Theo thông báo, quyết định dài 52 trang đã được đăng trên trang chủ của Tòa án hiến pháp và gửi tới Tổng thống Putin. Trước đó, ông Putin đã ký ban hành luật sửa đổi hiến pháp.
Các thay đổi này chủ yếu ảnh hưởng tới chức danh tổng thống, cho phép ông Putin có thể tiếp tục tái tranh cử vào năm 2024, sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.
Theo hiến pháp hiện hành, một người không được làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Đối với ông Putin, năm 2024 là năm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của ông và nếu tính luôn các nhiệm kỳ trước, đó đã là nhiệm kỳ tổng thống thứ tư.
Các sửa đổi đã được lưỡng viện Quốc hội Nga cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể Liên bang Nga thông qua. Nếu không có gì trục trặc, hiến pháp sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến toàn dân vào ngày 22/4 tới.
Bản hiến pháp này được đánh giá là tương đối bất ngờ, bởi đi ngược lại dự đoán trước đó là nước Nga sẽ chuyển từ chế độ cộng hòa tổng thống sang cộng hòa đại nghị, trong đó thực quyền trong tay thủ tướng còn tổng thống chỉ là chức danh tượng trưng.
Đã có nhận định cho rằng nếu theo con đường trên thì ông Putin sẽ làm thủ tướng Nga thêm vài nhiệm kỳ nữa, nhưng với bản hiến pháp mới thì sẽ không có gì thay đổi lớn ở chiếc ghế lãnh đạo.
Thực tế hiện nay tại Nga rất ít ứng viên được đánh giá đủ sức cạnh tranh với ông Putin trên chính trường, vì vậy chiếc ghế Tổng thống Nga rất khó rơi khỏi tay vị chính khách này.
Tuy nhiên mới đây tờ Berlingske - một ấn phẩm lớn của Đan Mạch đã xuất bản một bài viết của tác giả Samuel Rakhlin nhằm cung cấp cho độc giả biết về những sửa đổi của luật cơ bản được đề xuất ở Nga.
Theo tác giả bài báo, các sửa đổi hiến pháp Nga chủ yếu làm hài lòng giới dân tộc và quân chủ chuyên chế - những người ủng hộ cho tổng thống đương nhiệm có cơ hội tranh cử nhiều lần.
"Những người ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin trong và xung quanh Điện Kremlin được khuyến khích rằng ông sẽ ngồi (trên ghế tổng thống) thêm 16 năm nữa", tác giả bài báo cho biết.
Theo nhà báo Samuel Rakhlin, "ông Putin có thể duy trì quyền lực trong 36 năm và thậm chí lâu hơn nữa. Điều này không chỉ nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào của nước Nga mới, mà thậm chí còn hơn cả thời gian Stalin nắm quyền".
"Chính từ ngữ thời thượng 'không giới hạn nhiệm kỳ' có thể dẫn đến việc ông Putin nắm quyền lực tại nước Nga lâu hơn cả Đại nguyên soái Stalin trong quá khứ".
Tác giả cho rằng đối với Nga, cách tiếp cận việc nắm quyền trọn đời là đặc điểm lịch sử. Đồng thời, ấn phẩm của Đan Mạch cho biết thêm rằng việc quay trở lại hệ thống như vậy "báo hiệu sự trì trệ và cố gắng chống lại cải cách".
"Điều này làm tê liệt thế hệ chính trị gia trẻ tuổi của Nga, đánh vào tham vọng và sự sẵn sàng của họ để tiến lên nấc thang sự nghiệp trong hệ thống chính trị", tờ báo Đan Mạch kết luận.