Mỹ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh VN vì sợ... ?

Đức Huy |

Sau nhiều lần suy đi tính lại, cả hai Tổng thống Mỹ chỉ huy chiến tranh tại Việt Nam là Lyndon Johnson và Richard Nixon đều "nói không" với vũ khí hạt nhân. Vậy nguyên nhân do đâu?

"Tàu chiến Mỹ từng triển khai 100 đầu đạn hạt nhân ở Vịnh Bắc Bộ"

Hồ sơ mật của chính phủ Mỹ tiết lộ ý đồ dùng vũ khí hạt nhân ở VN

Sau một thập kỉ tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, quân đội Mỹ cúi đầu trở về trong nỗi hổ thẹn của một cường quốc phải nếm trái đắng từ một đất nước với diện tích chưa bằng một bang của mình.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ, sau rất nhiều hao tổn về nhân lực và tài chính ở chiến trường Việt Nam, lại cam tâm "ngậm đắng nuốt cay" mà không hề động tới con "át chủ bài" hạt nhân?

Hình ảnh "kẻ gây hấn"

Nhìn lại cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McGeorge Bundy từng nhận xét, con số thương vong nếu Mỹ đánh bom hạt nhân tại Việt Nam "có lẽ sẽ còn nhỏ hơn tổng thiệt hại về người mà một thập kỉ chiến tranh gây ra".

Câu hỏi đặt ra là, tại sao tất cả những động thái liên quan tới hạt nhân mà giới cầm quyền Mỹ áp dụng bấy giờ chỉ dừng lại ở những lời đe dọa.

Theo Bundy, người từng làm việc dưới thời Tổng thống John Kennedy và Lyndon Johnson, lãnh đạo Nhà Trắng khi đó coi việc khai màn hạt nhân là điều "cấm kị" (taboo) về chính trị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế.

Nhiều nhà phân tích từng nhận xét, sở dĩ Mỹ không muốn sử dụng hạt nhân tại Việt Nam là do lo ngại Liên Xô sẽ đáp trả, tuy nhiên theo ông Bundy, giới chức Mỹ thời đó không quá bận tâm về điều này.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy (trái) đối thoại cùng Tổng thống Johnson tại Nhà Trắng. Ảnh: WikiMedia
Cựu cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy (trái) đối thoại cùng Tổng thống Johnson tại Nhà Trắng. Ảnh: WikiMedia

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng, điều Washington lo ngại là vị thế của họ trong mắt dư luận thế giới nếu chiến tranh hạt nhân bùng nổ. Khi đó, Mỹ sẽ hứng chịu những mũi dùi chỉ trích vì đã "gây sự".

Xét tổng thể, tâm lý của giới chóp bu Mỹ khi đó là dù họ cho rằng vũ khí hạt nhân có thể hữu dụng trong việc đạt được mục đích trước mặt tại Việt Nam, nhưng "công dụng" này không thể sánh được với những "tác dụng phụ" về mặt chính trị hay đạo đức đi kèm.

Do đó, dù đã nhận được không ít những hối thúc từ phía các phần tử hiếu chiến của Lầu Năm Góc hay Bộ Ngoại giao, hai người đứng đầu Nhà Trắng thời chiến tranh là Lyndon Johnson và Richard Nixon đều quyết định "nói không" với vũ khí hạt nhân.

Tranh cãi nội bộ

Như đã nói ở trên, trước khi đi đến quyết định cuối cùng là không sử dụng hạt nhân, các Tổng thống Mỹ đã tham khảo nhiều ý kiến từ cả hai phía ủng hộ và phản đối.

Dưới thời Tổng thống Johnson, bên ủng hộ dẫn đầu bởi Hội đồng Tham mưu trưởng Mỹ (JCS), nơi liên tục thúc giục Nhà Trắng đẩy mạnh chiến tranh, trong đó có việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chủ tịch JCS khi đó là Earle Wheeler nổi tiếng với những chính sách "diều hâu". Wheeler thường xuyên hối thúc Tổng thống Johnson tăng cường hỏa lực tại miền Bắc Việt Nam, và là một trong những người ủng hộ mạnh nhất việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Diều hâu Earle Wheeler (giữa, đeo kính) cùng các thành viên Lầu Năm Góc. Ảnh: WikiMedia
"Diều hâu" Earle Wheeler (giữa, đeo kính) cùng các thành viên Lầu Năm Góc. Ảnh: WikiMedia

Trong khi đó, quan chức Lầu Năm Góc lại chia làm hai phe.

Phe ủng hộ hạt nhân khẳng định họ không muốn chiến tranh Việt Nam trở thành chiến tranh Triều Tiên phiên bản 2, đồng thời đặt dấu hỏi tại sao chính phủ đã bỏ ra hàng tỉ USD để phát triển hạt nhân mà giờ lại "để không".

Bên phản đối thì e ngại rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ lôi kéo Trung Quốc vào cuộc chiến. Mà một khi Bắc Kinh đã tham gia thì để đánh lui được thế lực này, theo các quan chức phe phản đối, nhiều khả năng cũng cần phải sử dụng đến hạt nhân.

Đó là chưa kể khả năng Liên Xô cũng sẽ tham gia vào cuộc chiến này. Tuy khó xảy ra, nhưng kịch bản xấu nhất này sẽ dẫn đến bùng nổ chiến tranh hạt nhân, một kết cục không hề có lợi cho Mỹ cũng như toàn thế giới.

Cựu Tổng thống Dwight Eisenhower khi được tham vấn thì cho rằng nếu cần thiết, Mỹ hoàn toàn có thể sử dụng hạt nhân. Theo Eisenhower, ngoài mục đích đạt được tại Việt Nam, bước đi này còn có thể giúp Mỹ "dằn mặt" Trung Quốc.

Eisenhower cho rằng, nếu Trung Quốc có quyết định tham chiến như một bộ phận Lầu Năm Góc đã lo ngại, thì Mỹ cũng không nên ngần ngại dùng hạt nhân để đáp trả.

Eisenhower nhấn mạnh, không nên để yếu tố chính trị ảnh hưởng tới quyết định có sử dụng hạt nhân hay không, đồng thời cho rằng Mỹ nên dẹp bỏ cái gọi là "thỏa hiệp quý ông" (Gentlemen's Agreement) có từ thời chiến tranh Triều Tiên.

Tuy nhiên, Tổng thống Johnson, Ngoại trưởng Robert McNamara và các cố vấn, những người đã tận mắt chứng kiến hậu quả của cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba, vẫn kiên định "ém" vũ khí hạt nhân.

Sang đến thời Tổng thống Nixon, những tranh cãi về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chủ yếu xoay quanh chiến dịch Duck Hook (đã được chúng tôi tổng hợp lại ở bài trước).

Ngoài ra, theo thông tin được học giả Nina Tannenwald thuộc Viện nghiên cứu Watson, Đại học Brown (Mỹ) ghi lại, bản thân Nixon luôn tin rằng mối đe dọa hạt nhân là lý do chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, và muốn áp dụng chiến lược tương tự tại Việt Nam.

Bà Tannenwald cũng cho rằng, đúng là Nixon có e ngại sẽ "gây sự" với Liên Xô, nhưng Tổng thống này tự tin rằng Mỹ là số một về hạt nhân nên không ngần ngại "sử dụng biện pháp bạo lực nhất có thể để kết thúc chiến tranh Việt Nam".

Tuy nhiên, dù được đánh giá là "hiếu chiến" hơn, nhưng tương tự với người tiền nhiệm Johnson, Tổng thống Nixon vẫn e ngại những yếu tố chính trị ảnh hưởng tới quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thêm vào đó, làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ ngày một gia tăng bấy giờ cũng là một lý do dẫn đến việc Nixon đi đến quyết định hủy bỏ chiến dịch Duck Hook và chọn giải pháp Việt Nam hóa Chiến tranh.

Những tranh cãi xung quanh việc Mỹ có thực sự tính đến khả năng sử dụng hạt nhân tại Việt Nam hay không có thể được gói gọn lại trong phát biểu của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger:

"Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chưa lúc nào chính phủ Mỹ thực sự tính đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Không hề có một quyết định nào cả, vì chưa có một biến động nào khiến chúng tôi phải tính đến khả năng này".

Nói tóm lại, trong suốt hai nhiệm kì Tổng thống Mỹ Johnson và Nixon, dù đã nhận được nhiều lời cố vấn mang tính "diều hâu" từ Lầu Năm Góc hay JCS, Nhà Trắng chưa bao giờ thật sự có ý định biến miền Bắc Việt Nam trở thành Hiroshima/Nagasaki thứ hai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại