QĐND Việt Nam kiến tạo các "vòi bạch tuộc", thòng lọng siết chết quân Pháp ở Điện Biên Phủ

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Các "vòi bạch tuộc" ủa QĐND Việt Nam đã tạo thành cái thòng lọng siết cổ "con nhím bất khả xâm phạm" Điện Biên Phủ. Các chỉ huy Pháp gọi đây là cuộc chiến tranh đường hào.

Trận Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và Quân đội Liên hiệp Pháp.

Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) của Việt Nam.

Điện Biên Phủ còn được xem là một thảm họa đánh dấu thất bại hoàn toàn của nước Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của mình nói chung, chấm dứt thời đại hơn 400 năm của chủ nghĩa thực dân kiểu cổ điển trên thế giới.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của QĐNDVN là đã áp dụng sáng tạo và thành công chiến thuật "vây lấn" với hệ thống chiến hào, giao thông hào lên tới vài trăm km xung quanh cứ điểm.

Tham vọng của Navarre và sự ra đời "con nhím" Điện Biên Phủ

Đến cuối năm 1953, Chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 8 năm, quân Pháp lâm vào thế bị động trên chiến trường. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập được quyền kiểm soát vững chắc tại nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, khu 5, các tỉnh Cao Bắc Lạng... và nhiều khu vực ở đồng bằng Bắc bộ.

QĐND Việt Nam kiến tạo các vòi bạch tuộc, thòng lọng siết chết quân Pháp ở Điện Biên Phủ - Ảnh 1.

Để cứu vãn tình hình, Pháp bổ nhiệm tướng Henri Navarre sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy hòng tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh.

Là một nhà quân sự có tài, Navarre đã xây dựng bản "Kế hoạch Navarre" nổi tiếng với nhiều giải pháp được nhà cầm quyền Pháp đánh giá cao.

Thực hiện kế hoạch này, người Pháp cho tiến hành xây dựng và tập trung lực lượng cơ động lớn, mở rộng lực lượng phụ lực quân bản xứ và Quân đội Quốc gia Việt Nam, càn quét bình định vùng kiểm soát...

Riêng với Navarre, ông ta luôn bị ám ảnh bởi "Hội chứng Thượng Lào". Ông ta cho rằng, nếu cả miền cực Bắc Đông Dương rơi vào quyền kiểm soát của Việt Minh sẽ là một nguy cơ lớn cho cuộc chiến tranh.

QĐND Việt Nam kiến tạo các vòi bạch tuộc, thòng lọng siết chết quân Pháp ở Điện Biên Phủ - Ảnh 2.

Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ

Bởi vậy, Navarre quyết định xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đủ mạnh để án ngữ miền Tây Bắc Việt Nam, kiểm soát Thượng Lào, làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công và sẽ bị nghiền nát tại đó.

Thực hiện kế hoạch đó, 11 giờ ngày 20.11.1953, 63 chuyến máy bay C-47 Dakota đã thả 3.000 lính dù và chiến cụ xuống Điện Biên Phủ. Những ngày tiếp theo, quân Pháp dưới sự giúp đỡ của người Mỹ tiếp tục đổ quân lính, vũ khí, quân cụ xuống Điện Biên Phủ và xúc tiến việc xây dựng Tập đoàn cứ điểm này.

Tính đến đầu năm 1954, quân Pháp ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly (24 khẩu), 1 đại đội pháo 155 ly (4 khẩu), 2 đại đội cối 120 ly (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng (10 chiếc M24 Chaffee của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc. Tổng quân số lên tới 16.200 quân.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được tổ chức thành 3 phân khu, bao gồm 10 trung tâm đề kháng. Các trung tâm đề kháng lại chia ra thành 49 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn yểm trợ lẫn nhau.

Mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, chịu được đạn pháo 105mm, được bao bọc bởi hệ thống hàng rào, bãi dây thép gai, bãi mìn dày đặc và có hệ thống hỏa lực rất mạnh.

Tập đoàn cứ điểm có 2 sân bay: Mường Thanh và Hồng Cúm để lập cầu hàng không. Hỏa lực pháo binh được bố trí thành hai căn cứ: một ở Mường Thanh, một ở Hồng Cúm, có thể yểm trợ lẫn cho nhau và cho tất cả các cứ điểm khác khi bị tiến công.

Ngoài hỏa lực chung của tập đoàn cứ điểm, mỗi trung tâm đề kháng còn có hỏa lực riêng, bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa, và các loại súng bắn thẳng bố trí thành hệ thống vừa tự bảo vệ, vừa yểm hộ cho những cứ điểm chung quanh.

Xung quanh các cứ điểm quân Pháp cho san phẳng mọi chướng ngại vật, cây cối để tạo điều kiện tối đa cho tầm nhìn và tầm tác xạ của các loại hỏa lực, đồng thời để lấy nguyên vật liệu xây dựng tập đoàn cứ điểm. Hàng nghìn dân vốn sống ở trung tâm Điện Biên Phủ được dồn vào khu vực bản Noong Nhai.

QĐND Việt Nam kiến tạo các vòi bạch tuộc, thòng lọng siết chết quân Pháp ở Điện Biên Phủ - Ảnh 4.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ

Với cấu trúc đó, để có thể xung phong tiếp cận hàng rào, bộ đội Việt Nam phải chạy khoảng 200m giữa địa hình trống trải dày đặc dây kẽm gai và bãi mìn, phơi mình trước hỏa lực Pháp mà không hề có gì che chắn.

Các chỉ huy Pháp tự tin rằng, nếu QĐNDVN chỉ biết học theo Chiến thuật biển người mà Trung Quốc áp dụng ở Triều Tiên, thì quân tấn công dù đông đảo tới đâu cũng sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng.

Đại tá Christian de Castries (trong thời gian chiến dịch được thăng hàm Chuẩn tướng)- một sĩ quan có tài của quân đội Pháp được chọn để giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tướng Navarre đã viết trong hồi ký: "Tất cả đều có những cảm tưởng thuận lợi trước sức mạnh phòng thủ của tập đoàn cứ điểm và tinh thần tốt của đạo quân đóng ở đây. Không một ai mảy may tỏ ý lo ngại...

Chưa có một quan chức dân sự hoặc quân sự nào đến thăm mà không kinh ngạc trước sự hùng mạnh của nó cũng như không bày tỏ với tôi tình cảm của họ".

Tóm lại, theo đánh giá của các quan chức cả quân sự và dân sự của Pháp, Mỹ đều cho rằng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một con nhím bất khả xâm phạm, sẵn sàng chờ đợi mọi cuộc tiến công của Việt Minh để nghiền nát họ..

Con nhím Điện Biên Phủ bất lực trước vòi bạch tuộc giao thông hào

Đến cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dù đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quân số lẫn trình độ chỉ huy và thực hành tác chiến song nhìn chung QĐNDVN vãn là một đội quân non trẻ và chưa có kinh nghiệm tiến công các tập đoàn cứ điểm lớn. Ngoài ra, về mặt trang bị thì QĐNDVN kém hơn rất nhiều so với quân đồn trú.

Mặc dù vậy, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xác định đây là trận quyết chiến chiến lược của QĐNDVN và hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương".

Thực hiện quyết tâm này, Tổng Tư lệnh QĐNDVN- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những lựa chọn hết sức khó khăn. Sau khi suy nghĩ hết sức kỹ lưỡng, ông đã quyết định từ bỏ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" và thay vào đó bằng phương châm "Đánh chắc, tiến chắc" ngay trước giờ khai hỏa.

QĐND Việt Nam kiến tạo các vòi bạch tuộc, thòng lọng siết chết quân Pháp ở Điện Biên Phủ - Ảnh 6.

Quân đội Pháp ở sân bay Gia Lâm trước khi lên máy bay nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ảnh: Life.

Về chiến thuật, từ những kinh nghiệm thu được ở Hòa Bình, Nà Sản, Bộ Chỉ huy QĐNDVN chủ trương tiêu diệt dần từng cứ điểm, từng trung tâm đề kháng từ ngoài vào trong, thu hẹp phạm vi chiếm đóng cho tới lúc Pháp không còn sức kháng cự.

Không sử dụng lối đánh xung phong trực diện mà dùng cách đánh vây lấn, đào hào áp sát cứ điểm địch rồi mới xung phong dứt điểm.

Có thể nói đây là một bước tiến bộ về mặt chiến thuật của QĐNDVN. Và chính những đường hào này đã trở thành những cái vòi của con bạch tuộc, thành những cái thòng lọng góp phần buộc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hùng mạnh phải chịu khuất phục.

Dựa trên những yêu cầu về chiến thuật, QĐNDVN đã xây dựng hai loại đường hào: Loại thứ nhất- đường hào trục dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội với số lượng lớn chạy một vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm.

Loại thứ hai là đường hào tiếp cận địch của bộ binh chạy từ những vị trí trú quân của đơn vị trong rừng đổ ra cắt ngang đường hào trục, tiến vào vị trí định tiêu diệt.

Các loại đường hào này đều có chiều sâu 1,7 mét và không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch, giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy của đường hào bộ binh rộng 0,5 mét, đáy hào trục rộng 1,2 mét. Dọc đường hào, bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công của Pháp.

Trận địa hào được xây dựng vào ban đêm, ngụy trang rất kỹ và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận nên đã phân tán được sự đánh phá của Pháp. Việc đào hào, xây dựng trận địa thực sự cũng là một cuộc chiến đấu. Bộ đội phải lao động cật lực từ 14 đến 18 tiếng mỗi ngày với những công việc liên tục như chuẩn bị vật liệu, đốn gỗ, chặt lá ngụy trang...

Để tạo ra những hầm hào vây lấn ngay sát trận địa địch, các chiến sĩ QĐNDVN đã sáng tạo ra những "con cúi".

Đó là những chiếc rọ tre tròn, dài chừng 2m, đường kính 1m nhồi đặc những thân cây gỗ hoặc thân cây chuối rừng để chắn đạn thẳng. Ban đêm, khi đội hình hàng dọc của tiểu đội tiếp cận trận địa, con cúi được lăn lên phía trước để chắn đạn cho bộ đội nằm trên mặt đất đào hào.

Các chiến hào này giúp hạn chế thương vong rất nhiều đồng thời vào sát được vị trí của quân Pháp, làm bàn đạp tấn công rất thuận lợi. Quân Pháp ngay từ ngày đầu đã nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của cách đánh này nhưng không có phương sách nào để khắc chế.

Suốt ngày đêm, những chiến hào nổi, chiến hào ngầm của QĐNDVN nhích dần đến gần phân khu trung tâm, cắt ngang cả sân bay. Từ những đầu hào chỉ cách quân Pháp vài chục mét, bộ đội dùng ĐKZ bắn sập dần những lô cốt, ụ súng.

Chiến hào tiến vào gần còn mang cho quân Pháp nhiều tai họa khác. Hàng rào dây kẽm gai và bãi mìn của cứ điểm lúc này lại trở thành những vật chướng ngại bảo vệ an toàn cho chính những người tiến công.

Bị bao vây, quân Pháp sống trong những điều kiện cực kỳ khủng khiếp. Việc tiếp tế chỉ còn cách duy nhất là thả dù song cực kỳ khó khăn. Những phi công làm việc này được đánh giá là dũng cảm, nhưng cũng không dám bay thấp thả dù trong một không phận nhỏ hẹp có pháo phòng không chờ sẵn. Và rất nhiều hàng hóa đã rơi vào tay QĐNDVN.

Các chiến sĩ QĐNDVN thời đó có bài ca dao vui vui thế này:

Gió đưa dù tỏa khắp đồng

Bay đến trận địa vào vòng quân ta

Dù xanh, dù trắng, dù hoa,

Toàn là vũ khí, toàn là "xăng xanh" (đạn pháo 105mm)

Bộ binh lấy cho pháo binh

Đạn đây anh bắn cho tinh, tôi nhờ

Bắn cho tướng giặc họ Đờ (Đờ Cát)

Chắp tay mà lậy bấy giờ mới tha!

Thậm chí, cả quyết định vinh thăng Chuẩn tướng cùng với thư, quà gửi cho Tư lệnh Tập đoàn cứ điểm de Castries cũng rơi vào tay QĐNDVN.

Cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ càng ngày càng đem lại bất lợi cho phía Pháp. Tình cảnh của quân Pháp ngày càng bi đát đến cùng cực và đã phải kéo cờ trắng đầu hàng ngày 7.5.1954.

***

Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều yếu tố: Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, cách đánh sáng tạo của QĐNDVN. Trong đó nổi bật lên là chiến thuật "vây lấn".

Để thực hiện chiến thuật đó, các chiến sĩ QĐNDVN đã đào hơn 400 km chiến hào, giao thông hào chằng chịt tới sát tận khu vực đồn trú của đối phương.

Và chính các đường hào đó đã trở thành cái vòi bạch tuộc, thành cái thòng lọng siết cổ "con nhím bất khả xâm phạm" Điện Biên Phủ.

Các chỉ huy Pháp gọi đây là cuộc chiến tranh đường hào, thậm chí de Castries còn yêu cầu Navarre gửi gấp cho ông ta tập tài liệu về "Chiến tranh đường hào" để đối phó với Việt Minh nhưng cũng không giải quyết được gì bởi sự thiên biến vạn hóa một cách sáng tạo của QĐNDVN trong việc áp dụng chiến thuật này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại