Hé lộ quy trình tuyển chọn lính biệt kích Mỹ

Nhật Huy |

Đặc biệt, Lục quân Mỹ đang tiến hành một chương trình thí điểm nhằm cho phép nữ quân nhân lần đầu tiên trong lịch sử có thể tham gia khóa huấn luyện lính biệt kích.

Ngay trước bình minh tại căn cứ Benning, bang Georgia, 44 binh sĩ đang xếp hàng để chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối cùng trước khi được chọn tham gia chương trình huấn luyện lính biệt kích của quân đội Mỹ: hành quân 10 km với súng trường và 20 kg quân trang.

Nhưng điều đặc biệt là sự xuất hiện của 9 nữ quân nhân trong nhóm binh sĩ này.

Đây là một trong những bước thử nghiệm của lục quân Mỹ nhằm cho phép nữ quân nhân lần đầu tiên trong lịch sử có thể tham gia khóa huấn luyện lính biệt kích.

Hoạt động thí điểm này là một phần trong chính sách chung của Lầu Năm Góc để tăng cường sự hiện diện của nữ giới trong những đơn vị quân sự trực tiếp tham chiến.

Những nữ quân nhân nếu hoàn thành khóa huấn luyện lần này vẫn sẽ được mang huy hiệu truyền thống của lực lượng biệt kích nhưng sẽ không được biên chế về các đơn vị.

Trước khi trời sáng rõ, 8 trong số 9 nữ binh sĩ, cùng với 31 đồng đội nam của mình, hoàn thành cuộc hành quân.

Những người này gần như chắc chắn sẽ được chọn tham gia khóa huấn luyện khắc nghiệt để trở thành lính biệt kích, vì đây đã là vòng tuyển chọn cuối cùng.

8 nữ binh sĩ này, cùng với 12 người đã được chọn trước đó, sẽ là 20 phụ nữ đầu tiên tham gia khóa huấn luyện này.

Những bước đi đầu tiên

Hoạt động thí điểm này tất nhiên đã gặp phải nhiều hoài nghi và sự phản đối từ những người muốn duy trì truyền thống chỉ cho phép nam giới trong những đơn vị này.

Nhưng Lầu Năm Góc vẫn đang yêu cầu các quân chủng nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các đơn vị trực tiếp chiến đấu.

Chương trình huấn luyện lính biệt kích bắt đầu mở cửa tiếp nhận các ứng viên nữ kể từ tháng 1 năm nay.

Những người này trước tiên cũng phải vượt qua đợt tuyển chọn kéo dài 17 ngày tại căn cứ Benning, gọi là RTAC. Hàng năm có khoảng 5.000 ứng viên tham gia đợt tuyển chọn này.

Những người vượt qua RTAC và sau đó tham gia chương trình huấn luyện không phải luôn với mục đích để trở thành một lính biệt kích.

Nhiều binh sĩ của các binh chủng khác như phi công, thiết giáp…cũng tham gia chương trình này.

Đợt tuyển chọn gần đây nhất, bắt đầu vào ngày 3 tháng 4 năm nay, bắt đầu với 139 ứng viên, bao gồm 61 nữ quân nhân. 24 trong số 61 người này đã từng dự và bị loại trong ít nhất 1 đợt tuyển chọn trước đó.

Và trong đợt tuyển chọn lần này cũng chỉ có 6 trong số 24 nữ binh sĩ trên có thể vượt qua các bài kiểm tra.

Một số nam binh sĩ cũng phải dự nhiều hơn 1 đợt tuyển chọn trước khi có thể vượt qua, nhưng với tỷ lệ thấp hơn các nữ binh sĩ nhiều.

Thử thách lớn cho những nữ quân nhân

Nội dung của vòng tuyển chọn cũng mô phỏng theo chương trình huấn luyện thật sự.

Như trong ngày thứ 2, các ứng viên sẽ phải chạy 4 km trong 20 phút. Từ ngày thứ 3 đến thứ 7 là phần kiểm tra khả năng định hướng.

Các binh sĩ Mỹ sau bài tập chạy mang vũ khí.
Các binh sĩ Mỹ sau bài tập chạy mang vũ khí.

Trong ngày thứ 8 là phần thi về khả năng chiến đấu dưới nước và kiểm tra thể lực. Nội dung kiểm tra thể lực gồm thực hiện 49 lần chống đẩy, 59 lần gập bụng, chạy 8 km dưới 40 phút và kéo xà đơn qua cằm 6 lần.

Những dữ liệu thu thập được cho thấy những điểm mạnh và yếu của những nữ quân nhân khi thực hiện các bài kiểm tra tuyển chọn này.

Một ví dụ là trung bình một nữ ứng viên chỉ thực hiện được 39 lần chống đẩy, dưới yêu cầu tối thiểu 10 lần.

Tuy vậy, họ cho thấy khả năng lập kế hoạch và lãnh đạo khi được luân phiên đặt vào vị trí chỉ huy trong những bài kiểm tra.

Trong năm 2014, có 1.100 nam quân nhân tham dự RTAC và tỷ lệ thành công là 57%. Trong khi đó, trong số 138 nữ quân nhân dự RTAC thì chỉ có 20 người vượt qua được, tương ứng với tỷ lệ chỉ dưới 15%.

Trung tá Edmund Riely, người chịu trách nhiệm chính về RTAC cho biết, mục đích của vòng tuyển chọn RTAC không phải để làm những ứng viên kiệt sức mà nhằm giúp họ có sự chuẩn bị cho chương trình huấn luyện khác nghiệt sắp tới.

Bài kiểm tra cuối cùng của RTAC, hành quân 10 km với quân trang, bắt đầu lúc 5 giờ sáng.

Chỉ sau vài phút, một nhóm đã tụt lại phía sau, trong lúc những huấn luyện viên liên tục thúc giục những người này tiếp tục tiến lên.

Một trong những huấn luyện viên mang theo đèn chớp trên balô của mình và đóng vai trò là cột mốc, những ai không thể bắt kịp người này được xem là quá chậm.

Một đội y tế được triển khai ở cuối đoàn để can thiệp trong tình huống cần thiết. Dẫn đầu đoàn và về đích trước tiên là một ứng viên nữ, chỉ cao khoảng 1,6 m và cân nặng 54 kg.

Bài huấn luyện thể lực và vượt chướng ngại vật

Sau bữa ăn sáng là đến phần vượt chướng ngại vật như đu dây, vượt tường và leo tháp cao 15m…

Một số nội dung, như vượt tường, yêu cầu các ứng viên phải cùng thực hiện theo nhóm 2 người. Một số ứng viên nữ hoàn thành phần kiểm tra với kết quả tương đương với các đồng đội nam.

Chương trình huấn luyện chính thức sẽ khó khăn và khắc nghiệt hơn nhiều.

Trung bình chỉ khoảng một nửa số người tham gia chương trình kéo dài 62 ngày này đạt yêu cầu. 60% trong số những người không đạt yêu cầu bị loại trong 4 ngày đầu tiên của chương trình.

Nó bao gồm nội dung kiểm tra thể lực tương tự như trong RTAC, ngoài ra còn có hành quân 20 km, định hướng không dùng GPS và cận chiến dưới nước.

Những ai vượt qua được tuần đầu tiên này sẽ có đến 75% khả năng hoàn thành cả khóa huấn luyện nhưng quá trình này có thể kéo dài vài tháng.

Binh sĩ Mỹ trong bài huấn luyện vượt chướng ngại vật

Binh sĩ Mỹ trong bài huấn luyện vượt chướng ngại vật

Những người không thể vượt qua những nội dung riêng lẻ có thể đợi để thử lại cùng với các nhóm sau đó.

Trong số những nội dung huấn luyện trong giai đoạn sau là tác chiến ở vùng núi và vùng đầm lầy.

Trong đó, những binh sĩ phải dùng dây thừng trượt nhanh từ sườn núi cao 60 trong đêm, và cơ động tấn công mục tiêu bằng thuyền.

Kết quả của những binh sĩ sẽ không chỉ do những huấn luyện viên đánh giá mà còn từ những đồng đội của mình.

Do đó, nếu một huấn luyện viên nào đó ưu ái những binh sĩ nữ thì sẽ dễ bị phát hiện hơn.

Kết quả đánh giá từ đồng đội đóng vai trò rất quan trọng trong kết quả cuối cùng vì nó cho thấy khả năng lãnh đạo của những người tham gia khóa huấn luyện này, nhất là khi mà những huấn luyện viên không phải lúc nào cũng có thể theo sát mọi diễn biến trên thực địa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại