Tờ Air Force Times đăng bài viết cho hay: Một quan chức Không quân Mỹ xác nhận rằng các tiêm kích F-22 Raptor đã được sử dụng trong cuộc không kích của Mỹ cùng các đồng minh Trung Đông nhằm vào IS và một số nhóm phiến quân khác tại Syria đêm thứ Hai vừa qua (22/9).
“Một đội hỗn hợp gồm máy bay chiến đấu của Mỹ và các máy bay trong khu vực hoạt động của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đã tiến hành không kích”, vị quan chức Không quân nói, “Chúng tôi sẽ không nói cụ thể số lượng máy bay Mỹ được triển khai hay lượng vũ khí mà chúng sử dụng. Tuy nhiên, các máy bay Mỹ tham gia chiến dịch này bao gồm các máy bay được điều khiển từ xa, F-15E, F-16, F/A-18, F-22 và các máy bay ném bom B-1”.
“Ngoài ra, 47 tên lửa Tomahawk mà Mỹ sử dụng trong đợt tấn công được phóng từ các tàu khu trục USS Arleigh Burke và tàu tuần dương USS Philippine Sea đang hoạt động trong các vùng biển quốc tế tại Biển Đỏ và Vịnh Bắc Ả Rập”, vị này nói thêm, “Chúng tôi vẫn đang đánh giá kết quả của cuộc tấn công nhưng những biểu hiện ban đầu cho thấy cuộc tấn công đã tiêu diệt thành công các mục tiêu xác định”.
Phi đội F-22 từng bị hạn chế trong một số hoạt động tác chiến gần đây, một phần là do số lượng máy bay ít. Mặc dù Lầu Năm Góc từng dự định mua thêm một số lượng lớn các tiêm kích F-22 của Lockheed Martin nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã thúc đẩy quyết định ngừng sản xuất loại máy bay này trong những ngày đầu ông Obama lên nắm quyền.
Số lượng sản xuất cuối cùng dừng ở 187 chiếc, dây chuyền sản xuất đã dừng vào cuối năm 2011.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Lầu Năm Góc, Trung tướng William Mayville, giám đốc các chiến dịch của Bộ chỉ huy Liên quân Mỹ xác nhận rằng F-22 đã được sử dụng để tấn công một cơ sở chỉ huy và kiểm soát của IS tại Raqqah, sử dụng các loại vũ khí dẫn đường chính xác.
Có vẻ F-22 sẽ có thêm cơ hội thực chiến, bởi Trung tướng Mayville đã cảnh báo rằng các cuộc tấn công lần này “mới chỉ là khởi đầu của một chiến dịch kéo dài”.
Chi tiết về các hoạt động của Không quân Mỹ nhằm vào IS được tiết lộ rất ít ỏi. Ngược lại, Hải quân Mỹ, với các chiến đấu cơ cất cánh từ tàu sân bay, đã công bố rất nhiều video ghi lại cảnh các máy bay của họ tác chiến ở Iraq. Hải quân Mỹ còn công bố một đoạn clip tên lửa Tomahawk tấn công từ tàu chiến.
Vị trí các tiêm kích F-22 xuất kích cũng không được tiết lộ. Tuy nhiên, trong năm 2013, dữ liệu bản đồ được truy cập công khai cho thấy một đội máy bay F-22 đóng tại căn cứ không quân al-Dhafra thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và được coi là một mối đe dọa nhắm vào Iran. Cuối năm đó, Không quân Mỹ xác nhận một chiếc F-22 đã đánh chặn một chiếc F-4 của Iran trong khu vực.
Hiện vẫn chưa rõ tại sao Lầu Năm Góc lại lựa chọn để F-22 tham gia đợt thực chiến này. Trung tướng Mayville phỏng đoán rằng quyết định sử dụng F-22 được đưa ra dựa trên “những hiệu quả mà chúng ta muốn thấy tại các khu vực mục tiêu và những điều kiện thực tế nào trong khu vực phù hợp nhất để thực hiện điều đó”.
Trung tâm chỉ huy và kiểm soát của IS trước và sau khi bị chiến đấu cơ F-22 ném bom. Đây là lần đầu tiên F-22 tham gia thực chiến. Ảnh: Lầu Năm Góc
Có một khả năng là F-22 được cần đến để bảo vệ các máy bay Mỹ và đồng minh, trong đó có các tiêm kích F-16 của Jordan, từ bất cứ đối thủ trên không nào, đặc biệt là các lực lượng của Tổng thống Syria al-Assad.
Giả thuyết khác cho rằng F-22 được sử dụng để xâm nhập và phá hủy phần còn lại trong hệ thống phòng không của Assad đang nằm tại khu vực do IS kiểm soát. Các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc dự đoán rằng hệ thống phòng không này của Syria rất tiên tiến và từng được đưa ra làm lý do khiến các lực lượng Mỹ không thể tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào chính quyền Assad trong những ngày đầu cuộc nội chiến Syria.
Cũng có thể F-22 được giao thực hiện nhiệm vụ tác chiến điện tử trước khi phi đội máy bay chiến đấu và ném bom chủ lực vào cuộc. Lý do này có thể cũng liên quan tới những phần còn lại trong hệ thống phòng không của Syria.
Một quan chức Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh khả năng của F-22 trong sứ mệnh tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), đề cập rằng đây là “những khả năng đặc biệt” mà chiếc máy bay có thể mang lại cho cuộc chiến.
“Nó được tích hợp các hệ thống điện tử hàng không và cảm biến có khả năng thu thập thông tin. Hai hệ thống này kết hợp lại cho phép chiếc máy bay đánh giá đúng hơn về không gian chiến đấu, trong khi đồng thời có thể cung cấp thông tin cho chiếc máy bay khác đang cùng tham gia. Điều này giúp tạo nên một bức tranh rõ ràng về những gì đang diễn ra”, vị quan chức nói, “F-22 có năng lực ISR rất tốt, với các loại radar và cảm biến có khả năng thu thập nhiều thông tin hơn về những gì đang diễn ra trên chiến trường. Radar này có thể thu thập thông tin, xác định mục tiêu và chuyển thông tin đó cho một chiếc máy bay khác đang theo sau” - Rebecca Grant, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Quân sự (IRIS) và là một cựu quan chức của Lầu Năm Góc, cho hay.
Một đáp án đơn giản hơn cũng được bàn tới là Lầu Năm Góc đang cởi bỏ lớp vỏ bao bọc F-22. Tiêm kích này đóng quân tại những khu vực chiến lược trên thế giới là có lý do. Quân đội Mỹ từng dè chừng sử dụng chúng thì suy nghĩ này có thể đã thay đổi.
F-22 tấn công Trung tâm chỉ huy và kiểm soát của IS ở Syria
Theo trang mạng Bussiness Insider, Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào F-22 Raptor và Không quân Mỹ đã nỗ lực để biến một cỗ máy tốn kém, nhiều vấn đề trở thành một tiêm kích đa nhiệm thực thụ, có đủ khả năng tham gia thực chiến.
Một số chuyên gia còn nhận định những cuộc xung đột gần đây là cơ hội để Mỹ quảng cáo hoặc thử nghiệm các hệ thống vũ khí cũ và mới. Chiến dịch tại Syria có thể là cơ hội xoa dịu những nhân vật chỉ trích gay găt loại tiêm kích đắt đỏ này và chê bai thực tế là nó chưa từng được thực chiến.