có khả năng thực hiện từng phần nhiệm vụ phòng không tầm trung xa để bổ trợ cho lực lượng máy bay tiêm kích đánh chặn tuần phòng chiến đấu đối không tầm xa Mig-31B.

Sau này, Sukhoi đã quyết định gộp 2 đề án trên thành 1 đề án có mã thiết kế chung là T-10PU, hợp nhất kế thừa các tính năng của đề án Su-27UBP và của đề án Su-27PU.

Đồng thời dự kiến tích hợp các tính năng chiến đấu và hệ thống vũ khí khí tài đối đất có điều khiển chính xác.

Với định hướng phục vụ lực lượng tiến công xung kích tiền phương của Quân chủng Không quân, mã trang bị Su-30 cho máy bay tiêm kích thuộc đề án T-10PU hợp nhất được Phòng thiết kế thử nghiệm Sukhoi đề xuất và chấp thuận trong tháng 4/1992. 

Như vậy, các máy bay Su-27PU của Việt Nam chính là một trong những tiền đề để Sukhoi phát triển dòng máy bay tiêm kích Su-30 thế hệ đầu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại