Theo tờ Want China Times (Đài Loan), đó là nhận định do trang mạng quân sự Strategy Page (Mỹ) dẫn một nguồn tin tình báo Hải quân Mỹ cho biết.
Theo nguồn tin của Strategy Page, Trung Quốc đã đóng, hạ thủy và đưa vào biên chế ít nhất 60 tàu chiến trong năm 2014. Xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục trong giai đoạn 2015-2016.
Theo kế hoạch xây dựng hải quân của Trung Quốc, nước này sẽ có vài tàu sân bay, 26 tàu khu trục, 52 khinh hạm, 20 tàu hộ tống, 85 tàu tuần tra trên lửa, 56 tàu đổ bộ, 42 tàu quét mìn và gần 500 tàu tiếp tế hậu cần, trong đó có 10% là tàu biển cỡ lớn.
Tình báo Mỹ nhận định, Trung Quốc đã kết hợp khá thành công 4 trong 5 cơ quan tuần tra, chấp pháp trên biển thành Cục cảnh sát biển Trung Quốc.
Trước đây, theo quy định cũ, Bắc Kinh có nhiều cơ quan tuần tra biển khác nhau để đảm bảo mọi lực lượng đều trung thành với đảng cầm quyền.
Song, do hệ thống cũ chỉ mang lại hiệu quả kém và sự lộn xộn nên đã Trung Quốc đã quyết định hợp nhất phần lớn các cơ quan an ninh hàng hải.
Bắc Kinh sau đó đã mất nhiều tháng để sơn lại hàng trăm tàu tuần tra. Trong đó các tàu hải giám, vốn là một lực lượng bán quân sự, lại được lắp đặt các vũ khí hạng nặng.
Hình ảnh cho thấy tàu hải cảnh 2901 được lắp pháo cỡ nòng lớn hơn rất nhiều so với loại pháo thường trang bị trên các tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: People's Daily
Theo Strategy Page, việc thành lập Cục cảnh sát biển là một phần trong chiến lược quen thuộc của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Đó là sử dụng các tàu cảnh sát biển (tàu hải cảnh) tuần tra phi pháp tại những vùng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền, thay vì cử các tàu hải quân, để đạt được yêu sách của mình.
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang đóng tàu hải cảnh với lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn. Ảnh: China News
Hiện Trung Quốc đang tiến hành đóng mới hàng chục tàu cho lực lượng cảnh sát biển nước này, trong đó nhiều tàu tuần tra được trang bị các hệ thống vũ khí như tên lửa và ngư lôi.
Bên cạnh đó, nước này còn đang cho xây dựng trái phép các căn cứ mới dành cho Cục cảnh sát biển tại một số khu vực ở Biển Đông, thông qua các dự án cải tạo đảo phi pháp.
Mỹ phản đối Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, các hoạt động của Trung Quốc nhằm cải tạo đảo ở Biển Đông không góp phần vào việc đảm bảo hòa bình trong khu vực bất kể các cơ sở xây dựng được sử dụng như thế nào.
Trước đó, Trung Quốc nói rằng, Mỹ và các nước khác nên hoan nghênh việc sử dụng những cơ sở dân sự mà họ xây dựng cho mục đích tìm kiếm cứu nạn và những hoạt động khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke hôm 1/5 cho biết, lập trường của Mỹ là, những hoạt động này không góp phần vào ổn định khu vực.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mở rộng đảo, đá ở Biển Đông
Ngày 8/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết:
Phản ứng của Việt Nam trước một số phát biểu của phía Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã mở rộng, bồi đắp lấn biển quy mô lớn tại các đảo, đá mà theo phía Trung Quốc, Việt Nam “chiếm giữ” ở Biển Đông.
Ông Lê Hải Bình khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN.
Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC);
Đồng thời không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông”.
>>> BQP Mỹ công bố con số khủng khiếp về hoạt động của TQ ở Biển Đông
>>> Lộ ảnh Trung Quốc trang bị pháo lớn cho tàu hải cảnh