5 vũ khí của Trung Quốc có thể khiến Nga phải trả giá

Đức Anh |

Tên lửa siêu thanh WU-14 với tốc độ không thể đánh chặn hay hệ thống phòng không S-400 mà Nga bán cho Trung Quốc là những vũ khí có thể khiến Moscow phải trả giá.

Theo tạp chí National Interest, quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp, kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt tới 90 tỷ USD.

Tuy vậy, quan hệ Nga - Trung không phải lúc nào cũng là “màu hồng”. Năm 1960, Liên Xô và Trung Quốc đã xảy ra đụng độ lớn trên biên giới, hiện tại hai nước vẫn đang tranh chấp khu vực sông Ussuri. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại khu vực này?

Bắc Kinh đang đầu tư phát triển nhiều vũ khí tầm xa mà được cho là để sử dụng chống lại Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Nhưng trong tình huống xảy ra chiến tranh với Moscow, các vũ khí này có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu trên đất Nga.

Trong tình huống đó, cả Nga và Trung Quốc đều trở thành kẻ thù nguy hiểm của nhau. Hai nước đều có tiềm lực quân sự mạnh, đường biên giới dài, kho vũ khí hạt nhân lớn khiến cho cuộc chiến nếu xảy ra sẽ trở thành cơn ác mộng.

Nếu quan hệ song phương trở nên xấu đi, 5 vũ khí dưới đây của Trung Quốc có thể sẽ khiến Nga phải trả giá.

Vũ khí siêu thanh WU-14

Vũ khí siêu thanh WU-14 có thể khiến Nga phải chịu nhiều tổn thất.
Vũ khí siêu thanh WU-14 có thể khiến Nga phải chịu nhiều tổn thất.

Những năm gần đây, Bắc Kinh đang đầu tư mạnh để phát triển các phương tiện bay có tốc độ siêu thanh.

Một vũ khí có tốc độ siêu vượt âm cho phép Trung Quốc nhanh chóng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ rộng lớn của Nga. Vũ khí như vậy bắn đi từ phía Tây Trung Quốc có thể vươn đến Moscow chỉ trong vòng 20 phút.

Ngày 7/6/2015, Bắc Kinh đã tiến hành thử nghiệm lần thứ 4 đầu đạn siêu thanh WU-14. Nó được khởi động từ tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 và có thể đạt tốc độ Mach 10 (12.247 km/h). Việc đánh chặn phương tiện bay ở tốc độ này gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Mặc dù WU-14 chưa phải là một vũ khí, nhưng nó sẽ là công cụ quan trọng trong việc phát triển các loại vũ khí siêu thanh của Trung Quốc trong tương lai gần.

Vũ khí này có thể phóng đi từ máy bay, tàu chiến hay bệ phóng trên đất liền, mang lại cho Bắc Kinh phương tiện tấn công phủ đầu một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tên lửa hành trình DF-10

DF-10 có nhiều đặc tính tương tự tên lửa hành trình được mệnh danh Sứ giả chiến tranh của Mỹ.

DF-10 có nhiều đặc tính tương tự tên lửa hành trình Tomahawk được mệnh danh Sứ giả chiến tranh của Mỹ.

Trung Quốc có một danh sách dài các loại tên lửa hành trình được phát triển trong nhiều năm. Thành tựu mới và mạnh nhất là DF-10A - tên lửa này còn được gọi là DH-10, CJ-10 thuộc sự quản lý của Lực lượng Pháo binh số 2.

DF-10 được cho là có tính năng tương tự Tomahawk của Mỹ. Bắc Kinh có thể đã khai thác công nghệ động cơ từ một số tên lửa Tomahawk rơi ở khu vực Sudan, Somalia, Serbia và Afghanistan.

DF-10 có tầm bắn 1.500 km với đầu đạn nặng 500 kg, bán kính lệch mục tiêu khoảng 10 mét. Tên lửa này có thể tấn công các mục tiêu quan trọng của Nga ở khu vực Viễn Đông, Siberia.

Tiêm kích tàng hình J-20

J-20 có thể là ẩn số mà Nga phải hết sức dè chừng.
J-20 có thể là ẩn số mà Nga phải hết sức dè chừng.

J-20 - máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Trung Quốc đang trong quá trình phát triển. Chiến đấu cơ này có khả năng được trang bị radar mảng pha điện tử chủ động AESA cùng hệ thống nhắm mục tiêu quang điện tiên tiến.

Ảnh chụp từ các mẫu thử nghiệm cho thấy máy bay có 2 khoang vũ khí lớn, có thể mang theo tên lửa không đối không hoặc không đối đất.

Mục đích thiết kế J-20 vẫn chưa rõ ràng, máy bay này có thể là tiêm kích đánh chặn hạng nặng tầm xa tương tự Su-27 hoặc tấn công tầm xa như F-15E Strike Eagle.

Ngoài ra, nó cũng có thể đảm nhiệm vai trò ném bom chiến thuật như Su-24 Fencer. Dù trong vai trò nào thì J-20 cũng sẽ là vũ khí quan trọng mà Nga phải cảnh giác.

Hệ thống phòng không tầm xa S-400

S-400 có thể trở thành gậy ông đập lưng ông nếu Nga bán cho Trung Quốc.
S-400 có thể trở thành "gậy ông đập lưng ông" nếu Nga bán cho Trung Quốc.

Một trong những hệ thống vũ khí của Trung Quốc có thể khiến Nga phải trả giá chính là sản phẩm mà Moscow bán cho Bắc Kinh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt việc bán hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf cho Trung Quốc, hành động có thể vô tình gây nguy hiểm cho Không quân Nga.

Theo Defence News, Bắc Kinh có kế hoạch mua 6 tiểu đoàn S-400. Radar của hệ thống có khả năng theo dõi 100 mục tiêu và tấn công 12 mục tiêu cùng lúc. Mỗi tiểu đoàn S-400 gồm: 1 xe chỉ huy, hệ thống radar và 12 xe mang phóng tự hành với 4 đạn tên lửa mỗi xe.

S-400 có thể sử dụng nhiều loại đạn tên lửa khác nhau, trong đó đạn 40N6 có tầm bắn tới 200 km. Về mặt lý thuyết, 6 tiểu đoàn S-400 bao phủ được một khu vực có chiều dài tới 2.400 km, chiếm 60% biên giới Nga - Trung.

Tàu đổ bộ trực thăng lớp Ngọc Chiêu

Hải quân Nga vẫn chưa có tàu đổ bộ có tính năng tương tự Type-071.

Hải quân Nga vẫn chưa có tàu đổ bộ có tính năng tương tự Type 071.

Trong một kịch bản chiến tranh nếu có trong tương lai, rất có thể Trung Quốc sẽ thực hiện cuộc tấn công vào Vladivostok, că cứ của Hạm đội Thái Bình Dương nhằm tạo gọng kìm tiến sâu vào đất liền ở khu vực Viễn Đông.

Hải quân Trung Quốc đang có trong biên chế 4 nắm đấm thép là tàu đổ bộ trực thăng Type 071 lớp Ngọc Chiêu.

Type 071 có lượng giãn nước toàn tải 20.000 tấn, nó chở theo được 400 - 800 lính thủy quân lục chiến, 18 xe bọc thép, 4 tàu đổ bộ khí đệm Type 726. Boong tàu có sàn đáp và nhà chứa cho 4 trực thăng Z-8.

Tương lai, lực lượng đổ bộ Trung Quốc sẽ được bổ sung thêm loại Type 081 hiện đại hơn.

Theo một số nguồn tin, Type 081 có năng lực tương tự như tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ, cho phép nâng cao sức mạnh đổ bộ của Hải quân Trung Quốc.

Có tất cả 4 tàu đã được lên kế hoạch đóng mới, cùng với Type 071, Bắc Kinh có khả năng đổ 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến lên khu vực cần đánh chiếm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại