Tên lửa không đối không ít biết của Việt Nam

CLHB |

Khi nói về những cánh én bạc MiG-21, mọi người thường chỉ nghĩ tới các chiến công huyền thoại gắn liền với tên lửa K-13 (AA-2 Atoll) mà ít để ý đến loại tên lửa khác là K-5.

K-5 (Tên định danh NATO: AA-1 Alkali) là tên lửa không đối không tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn với hệ thống dẫn đường radar bán chủ động thông qua sóng radio (phiên bản đầu tiên).

Đây chính là tên lửa không đối không có điều khiển đầu tiên do Liên Xô sản xuất.

Công việc phát triển K-5 bắt đầu từ năm 1951 tại OKB-2 dưới sự chỉ đạo của công trình sư Tomasevic, tên lửa đã thử nghiệm thành công trên tiêm kích đánh chặn Yak-25 vào năm 1955 ở bờ đông biển Caspian.

Đến năm 1956, phiên bản K-5 (RS-1U) được thông qua, nó tương thích với radar RP-1U Emerald và RP-2U Emerald-2 trên các máy bay MiG-17PFU, Yak-25K và MiG-19PM.

Phiên bản RS-1U

Phiên bản nâng cấp K-5M (RS-2U) được thông qua ngày 28/11/1957 để trang bị cho tiêm kích MiG-19PM.

Phiên bản RS-2U

Tới năm 1960, biến thể hiện đại hóa sâu K-5MS (K-51, RS-2US) được đưa vào biên chế.

Loại tên lửa này tương thích với nhiều mẫu máy bay chiến đấu mới như MiG-19PMU, Su-9, MiG-21PFM/ F/ MF (đây cũng chính là phiên bản trang bị cho các tiêm kích MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam).

Phiên bản RS-2US

K-5 còn có biến thể sử dụng đầu dò hồng ngoại giống tên lửa R-3S/ K-13 (AA-2 Atoll) được định danh là K-55 (P-55, AA-1B), tương thích với cả tiêm kích Su-15 Flagon. K-55 chính thức phục vụ trong Không quân Liên Xô từ năm 1972.

Phiên bản K-55, có thể thấy rõ đầu dò hồng ngoại ở mũi tên lửa.

Thông số kỹ thuật cơ bản phiên bản K-5MS (K-51, RS-2US)

Chiều dài: 2,5 m; Đường kính: 200 mm; Sải cánh: 0,65 m.

Tổng trọng lượng: 82,7 kg với động cơ sử dụng nhiên liệu rắn; Trọng lượng đầu đạn: 13 kg thuốc nổ mạnh; Ngòi nổ: Radio PB-2U.

Tốc độ tối đa: 800 m/s; Tầm bắn: 2 - 6 km trên độ cao 5 - 20 km (thực tế 2,5 - 3,5 km trên độ cao 2,5 - 16,5 km).

Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với máy bay MiG-21, các tên lửa K-5 cũng được Liên Xô viện trợ cho Không quân Nhân dân Việt Nam để chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc.

Tên lửa K-5 còn được sản xuất theo giấy phép tại Trung Quốc với tên gọi PL-1.

Tên lửa K-5MS (trong) và K-13/ R-3S (ngoài) trên tiêm kích MiG-21MF số hiệu 5121

Tên lửa K-5MS (trong) và K-13/ R-3S (ngoài) trên tiêm kích MiG-21MF số hiệu 5121

Qua thực tế chiến đấu, tên lửa K-5 đã bộc lộ nhiều điểm yếu, một phần do hệ thống dẫn đường sơ khai của thế hệ tên lửa không đối không đầu tiên do Liên Xô sản xuất, một phần do các loại radar dẫn bắn trên máy bay tiêm kích thời kỳ đó có tính năng hạn chế.

Ngoài ra, vào thời điểm này Không quân Mỹ đã triển khai rất nhiều biện pháp gây nhiễu quyết liệt cả chủ động lẫn thụ động trên quy mô lớn.

Khi các hệ thống radar cảnh giới hay điều khiển hỏa lực của lực lượng phòng không có kích thước và công suất lớn hơn nhiều cũng bị áp chế mạnh mẽ, thì dễ hiểu vì sao tên lửa K-5MS (RS-2US) khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Thực tế cho thấy thành tích “sáng chói” của MiG-21 chủ yếu do tên lửa K-13 (AA-2 Atoll) lập nên, đã khiến K-5MS (RS-2US) bị lu mờ và ít được nhắc tới sau này.

Cận cảnh tên lửa K-5MS và K-13

Sau khi bị loại biên, Viện kỹ thuật quân sự (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã nghiên cứu cải tiến thành công tên lửa không đối không K-5MS (RS-2US) thành mục tiêu bay mang tên gọi BB-3R, BB-13M và M5, phục vụ đắc lực cho công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại