Năm 1966, bộ chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV - The US Military Assistance Command, Vietnam) đã có yêu cầu về một loại tàu tác chiến ở địa bàn đồng bằng sông Cửu Long.
Do dự kiến được các trận đánh sẽ diễn ra ở cự ly ngắn nên các tàu thuyền phải được bọc thép để tăng khả năng sống sót. Vì yêu cầu thời gian cũng như đồng bộ hóa tối ưu nên mẫu tàu đổ bộ LCM-6 nổi tiếng đã được chọn làm nền tảng phát triển các biến thể này.
Tàu đổ bộ LCM-6.
Do thời gian gấp rút, các kỹ sư của Công ty FMC đã hoàn thành công việc thiết kế chỉ sau 90 ngày, việc hoán cải được giao cho xưởng đóng tàu ở California thực hiện.
Nhằm thực hiện yêu cầu tác chiến của đơn vị đổ bộ, bao gồm các nhóm chỉ huy, quét mìn, hộ tống, yểm trợ hỏa lực và nhóm vận tải, thông tin nên các tàu LCM-6 sửa đổi có một số phiên bản thường thấy sau đây:
Phiên bản chở quân, cứu thương (gọi là các ATC - Armoured Troop Carriers) được bọc giáp nhẹ. Đây là biến thể chiếm số lượng lớn nhất. Vũ khí tiêu chuẩn của ATC gồm 4 súng máy Browning M1919, 2 pháo Mark 16 20 mm và 1 súng phóng lựu liên thanh Mark 18 hoặc Mark 19.
Ngoài ra, một số phiên bản làm nhiệm vụ cứu thương được trang bị sàn đáp trực thăng, cho phép các loại trực thăng như UH-1 hạ cánh.
Phiên bản chiến hạm xung kích nhỏ (Monitor) được trang bị hỏa lực mạnh cho nhiệm vụ tuần tiễu truy quét ven sông như những cỗ xe tăng nổi, do đó nó còn được gọi là "Giang chiến hạm" hoặc "Xung kích đỉnh".
Biến thể đầu tiên (Monitor Mark IV) được trang bị tháp pháo Mark 52 với pháo 40 mm Bofors cùng 1 khẩu cối 81 mm, bổ sung 1 đại liên M2 50 cal, 1 tháp pháo Mark 51 với pháo Mark 16 20 mm và 2 tháp pháo Mark 50 với súng đại liên M2 50 cal .
Ngoài ra, tàu còn có thể trang bị thêm tùy chọn như súng phóng lựu liên thanh Mark 19, cối cá nhân M79 hay súng đại liên, trung liên M2, M1919, M60... Monitor được bọc giáp dày, lắp đặt giáp lồng gà chống đạn nổ lõm.
Hệ thống thông tin, điện tử của tàu gồm 2 máy AN/VRC-46, 1 máy AN/PCR-25 cùng radar Pathfinder của Raytheon.
Phiên bản Monitor (F) “Zippo”.
Qua thử nghiệm thực tế ở chiến trường Việt Nam, các phiên bản đầu tiên có hỏa lực không đáp ứng được yêu cầu đề ra do độ tản mát lớn.
Từ đó thế hệ Monitor thứ 2 (Monitor Mark V) đã thay thế pháo 40 mm bằng pháo M49 105 mm, loại bỏ cối 81 mm. Các tháp pháo Mark 50 và Mark 51 được thay thế bởi tháp pháo Mark 48 với pháo Mark 16 20 mm.
Phiên bản này được gia cố giáp, giáp lồng gà kéo dài quanh các tháp pháo chính ra cả thân tàu. Phiên bản này có tên gọi Monitor (H).
Phiên bản chỉ huy CCB (Command and Communications Boat) đã lược bỏ vũ khí bằng các thiết bị kiểm soát, liên lạc, nó thường được gọi với biệt danh “Charlie”. Ngoài ra còn có một số phiên bản hoán cải cho nhiệm vụ hậu cần, tiếp liệu.
Các biến thể chính có chiều dài 17,2 - 18,5 mét; rộng 4,3 - 5,3 mét; trang bị 2 động cơ Gray Marine 64HN9 Diesels 220 mã lực cho tốc độ tối đa 8,5 hải lý/h; thủy thủ đoàn lên tới 11 người.
Trong chiến tranh, các giang thuyền hoán cải từ tàu đổ bộ LCM-6 được trang bị rộng rãi cho lực lượng tác chiến đường sông của quân Mỹ cũng như Việt Nam Cộng Hòa nhằm tấn công, truy quét các đơn vị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên cũng như những vũ khí hiện đại khác, các thiết giáp hạm sông Mekong Monitor dù hỏa lực có mạnh tới đâu cũng không thể chiến thắng được tinh thần và trí tuệ của con người Việt Nam.