Một chỉ số biến động bất thường, hé lộ Trung Quốc lao đao vì COVID-19 đến mức nào

Hải Võ |

Số liệu về kim ngạch nhập khẩu than, do Cục thống kê nhà nước Trung Quốc (NBS) công bố ngày 16/3, làm nổi rõ thiệt hại tiềm ẩn mà dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế nước này.

Trung Quốc sản xuất và tiêu thụ than ít hơn mức bình thường trong hai tháng đầu năm 2020, do giới chức trên cả nước thực thi các biện pháp phản ứng mạnh mẽ nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Điều này đã tác động đến cả cung và cầu trong lĩnh vực năng lượng.

Thông kê ngày 16 cho thấy một vài chỉ số về năng lượng có thể giúp đánh giá tình trạng vận hành của nền kinh tế - theo Caixin Global.

Sản lượng than trên toàn Trung Quốc giảm 6.3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 490 triệu tấn trong hai tháng đầu năm, trong khi quy mô nhập khẩu tăng vọt 33.1% lên 68.06 triệu tấn.

Trung Quốc đã nắm giữ vị thế nhà sản xuất than lớn nhất thế giới trong suốt 3 thập kỷ qua. Sản lượng năm 2013 của nước này là 3.7 tỉ tấn than, chiếm đến 47% tổng sản lượng than trên toàn thế giới.

Năm quốc gia - Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, và Nhật Bản - chiếm 75% lượng tiêu thụ than toàn cầu, theo World Atlas.

Một người trong ngành nói với Caixin, hoạt động sản xuất trong nhiều ngành nghề khôi phục một cách yếu ớt giữa mùa dịch COVID-19 là tác nhân khiến sản lượng ngành khai thác than trong nước sụt giảm.

Trong phát biểu hôm 23/2, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu giới chức nước này phân tích tác động của dịch COVID-19 đối với tình hình kinh tế xã hội, từ đó phân cấp, phân loại để thực thi các biện pháp khôi phục lao động sản xuất một cách chính xác.

Tính đến ngày 22/2, hoạt động lao động sản xuất đã phục hồi được 76.5% ở các mỏ than tại Trung Quốc - theo báo cáo của Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước (NDRC). 

Tuy nhiên, nhiều mỏ than không thể khai thác hết công suất bởi thiếu nhân lực. Lượng công nhân nhập cư - "huyết mạch" của ngành khai thác than - đã trở nên khan hiếm, bởi họ phải chấp hành quy định cách ly 14 ngày sau khi từ quê nhà trở lại nơi làm việc.

Tiêu thụ điện năng cũng giảm khi các nhà máy đóng cửa và nhiều hoạt động kinh tế gần như đình trệ trong nỗ lực đẩy lùi virus corona mới. Sản xuất điện hai tháng đầu năm nay giảm 8.2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thủy điện giảm đến 11.9% và sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch giảm 8.9%. Ngược lại, sản lượng điện năng lượng mặt trời lại tăng đến 12% so với năm 2019.

Mức tiêu thụ than hàng ngày của 6 tổ hợp phát điện quốc doanh lớn nhất Trung Quốc - một chỉ số thường được dùng làm thước đo hoạt động của nền kinh tế - "lao dốc" 17% trong tuần thứ hai của tháng Ba, xuống mức 540 nghìn tấn, cho thấy nhu cầu từ phía khách hàng vẫn duy trì ở mức thấp, bất chấp chính phủ đưa ra nhiều yêu cầu và kêu gọi về khôi phục sản xuất trong nước.

Trong hai tháng đầu năm 2020, cả sản lượng trong nước lẫn quy mô nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đều tăng. Sản lượng dầu thô đạt 32 triệu tấn, tăng 3.7% so với cùng kỳ năm ngoái, và nhập khẩu dầu thô cũng tăng 5.2% lên mức 86.09 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng dầu mỏ đạt 99.19 triệu tấn, trung bình 1.65 triệu tấn/ngày, giảm 3.8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất và nhập khẩu khí thiên nhiên của Trung Quốc cũng tăng trong hai tháng đầu năm, với sản lượng tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 31.4 tỉ mét khối. Nhập khẩu khí đạt 17.8 triệu tấn (tương đương 24.56 triệu mét khối) - tăng 2.8% so với năm trước.

Do tác động của dịch bệnh COVID-19 cùng mùa đông "tương đối ấm áp" ở Trung Quốc năm nay, mức tăng trưởng tiêu thụ khí đốt đã giảm 14.7% vào tháng 1/2020, và giảm 9.6% vào tháng 2 so với cùng kỳ năm 2019.

Một chỉ số biến động bất thường, hé lộ Trung Quốc lao đao vì COVID-19 đến mức nào - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại