"Tàu chiến Mỹ từng triển khai 100 đầu đạn hạt nhân ở Vịnh Bắc Bộ"
Hồ sơ mật của chính phủ Mỹ tiết lộ ý đồ dùng vũ khí hạt nhân ở VN
Mỹ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh VN vì sợ... ?
"[Vũ khí hạt nhân] dường như đã trở thành một cách biểu thị thái độ mà khi cần, Mỹ có thể sử dụng để đe dọa bất kì đối thủ nào. Quả bom hạt nhân chính là biểu tượng đảm bảo an ninh và sức mạnh của Mỹ."
Đó là nhận xét của Phó giáo sư - Tiến sĩ Alex Wellerstein, nhà sử học chuyên nghiên cứu về hạt nhân thuộc Viện Công nghệ Stevens, thành phố Hoboken, bang New Jersey (Mỹ).
Dù vậy, ông Wellerstein cũng phải thừa nhận, cuộc chiến tại Việt Nam đã chứng minh rằng sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là "điều kiện đủ" để đảm bảo chiến thắng. Ông cũng đặt ra câu hỏi: Liệu đánh bom hạt nhân tại Việt Nam có giúp ích được gì cho Mỹ?
Nghiên cứu của JASON
Đầu năm 1967, hội đồng cố vấn JASON đã trình lên chính phủ một bản báo cáo dài 60 trang mang tựa đề "Vũ khí hạt nhân chiến lược tại Đông Nam Á", với nội dung xoay quanh việc Mỹ có thể làm gì với bom hạt nhân.
JASON là một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu độc lập do Lầu Năm Góc tài trợ kinh phí, với nhiệm vụ cố vấn chính phủ Mỹ về mặt khoa học kĩ thuật trong các vấn đề quân sự nhạy cảm. JASON chính thức đi vào hoạt động từ năm 1960, với khoảng 30-60 thành viên.
Tác giả bản báo cáo - Freeman Dyson, Robert Gomer, Steven Weinberg, và Courtney Wright - cho biết họ không thực hiện nghiên cứu này theo yêu cầu của chính phủ, mà xuất phát từ chính những thôi thúc của bản thân.
Nhà hóa học Robert Gomer thuộc Đại học Chicago và cũng là một trong các tác giả của bản báo cáo kể lại, trong buổi tiệc cùng các thành viên JASON năm 1966, một cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng thân cận với Tổng thống Lyndon Johnson từng nói rằng:
"Thỉnh thoảng ném một quả bom hạt nhân có khi lại hay, như thế khiến đối phương không bắt thóp được mình".
Tuy chính Gomer cũng thừa nhận đây có lẽ chỉ là một phát biểu có phần bâng quơ, nhưng nó đủ để khiến ông cảm thấy "sởn gai ốc" trước khả năng Mỹ có thể sử dụng hạt nhân tại Việt Nam.
Với những hiểu biết của mình về khoa học kĩ thuât, Gomer cùng các cộng sự tập trung vào các vấn đề mang tính số liệu và chiến lược, thay vì xoáy sâu vào tâm lý con người hay các suy tính chính trị.
Ngay từ đầu, nhóm các nhà khoa học JASON đã đặt mục tiêu chứng minh sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam sẽ là một nước đi sai lầm. Nhưng theo ông Wellerstein, quan điểm không trung lập của JASON không có nghĩa là nghiên cứu của họ mất đi tính khách quan.
Nội dung nghiên cứu
Về cơ bản, nghiên cứu này dựa theo những luận điểm vô cùng đơn giản. Trong đó điểm mấu chốt là nếu Mỹ có đơn phương sử dụng vũ khí hạt nhân, thì điều này cũng không đem lại kết quả gì thực sự hữu ích.
Theo nhóm nghiên cứu JASON, vũ khí hạt nhân sẽ đem lại hiệu quả cao nhất khi đánh vào một đạo quân đông đúc. Vấn đề ở đây là quân đội Việt Nam thường hoạt động theo nhóm nhỏ, dưới sự "che chở" của núi rừng, chứ hiếm khi đi tập trung.
Trên lý thuyết, Mỹ có thể dùng bom hạt nhân để phá hủy căn cứ quân đội Việt Nam, nhưng để làm được điều đó thì trước hết phải xác định được chính xác vị trí căn cứ, một việc không hề dễ dàng và tốn nhiều thời gian.
Tóm lại, JASON cho rằng, trong cuộc chiến tại Việt Nam, việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhìn chung không thực sự đem lại nhiều lợi thế cho Mỹ nếu so sánh với các hỏa lực thông dụng khác.
Ngoài ra, "tác dụng phụ" của hạt nhân là bụi phóng xạ thì lại quá khó phán đoán và kiểm soát.
Về mặt số liệu, bản báo cáo của JASON đã chỉ ra một vài con số:
- Tính trung bình, một đầu đạn hạt nhân có sức công phá bằng 12 đầu đạn thông thường.
- Nếu Mỹ muốn áp dụng chiến dịch Sấm Rền (Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất - PV) theo kiểu hạt nhân, sẽ phải dùng đến 3.000 đầu đạn/năm.
- Trong điều kiện lý tưởng nhất, đó là khi sử dụng hạt nhân để đối phó với một đại quân đã xác định được vị trí, thì số thương vong ước tính cho mỗi đầu đạn cũng chỉ là 100. Con số này sẽ còn thấp hơn nhiều khi áp dụng tại chiến trường Việt Nam vì những lý do đã nói ở trên.
Gomer và các cộng sự cũng chỉ ra một vài mục tiêu tại Việt Nam mà trong đó sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ đem lại hiệu quả cao. Cụ thể, cầu đường, trụ sở, và các hệ thống đường hầm là những mục tiêu lý tưởng của bom hạt nhân.
Tuy nhiên, họ cho rằng, những công dụng này là quá nhỏ nhặt nếu so với công sức và chi phí cần bỏ ra để sử dụng.
Mỹ còn thiệt hơn
Lý do lớn nhất mà nhóm nghiên cứu này chỉ ra để phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân không phải vì lo ngại sẽ không đem lại hiệu quả cao, mà là những thiệt hại chính quân đội Mỹ phải hứng chịu nếu bom hạt nhân "đáp" xuống miền Bắc.
Họ tính toán rằng nếu 100 đầu đạn 10-KT có thể được vận chuyển từ căn cứ tới cả 70 mục tiêu trong một cuộc không kích đồng loạt, khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ tại Việt Nam cũng gần như "biến mất" hoàn toàn.
JASON chỉ ra rằng, kể từ Thế chiến thứ Hai, Mỹ luôn tránh không phạm vào "điều cấm kị" (taboo), đó là khai màn một cuộc chiến hạt nhân, vì họ thừa hiểu rằng bản thân mình sở hữu những mục tiêu lý tưởng cho thứ vũ khí hủy diệt này.
Đại quân số lượng lớn, các căn cứ quy mô cố định, các thành phố - đô thị lớn bên bờ biển, một nền kinh tế phụ thuộc vào truyền thông, giao thông và cơ sở hạ tầng.
Căn cứ quân sự Đảo Tuần Duyên của Mỹ tại California. Ảnh: WikiMedia
Những đứa "con cưng" này là lý do tại sao Mỹ luôn tránh không động tới hàng chục nghìn đầu đạn hạt nhân nước này đã sản xuất được từ sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki, do lo ngại những thiệt hại phải gánh chịu nếu bị trả đũa.
Kết luận
Sau 60 trang phân tích, JASON đi đến kết luận, sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam, dù dưới bất kì hình thức nào, cũng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với Mỹ.
Thứ nhất, nhóm nghiên cứu này khẳng định, việc đơn phương sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam sẽ không đem lại cho Mỹ một lợi thế mang tính quyết định về mặt quân sự.
Thứ hai, nguy cơ bị đáp trả hạt nhân chắc chắn sẽ dẫn tới thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều cho phía Mỹ.
Nói cách khác, lợi thế mà bom hạt nhân đem lại nếu sử dụng tại Việt Nam là không đủ để đảm bảo chấm dứt được chiến tranh, và cái giá Mỹ phải gánh chịu nếu bị trả đũa sẽ đắt hơn rất nhiều.
Tóm lại, nếu so sánh thiệt hơn, nhóm nghiên cứu JASON đã chứng minh được rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam "chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả đáng kể, và nhiều khả năng sẽ là một bước đi mang đến thảm họa" cho nước Mỹ.