Trang Sputnik của Nga ngày 7/2/2016 có báo cáo nói về thương vụ Trung Quốc ký hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu thế hệ 4++ S-35 của Nga.
Theo đó, tờ báo Nga cho rằng, khi sở hữu được các máy bay chiến đấu tân tiến từ Nga, Không quân Trung Quốc không những có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự tại khu vực eo biển Đài Loan mà còn giúp cho nước này có được những tiến bộ cần thiết để phát triển loại máy bay chiến đấu J-11.
Trung tâm Carnegie Moscow cho hay, giá trị hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga là hợp đồng mua vũ khí lớn thứ hai giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại quân sự.
Cách đây 1 năm, Moscow và Bắc Kinh đã ký với nhau thỏa thuận cung cấp cho quân đội Trung Quốc 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 trị giá 1,9 tỷ USD sau 2 năm đàm phán (từ 2010 đến 2011), những vẫn đề chưa thống nhất được giữa Bắc Kinh và Moscow đều đã được giải quyết.
Trung tâm Carnegie Moscow cho hay, có những báo cáo cho rằng việc chuyển giao vũ khí cho Trung Quốc sẽ được Nga thực hiện từ năm 2016 và sẽ hoàn thành toàn bộ các hợp đồng vào hạn chót là mốc năm 2018.
Theo báo Nga, việc Trung Quốc mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga có mục đích chính là để tăng cường các giải pháp công nghệ của nước ngoài trong việc phát triển các máy bay chiến đấu J-11 do Bắc Kinh đang nghiên cứu, chế tạo.
Hiện nay, Trung Quốc cũng còn đang loay hoat với hai phiên bản máy bay chiến đấu J-20 và J-31. Trong 2 loại này, Bắc Kinh tập trung vào phiên bản J-20 và coi đó là loại máy bay thế hệ thứ 5 của riêng mình.
Trong khi đó, J-31 dù có được cho là sở hữu công nghệ tàng hình nhưng các thành phần kỹ thuật chủ yếu của nó đều vay mượn của các loại máy bay chiến đấu thế hệ 4+ điển hình là J-10B, J-16 và FC-1.
Theo Trung tâm Carnegie Moscow, máy bay J-20 của Trung Quốc đã phản ánh toàn bộ năng lực của ngành công nghiệp hàng không của trung quốc, khả năng chiến đấu của nó hoàn toàn không rõ ràng.
Theo trung tâm nghiên cứu của Nga, J-20 Trung Quốc chủ yếu vay mượn các yếu tố công nghệ của Mỹ và một số các quốc gia khác.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu thế hệ 4++ của Nga được phát triển từ tiêm kích thế hệ tiền bối Su-27.
Chính vì vậy, ấn bản của Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng việc Bắc Kinh sở hữu được Su-35 sẽ giúp cho quân đội nước này thu nhặt được những tiến bộ mới trong lĩnh vực chế tạo máy bay chiến đấu quân sự nói chung và J-11 nói riêng bởi TQ có khả năng sao chép công nghệ rất nhanh và lợi hại.
Theo đó, với Nga, bán được Su-35 cho Trung Quốc sẽ gia tăng vị trí của nước này trên thị trường vũ trang quốc tế. Khách hàng tiếp sau Trung Quốc có thể là Indonesia.
Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm Carnegie Moscow không bàn đến những thiệt hại, nguy cơ an ninh và cạnh tranh mà Nga có thể phải đối mặt trong tương lai một khi Trung Quốc làm chủ được công nghệ mà chính Nga đã bán cho Trung Quốc.
Báo cáo này cũng không đề cập đến một vấn đề mà nhiều quốc gia ở châu Á đang quan ngại đó là Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự ở quy mô chóng mặt, một trong những mục đích của khuynh hướng này của Bắc Kinh là hiện thực hóa tham vọng phi pháp đó là chiếm đoạt gần như toàn bộ diện khu vực Biển Đông, nơi có tuyến đường vận tải biển quan trong nhất thế giới.
Giới quan sát quân sự quốc tế và khu vực cũng đã từng nhận định trong nhiều báo cáo rằng, quân đội Trung Quốc sẽ dùng tên lửa S-400 và các loại vũ khí hiện đại mua của Nga để triển khai cho hướng Biển Đông.