Ốc nhồi chế biến thành nhiều món ăn ngon lại còn được ghi nhận là thuốc quý trong y học cổ truyền
Mỗi độ thu sang, tiết trời chuyển hướng se lạnh. Ấy là lúc người ta lại miên man những ký ức của mùa cũ. Một trong những mảng ký ức ấy có lẽ không thể không có những món ăn vặt gắn liền kỷ niệm cùng ai.
Bạn đã bao giờ thèm được ăn ốc nhồi luộc, ốc xào me trong tiết trời se se lạnh bên cạnh bạn bè, người thân? Nếu đã từng, thì hẳn đây chính là thời điểm thích hợp để ôn lại kỷ niệm.
Ốc nhồi vị ngọt, mặn, tính hàn; vào vị, đại tràng, bàng quang.
Tuy nhiên, ốc nhồi không chỉ là món ăn vặt đơn thuần mà còn được ghi nhận là thuốc quý trong Đông y. Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong y học cổ truyền, ốc nhồi vị ngọt, mặn, tính hàn; vào vị, đại tràng, bàng quang.
Vỏ ốc có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng lợi thủy, thanh nhiệt được dùng cho các trường hợp sốt nóng, đái khó, phù nề, vàng da, bệnh tiểu đường, trĩ. Vỏ ốc có tác dụng giải tâm phiền, chúng ta có thể nấu, hầm, nướng, xào...
Theo sách của Tuệ Tĩnh, ốc nhồi vị ngọt, tính hàn, không độc, tiêu thũng thông tiểu tiện, trừ thấp nhiệt, đau mắt…
Món ăn, bài thuốc chữa bệnh từ ốc nhồi ai cũng có thể làm để tăng cường sức khỏe
Không chỉ đơn thuần làm món ăn vặt, ốc nhồi còn được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Vào những ngày se lạnh, nếu muốn ăn ốc để tăng cường sức khỏe và chữa một số bệnh thường gặp này, bạn có thể sử dụng ốc nhồi theo những cách sau:
- Bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe: Ốc nhồi 500 - 2kg (khoảng 30 con, tùy vào lượng người ăn gia giảm), thịt lợn nạc xay 200g, giò sống 300g, nấm hương 50g, sả, gia vị vừa đủ. Đem ngâm ốc cho hết nhớt, rửa sạch, luộc sơ, khêu ra lấy phần thịt cắt hạt lựu. Sả, nấm, hành băm nhỏ, tất cả trộn đều hỗn hợp các thứ trên, nêm gia vị cho vừa.
- Người bị nóng trong, cảm giác bứt rứt, khó chịu: Ốc nhồi, măng chua, khế, cà chua, hành, mùi tàu, thì là, mắm, muối, dầu ăn gia vị vừa đủ nấu ăn sẽ giúp thanh nhiệt, dưỡng âm.
Không chỉ đơn thuần làm món ăn vặt, ốc nhồi còn được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh.
- Lợi niệu, chống phù nề, cực tốt cho bệnh nhân tiểu đường: Ốc nhồi 500 - 1.000g, ngâm sạch, đập bỏ vỏ; củ chuối ép lấy nước đem nấu ốc, khi chín nhừ, thêm đường trắng và gia vị cho vừa ăn. Hoặc ốc nhồi 500 - 1.000g, củ chuối hay quả chuối xanh 500g. Ốc nhồi ngâm sạch, đập bỏ vỏ, thái miếng.
Củ chuối hay quả chuối xanh gọt bỏ vỏ ngoài, ngâm nước, sau đó rửa sạch, thêm gia vị nấu với ốc thành một món đặc sản. Ăn với cơm nóng.
- Chữa ho , phế âm hư triều nhiệt: Ốc nhồi, thịt nạc vai, nấm mèo, nấm hương, tiêu, gừng, lá chanh, hành tím, mắm ngon, đường, tiêu, ớt, xả, lá gừng, gia vị vừa đủ các vị băm nhỏ rồi nhồi vào con ốc hấp ăn.
- Say rượu, hôn mê: Ốc nhồi 500 - 1.000 g, đem đập bỏ vỏ ốc, nấu với đậu phụ, hành củ (hoặc hành tươi) lấy nước cho uống.
Nhóm người tỳ vị hư hàn không nên dùng ốc nhồi để tránh tiêu chảy.
- Miệng lở, lưỡi giộp, lợi và niêm mạc lở loét: Vỏ ốc nhồi 2 cái, cỏ nhọ nồi 50 g. Vỏ ốc rửa sạch, sao với cát, tán bột mịn. Cỏ nhọ nồi sấy khô, tán bột. Trộn đều hai bột với nhau. Xát vào răng lợi nhiều lần trong ngày.
- Chữa đại tiện không thông: Ốc nhồi 500g, gừng 3 lát, muối vừa đủ. Ốc nhồi ngâm nước vo gạo, rửa sạch, gừng giã nhỏ, cùng muối cho vào ốc trộn đều cho ngấm đem hấp cách thủy, khi chín cho bệnh nhân ăn ốc chắt lấy nước uống làm nhiều lần trong ngày. Ăn trong 3 - 5 ngày.
Lưu ý: Không phải ai cũng có thể sử dụng ốc nhồi. Trong đó nhóm người tỳ vị hư hàn không nên dùng ốc nhồi để tránh tiêu chảy. Nếu muốn dùng thì phải ăn kèm nhiều gia vị cay ấm. Tốt nhất là tham khảo ý kiến của chuyên gia Đông y trước khi sử dụng.