5 vũ khí này của NATO có khiến Nga chùn bước ở châu Âu?

Hải Vy |

Trước một quân đội Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất hiện nay là: NATO sẽ làm gì để đối phó?

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar cho biết:

Các quan chức quốc phòng và ngoại giao cấp cao của Mỹ ngày càng không thể phớt lờ một nước Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ và “mối đe dọa” mà nước này có thể đặt ra ở châu Âu.

Trong 2 năm qua, phương Tây đã đưa ra nhiều cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào tình hình Ukraine (dù Moscow phủ nhận) và tăng cường các hoạt động tuần tra bằng máy bay ném bom và tàu ngầm.

Các quan chức NATO, như Phó Đô đốc Hải quân Anh Clive Johnstone – Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hàng hải của NATO, cảnh báo rằng các hoạt động của tàu ngầm Nga tại Bắc Đại Tây Dương đã tăng trở lại mức như ở thời Chiến tranh Lạnh.

Điều đáng nói là, các tàu ngầm mới của Nga hiện nay còn vượt trội hơn nhiều so với bất cứ tàu ngầm nào mà Hải quân Mỹ hay NATO từng chạm trán trong suốt thời kỳ đó.

Moscow cũng được cho là đang tích cực xây dựng lực lượng tại vùng Kaliningrad.

Trước tình hình này, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất hiện nay là: NATO sẽ làm gì để đối phó? Theo nhà phân tích Majumdar, dưới đây là 5 loại vũ khí mà NATO sẽ sử dụng nếu đối đầu Nga tại châu Âu.

Tàu ngầm lớp Virginia

Mặc dù Nga đã đầu tư chế tạo những tàu ngầm mới rất mạnh nhưng Hải quân Mỹ và hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia vẫn thống trị thế giới ngầm, phía dưới những con sóng ở Đại Tây Dương.

Hạm đội tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và được cải tiến.

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Lầu Năm Góc sẽ dành 8,1 tỷ USD đầu tư cho các phương tiện tác chiến dưới nước trong năm 2017 và hơn 40 tỷ USD trong 5 năm tới.

Mục tiêu là xây dựng cho Hải quân Mỹ lực lượng tàu ngầm “đáng gờm nhất” trên thế giới.

Không chỉ trang bị 9 tàu ngầm tấn công tiên tiến lớp Virginia, kế hoạch này còn bao gồm chương trình trang bị các module VPM (Virginia Payload Module), giúp tăng hơn 3 lần khả năng tấn công của mỗi tàu ngầm (từ 12 lên 40 tên lửa).

Giới thiệu tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia

Tiêm kích tàng hình F-35

Mặc dù chương trình tiêm kích F-35 đã bị chậm trễ nhiều năm so với kế hoạch do lỗi kỹ thuật, đội chi phí và không mang lại được những khả năng đã hứa hẹn lúc đầu nhưng suy cho cùng, tiêm kích tàng hình này sẽ trở thành vũ khí đáng gờm khi hoàn thiện.

F-35 sẽ không trở thành mẫu máy bay chiến đấu cơ động nhất, nhanh nhất, trang bị vũ khí tối tân nhất trên thế giới (theo nhiều đánh giá, ở một số khía cạnh F-35 còn thua kém những máy bay chiến đấu tiên tiến đang hoạt động hoặc thậm chí là chiến đấu cơ thế hệ trước).

Tuy nhiên, nó vẫn có một số lợi thế quan trọng.

Sức mạnh của F-35 nằm ở khả năng tàng hình và các cảm biến hiện đại, cho phép nó thâm nhập và tấn công các khu vực nằm ngoài khả năng của các loại máy bay chiến đấu thông thường.

Đồng thời, nó còn có khả năng thu thập thông tin để tạo nên một “bức tranh tình báo” chi tiết.

Bên cạnh đó, F-35 trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ, điều này rất hữu ích trong quá trình tác chiến.

F-35 chưa hẳn là một loại máy bay lý tưởng để đối phó với các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc hiện nay. Nó không phải là loại máy bay hoàn hảo nhưng dù xấu hay tốt thì đây cũng là vũ khí mà Mỹ đã quyết định đầu tư.

Mỹ và Không quân các quốc gia đồng minh sẽ phải tìm cách để F-35 phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở châu Âu.

Gia đình tiêm kích F-35

Máy bay ném bom – tấn công tầm xa

Nga có khả năng đáng nể trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống phòng không, đặc biệt nước này đang nỗ lực cho ra đời các radar tần số thấp, có khả năng theo dõi máy bay tàng hình.

Một trong những mục tiêu của radar này là máy bay ném bom – tấn công (LRS-B) mà Mỹ đang phát triển, bởi nó có thể đe dọa các mục tiêu sâu bên trong trung tâm lãnh thổ Nga.


Một trong những hình ảnh đồ họa về LRS-B.

Một trong những hình ảnh đồ họa về LRS-B.

Chương trình LRS-B cực kỳ bí mật và đang vấp phải một số phản đối, song, theo các thông tin rò rỉ, mẫu máy bay này cần có khả năng thâm nhập vào những vùng bố trí hệ thống phòng không dày đặc, thậm chí cả các khu vực được triển khai thêm radar tần số thấp.

Điều này có nghĩa máy bay ném bom mới của Mỹ nhiều khả năng sẽ có thiết kế cánh bay, đồng thời có thể tích hợp khả năng tác chiến điện tử và tác chiến mạng để “làm mù” các radar VHF tần số thấp nhất mà nó không thể qua mặt nếu chỉ dựa vào hình dáng tàng hình.

Xe tăng Leopard 2

Leopard 2A7 là phiên bản mới nhất trong dòng xe tăng nổi tiếng của Đức và sẽ tiếp tục là xương sống của quân đội Đức, cũng như nhiều quốc gia khác trong khối NATO.

Những chiếc xe tăng đầu tiên đi vào phục vụ trong năm 1979, qua nhiều năm, xe tăng Leopard 2 đã được cải tiến với pháo L55, mang lại hỏa lực mạnh hơn nhiều khi đối đầu với các xe tăng được bảo vệ kỹ càng hơn của đối phương.

Một trong những hạn chế của Leopard 2 là Đức từ chối sử dụng uranium nghèo để chế tạo đạn xe tăng. Điều này khiến họ phải tìm vật liệu thay thế.

Đạn xe tăng Đức được làm từ tungsten, không mang lại được khả năng như đạn sabot (đạn xuyên dùng uranium nghèo) như mẫu M829A3 hiện tại hoặc mẫu M829E4 (A4) tương lai của Mỹ.

Do những hạn chế của đạn tungsten nên quân đội Đức có đôi chút nghi ngờ về khả năng xuyên thủng lớp giáp của loại đạn này trước các xe tăng mới nhất của Nga.

Một lựa chọn cho Đức là cân nhắc đạn xe tăng của Mỹ, như mẫu M829 hoặc phát triển đạn sabot riêng.

Tuy nhiên, họ sẽ phải vượt qua các thách thức về chính trị và kỹ thuật. Hiện không rõ đạn M829 có tương thích với pháo L55 trên các phiên bản Leopard 2 mới nhất hay không.

Trực thăng Boeing AH-64E

Trực thăng tấn công Boeing AH-64E được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1986 và đã chứng minh là một “sát thủ diệt tăng” uy lực trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Kể từ sau đó, nó đã trải qua nhiều đợt hiện đại hóa, bổ sung thêm các cảm biến và vũ khí tiên tiến.

Không giống như những phiên bản tiền nhiệm, các phiên bản Apache mới nhất có thể mang 16 tên lửa Hellfire, đủ để “quét sạch” một đại đội xe tăng.

Giới thiệu trực thăng AH-64E Apache

Mặc dù trong những năm gần đây, Apache chủ yếu được dùng để chống lại quân nổi dậy tại Iraq và Afghanistan nhưng mẫu trực thăng uy lực này vẫn là “sát thủ diệt tăng” vô cùng đáng gờm.

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại