Bom vua cực khủng của Liên Xô

Lê Hùng |

Ngày 30/10/1961, tại Trường bắn trên quần đảo “Novaia Zemlia” (Đất mới), Liên Xô đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch AH602 với sức công phá 57 Megaton.

Sau đây là một số thông tin đáng quan tâm về vụ thử nghiệm này:

1.Sức công phá của AH602

Để dễ hình dung: 57 Megaton – gấp 10 lần sức công phá của tất cả các loại đạn dược (bom, pháo, mìn v.v. ) được sử dụng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. AH602 là loại vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp nhất trong toàn bộ lịch sử loài người.

2. Địa điểm thử nghiệm

Điểm đỏ trên bản đố là nơi diễn ra vụ nổ AH606 /Ảnh : wikipedia.org
Điểm đỏ trên bản đố là nơi diễn ra vụ nổ AH602/Ảnh : wikipedia.org

Các vụ thử nghiệm hạt nhân tại Liên Xô được bắt đầu từ năm 1949 tại bãi tập Semipalatin ở Kazakhstan. Diện tích của bãi tập này là 18.500 km2. Nó ở rất xa các khu dân cư và thành phố.

Tuy nhiên khoảng cách đến các khu dân cư ở Semipalatin này không đủ an toàn để có thể thử loại vũ khí cực mạnh như AH602. Chính vì thế mà trên thảo nguyên Kazakhstan, Liên Xô chỉ tiến hành các vụ nổ hạt nhân công suất vừa và nhỏ.

Các vụ thử này được thực hiện chủ yếu là để nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ hạt nhân, nghiên cứu ảnh hưởng của các vụ nổ tới các phương tiện kỹ thuật và các công trình.

Cho nên, có thể gọi các vụ nổ thử tại Semipalatin là các vụ thử nghiệm mang tính khoa học- kỹ thuật thuần túy. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh quân sự lúc bấy giờ, cần phải những thử nghiệm mang thành tố chính trị là chủ yếu - thể hiện sức mạnh hủy diệt của bom Xô Viết trước các “đối phương tiềm năng”.

Liên Xô còn có một bãi thử nữa là Totski ở vùng Orenburg, nhưng Totski nhỏ hơn Semipalatin. Hơn nữa nó lại nằm quá gần các thành phố và khu dân cư. Năm 1954, các chuyên gia đã tìm thấy một địa điểm thích hợp để có thể thử “siêu bom” AH602 .

Đó là quần đảo Novaia Zemlia, địa điểm này hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của một bãi thử siêu bom.

Thứ nhất, nó rất xa các khu dân cư và các tuyến đường giao thông và sau khi đóng cửa các vụ nổ sẽ có “tác động tối thiểu đến các hoạt động kinh tế-sản xuất của khu vực” theo như yêu cầu mà chính phủ Liên Xô đặt ra cho các nhà thiết kế.

Thứ hai, tại khu vực này cũng thể tiến hành các nghiên cứu về ảnh hưởng của vụ nổ hạt nhân đối với các tàu nổi và tàu ngầm (vì là quần đảo).

Các đảo Novaia Zemlia thỏa mãn tối đa tất cả các yêu cầu trên. Diện tích quần đảo lớn hơn gấp 4 lần Semipalatin và bằng 85.000 km2 (bằng diện tích Hà Lan).

Vấn đề di dân sống trên đảo được giải quyết nhanh chóng: 298 cư dân gốc người Nhenhets được đưa khỏi đảo và được “tái định cư” tại Arkhaghensk và tại làng Amderma trên bán đảo Kolguev.

Những người dân “tái định cư” này được cung cấp nhà ở, việc làm và những người đứng tuổi được cấp lương hưu dù chưa làm việc trong cơ quan hay nhà máy một ngày nào.

3. Công tác xây dựng

Bãi thử hạt nhân ở Novaia Zemlia – đấy không phải là một bãi trống để các máy bay ném bom thả bom, mà là một tổ hợp các công trình kỹ thuật và các cơ quan hành chính- đảm bảo.

Chúng gồm có: cơ quan thử nghiệm-nghiên cứu khoa học, cơ quan đảm bảo điện-nước, một trung đoàn không quân tiêm kích, một đơn vị không quân vận tải, một phân đội tàu chiến và tàu chuyên dụng, một đội cứu hộ-cứu nạn, đầu mối liên lạc, các đơn vị hậu cần, khu nhà ở.

Tại bãi thử này, Liên Xô đã cho xây dựng 3 khu thử gồm: Chernaia Guba, Matochkin Shar và Sukhoi Nos.

Mùa hè năm 1954, 10 tiểu đoàn xây dựng được điều đến quần đảo này và triển khai xây dựng khu thử đầu tiên – Chernaia Guba.

Lính xây dựng dù phải qua mùa đông Bắc Cực cực khắc nghiệt trong các lán trại bằng vải bạt nhưng đã hoàn thành công tác chuẩn bị khu thử dự định cho vụ nổ hạt nhân dưới nước đầu tiên tại Liên Xô vào tháng 9/1955.

4. “Sản phẩm”

Công tác thiết kế “Bom vua” với mật danh AH602 được bắt đầu đồng thời với việc triển khai xây bãi thử trên quần đảo Novaia Zemlia – tức vào năm 1955. Bom được chế tạo hoàn chỉnh vào tháng 9/1961, tức chỉ một tháng trước khi đưa vào thử nghiệm.

Viện khoa học- nghiên cứu thử nghiệm NII-1011 Minsredmash (nay là Viện khoa học-nghiên cứu vật lý kỹ thuật toàn Nga (VNIITF-viết tắt tiếng Nga) có trụ sở tại thành phố Snhezinsk Vùng Cheliabin là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong thết kế AH602.

Viện này được thành lập ngày 05/5/1955 để thực hiện các dự án nhiệt hạch. Mấy thông tin thêm về VNIITF : Sau này cũng chính Viện này đã thiết kế chế tạo 70% tất cả các bom hạt nhân, tên lửa hạt nhân và ngư lôi hạt nhân Xô Viết.

Giám đốc Viện 1011 lúc đó là K.I Shelkin, Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.

K.I.Shelkin là người cùng với một nhóm các nhà bác học hạt nhân tham gia vào chế tạo và thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô RDS-1. Chính ông trong năm 1949 là người cuối cùng rời khỏi tháp đặt đầu đạn hạt nhân, niêm phong cửa vào và ấn nút “Phóng”.

Công tác chế tạo AH602 với sự tham gia của gần như hầu hết các nhà vật lý hàng đầu của Liên Xô lúc đó được tiến hành mà không gặp phải một trục trặc lớn nào , tuy nhiên do công suất nổ của bom quá lớn nên nó đòi hỏi phải thực hiện một khối lượng không lồ các phép tính và các hiệu chỉnh bổ sung trong thiết kế.

Ngoài ra, phải tiến hành rất nhiều các thử nghiệm với các đầu đạn công suất nhỏ hơn tại Semipalatin và sau đó là tại chính Novaia Zemlia.

Chúng ta không đi sâu vào các chi tiết kỹ thuật và cơ chế hoạt động của “bom vua”, chỉ biết rằng khi phát nổ tại Novaia Xemlia, sóng xung kích của bom sẽ thổi bay cửa kính các toà nhà ở Murmansk, Arkhangelsk và Bắc Phần Lan (xem bản đồ). Ban đầu, các nhà thiết kế dự tính công suất nổ của bom là 100 megaton.

Nhưng ở giai đoạn cuối, họ dừng lại ở mức 51,5 megaton để “chỉ gây tác động tối thiểu đến hoạt động kinh tế- sản xuất tại khu vực sau khi đóng cửa trường bắn” như đã nói ở trên. Trên thực tế, công suất vụ nổ lớn hơn tính toán –tới 57megaton.

Bom AH602 được chế tạo hoàn chỉnh không phải tại Snhezinsk, mà tại Phòng thiết kế KB-11 nối tiếng tại Arzamas. Để hoàn chỉnh AH602, các nhà thiết kế và kỹ sư phải mất 112 ngày.

Kích thước và trọng lượng của AH602 đã được xác định từ năm 1955. Để có thể đưa bom đến bãi thử, các chuyên gia Xô Viết buộc phải cải hoán và hiện đại hóa loại máy bay lớn nhất lúc bấy giờ là Tu-95.

Đây là một công việc cực kỳ phức tạp bởi vì Tu-95 (trọng lượng 84 tấn) chỉ có thể mang được tải trọng tác chiến là 11 tấn . Đấy là chưa kể đến việc khoang chứa bom của Tu-95 không thể chứa được AH602 và buộc phải làm lại khoang chứa bom .

Công tác cải hoán và hiện đại hóa duy nhất một chiếc Tu-95 (được mang mật danh Tu-95V) được tiến hành từ năm 1956 đến năm 1958 . Thêm 01 năm nữa tiến hành các thử nghiệm cấp nhà nước để mang các maket bom với trọng lượng và kích thước như AH602. Đến năm 1959, Tu-95V đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật đề ra.

6. Kết quả

Kết quả chủ yếu như dự tính – tức tác động chính trị, đã vượt quá mong đợi của giới lãnh đạo Liên Xô. Vụ nổ với sức công phá chưa từng thấy từ trước tới thời điểm đó đã gây một ấn tượng cực kỳ mạnh đối với các nhà lãnh đạo Phương Tây .

Vụ nổ này cùng buộc các nhà lãnh đạo Phương Tây phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về khả năng của các Tổ hợp công nghiệp- quốc phòng Xô Viết và dĩ nhiên, xem xét lại các tham vọng quân sự của mình.

7. Vụ thử nghiệm diễn ra như thế nào?

Sáng sớm ngày 30/10/1961, từ một sân bay rất xa Novaia Zemlia có 2 chiếc máy bay ném bom cất cánh – chiếc Tu-95V với “sản phẩm” AH602 và 01 chiếc Tu-16 với các thiết bị nghiên cứu và các máy ảnh.

Đúng 11h32 phút, từ độ cao 10.500 m, chỉ huy Tu-95V là Thiếu tá A.E.Durnovtsev hạ lệnh cắt bom. Khi quay về đến sân bay, A.E.Durnovtsev đã là Trung tá và là anh hùng Liên Xô .

Bom được thả bằng dù và đến độ cao 3.700 m thì phát nổ, - đến thời điểm đó cả Tu-95V và Tu-16 đã bay cách tâm nổ 39km.

Hai người chỉ huy vụ thử nghiệm- Bộ trưởng Bộ chế tạo máy E.P.Slavski và Tổng tư lệnh Bộ đội tên lửa, nguyên soái K.S.Moskalenko – vào thời điểm AH602 nổ đang ngồi trên máy bay Il-14 cách đó 500 km.

Mặc dù trời hôm đó rất âm u nhưng cả hai đều nhìn thấy một quầng lửa sáng chói, đồng thời sóng xung kích cũng làm máy bay chao đảo mạnh. Bộ trưởng và Nguyên soái ngay lập tức gửi điện về báo cáo N.Khrushev ( Bí thư thứ nhất ĐCS Liên Xô- nhân vật quyền lực nhất lúc đó) .

Một trong các nhóm chuyên gia nghiên cứu có mặt ở một địa điểm cách tâm nổ 270 km không chỉ nhìn thấy quầng sáng qua kính đen bảo vệ mà còn cảm nhận được tác động của xung ánh sáng. Tại một làng bỏ hoang cách tâm nổ 400 km, tất cả các ngôi nhà gỗ đều bị đổ sập, tất cả các mái nhà, cửa sổ và cánh cửa của các ngôi nhà bằng đá đều bị thổi bay.

Cột nấm của vụ nổ lên cao tới 68km. Sóng xung kích phản hồi từ mặt đất đã ngăn không cho khối cầu platma rơi xuống đất, nếu không nó đã biến thành tro mọi vật trên một diện tích rất lớn .

Các tác động khác cũng rất khủng khiếp: bức xạ ánh sáng có thể làm bỏng cấp độ ba ở cự ly 100 km. Tiếng nổ có thể nghe thấy trong khu vực có bán kính 800 km. Nhiễu làm rối loạn liên lạc vô tuyến tại Châu Âu hơn 01 tiếng đồng hồ, liên lạc với 02 máy bay ném bom nói trên cũng bị gián đoạn trong hơn 30 phút .

Tuy nhiên, vụ thử nghiệm AH602 lại “sạch” đến mức đáng ngạc nhiên. Phóng xạ trong bán kính 3km từ tâm nổ sau 02 tiếng đồng hồ đo được chỉ là 1 millirơnghen/h. Máy bay ném bom Tu-95B, mặc dù lúc đó đã cách tâm điểm vụ nổ 39 km nhưng sóng xung kích đã làm cho nó mất độ cao và mất điều khiển .

Phi công Tu-95V chỉ điều khiển lại được máy bay khi nó đã mất độ cao tới 800m. Một số chi tiết kết cấu của máy bay thậm chí biến dạng .

Để kết luận bài viết, xin nói thêm là nếu muốn thì các nhà khoa học Xô Viết đã có thể làm cho sức công phá của AH602 lên đến 100 megaton.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại