LTS: Trong chiến tranh Việt Nam, giới cầm quyền Mỹ đã từng tính đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Thậm chí, theo lời một cựu chiến binh Mỹ thì đã từng có lúc, 100 đầu đạn hạt nhân được Mỹ triển khai ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ.
Nhưng điều gì đã khiến ngay cả những cái đầu nóng nhất trong giới diều hâu ở Washington phải chùn tay? Từ những nguồn tư liệu được giải mật gần đây, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời. Đó cũng là nội dung loạt bài mà chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả.
Năm 1968, lúc chiến tranh tại Việt Nam ở giai đoạn căng thẳng nhất, Phillip Hays đang là sinh viên năm cuối của đại học Arkansas. Chuẩn bị tốt nghiệp và đơn xin hoãn nhập ngũ đã gần hết hạn, Hays quyết định gia nhập Hải quân Mỹ.
Do đã từng học về tác động của phóng xạ lên các cá thể sống, Hays được tuyển vào lớp đào tạo trở thành sĩ quan vũ khí hạt nhân. Năm 1970, Hays được giao phụ trách khoảng hơn 20 đầu đạn trên tàu tuần dương tên lửa USS Oklahoma City, thuộc Hạm đội 7.
Cựu binh Hải quân Mỹ Phillip Hays. Ảnh: CGT
Theo CGT, dù không trực tiếp tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng Liên Xô đã hỗ trợ cho quân miền Bắc về nhiều mặt, trong đó có việc trang bị các dàn radar di động theo dõi hoạt động của các tàu chiến và máy bay Mỹ.
Hays kể rằng, khi đang đóng tại Vịnh Bắc Bộ, ông ta đã từng phá hủy một chiếc radar này bằng một quả tên lửa.
Giống như tất cả các loại tên lửa khác dùng trong chiến tranh Việt Nam, tên lửa bắn ra hôm đó chỉ mang đầu đạn thường, nhưng theo Hays, lúc đó trên tàu Oklahoma không thiếu đầu đạn hạt nhân.
Hays cũng cho biết, mọi đơn vị của quân đội Mỹ luôn có kho dự trữ vũ khí hạt nhân riêng của mình.
"Một trong những điều đáng sợ nhất khi đó là việc trong quân đội Mỹ, tất cả đều coi việc sở hữu hạt nhân là một biểu tượng quyền lực.
Mỗi chỉ huy ai cũng muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, và càng có nhiều vũ khí hạt nhân thì họ càng có vị trí biểu tượng cao hơn", cựu binh này kể lại.
Hays ước tính, Hải quân Mỹ chuẩn bị ít nhất 100 đầu đạn hạt nhân ở thế sẵn sàng trên các tàu chiến bố trí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ trong những năm chiến tranh.
Hays không biết Lục quân, Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ có bao nhiêu vũ khí hạt nhân cũng như Liên Xô liệu có đầu đạn hạt nhân ở khu vực lúc đó hay không.
Nhưng ông ta chắc chắn rằng lượng vũ khí hạt nhân khi đó đủ tạo ra một tấn thảm kịch nếu có người muốn khơi mào.
"Chúng tôi gọi nó là MAD - viết tắt của thuật ngữ đôi bên cùng bị hủy diệt trong chiến tranh (mutually assured destruction) - và điều đó thật điên rồ" (nghĩa gốc của từ "mad" trong tiếng Anh) - Hays nhớ lại.
Trong thời gian phục vụ trong Hải quân Mỹ, Hays chưa bao giờ nhận được lệnh chuẩn bị sẵn sàng phóng một đầu đạn hạt nhân.
Cựu binh Hays mô tả thao tác kích hoạt đầu đạn hạt nhân. Ảnh: CGT
Thay vào đó, Hays dành nhiều thời gian để đảm bảo các đầu đạn hạt nhân được lưu trữ, xử lý đúng quy cách và bảo mật.
"Trách nhiệm của tôi là đảm bảo đầu đạn không nổ tung, và tôi đã làm được điều đó", ông này nói.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Hays chưa từng tính đến trường hợp sẽ được giao việc bấm nút khai hỏa vũ khí hạt nhân.
"Trong hoàn cảnh đó, bạn phải tự hỏi mình sẽ làm gì nếu nhận được lệnh bắn thứ vũ khí hủy diệt này? Tôi thì có lẽ sẽ làm theo lệnh. Còn với người khác thì tôi không biết, phải ở trong hoàn cảnh đó mới biết được", Hays nói.