Phát hiện ung thư, nhiều người uống thuốc nam xong nghĩ mình đã khỏi: Bác sĩ nói gì?

Ngọc Minh |

Hiện nay, những sai lầm trong điều trị ung thư khiến cho không ít người bệnh phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Bác sĩ chữa bệnh để giúp con nhớ được mặt mẹ

Trong quá trình đón tiếp bệnh nhân tới khám bệnh, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện ung bướu Hà Nội) đã gặp không ít sai lầm của bệnh nhân như không đi tầm toát sớm, chờ tới khi có triệu chứng mới đi khám thì phát hiện ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Một số bệnh nhân đến khám không chấp nhận thực hiện y lệnh của bác sĩ, từ chối các biện pháp can thiệp, chẩn đoán y khoa. Ví dụ bác sĩ nói có khối u cần sinh thiết thì từ chối đụng dao kéo…

Mặt khác, một số bệnh nhân dù đã được chẩn đoán ung thư nhưng lại từ chối điều trị, về nhà uống thuốc nam, đến khi bệnh nặng người bệnh mới quay trở lại điều trị thì đã lỡ mất cơ hội điều khỏi bệnh.

Bác sĩ Thịnh vẫn còn ám ảnh mãi với trường hợp bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi, phát hiện ung thư vú ở giai đoạn có thể điều trị được. Tuy nhiên, bệnh nhân này và chồng đã từ chối điều trị, trở về quê nhà dùng thuốc nam.

Khoảng 9 tháng sau bệnh nhân có quay trở lại bệnh viện khám. "Khi mở ngực bệnh nhân ra khám khối u đã sùi loét hoại tử, mùi hôi thối nồng nặc cả phòng. Tôi không kiềm chế nổi có nói bệnh nhân vì sao 9 tháng trước không nghe lời điều trị, giờ đâu tới nỗi", bác sĩ Thịnh nói.

Phát hiện ung thư, nhiều người uống thuốc nam xong nghĩ mình đã khỏi: Bác sĩ nói gì? - Ảnh 1.

Bác sĩ Thịnh đang khám tuyến giáp cho bệnh nhân, ảnh L.P.

Bác sĩ Thịnh nói với bệnh nhân giờ tiên lượng bệnh rất xấu, chỉ có thể điều trị kéo dài thời gian sống. Bệnh nhân khóc và nói: "Em chỉ mong sống tới khi con có thể nhớ được mặt mẹ".

Bệnh nhân lúc đầu đáp ứng điều trị tốt. Tuy nhiên, sau đó bệnh tiến triển nặng và bệnh nhân đã tử vong.

Bệnh nhân uống thuốc nam nghĩ mình "khỏi" ung thư

Trước câu hỏi vì sao có nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư nhưng từ chối điều trị và về uống thuốc nam lại "khỏi"?, bác sĩ Thịnh cho rằng, ung thư có nhiều loại khác nhau và mỗi loại ung thư lại có những tiến triển khác nhau, nhưng khi mắc ung thư, nghe truyền miệng uống thuốc nam "khỏi" thì nhiều người lại rất tin.

"Thực tế, tôi từng tiếp xúc với một "thầy lang" nói chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân nhưng hỏi ra thì mới biết những người này chưa được chẩn đoán mắc ung thư.

Có bệnh nhân được bệnh viện chẩn đoán có khối u, nghi ngờ u ác tính, bác sĩ chỉ định sinh thiết nhưng từ chối đụng dao kéo. Sau đó, trường hợp này đi chữa Đông y và khoe với mọi người khỏi ung thư. Trường hợp này, do chưa khẳng định nên có thể là u lành hay khối viêm", bác sĩ Thịnh nói.

Bác sĩ Thịnh cho biết thêm, ung thư có nhiều loại khác nhau và chia theo mức độ ác tính. Có những loại ung thư tiến triển rất chậm, dù không điều trị bệnh nhân vẫn có thể sống thêm 3 - 5 năm hoặc lâu hơn.

" dụ như ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, ung thư tiền liệt tuyến độ ác tính thấp, ung thư da biểu mô tế bào đáy... có thể khiến nhiều bệnh nhân hiểu nhầm về "hiệu quả" điều trị của những phương pháp không chính thống. Điều này dẫn đến các hậu quả to lớn, thậm chí có thể khiến những bệnh nhân ung thư khác trả giá cả bằng mạnh sống hay số năm sống", bác sĩ Thịnh nói.

Phát hiện ung thư, nhiều người uống thuốc nam xong nghĩ mình đã khỏi: Bác sĩ nói gì? - Ảnh 2.

Bác sĩ Thân Văn Thịnh, ảnh L.P.

Theo bác sĩ Thịnh bác sĩ từng khám cho một trường hợp bệnh nhân tên N ở Tư Đình - Long Biên. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp nhưng nhất quyết không điều trị. Hiện nay, đã được khoảng 10 năm kể từ khi phát hiện bệnh nhưng bệnh nhân vẫn sống và ung thư đã di căn khắp nơi.

Chị N vẫn nói với bác sĩ Thịnh rằng do không điều trị nên giờ vẫn còn sống.

"Trường hợp của chị N, bệnh nhân không biết rằng ung thư tuyến giáp thể nhú là loại ung thư tiến triển chậm. Nếu khi phát hiện, khối u dưới 10mm mà bệnh nhân không điều trị, sau 5 - 10 năm, bệnh có thể mới di căn. Trong trường hợp này, dù bệnh nhân uống thuốc nam hay không uống thuốc nam thì sau đó bệnh vẫn tiến triển và di căn.

Do vậy mới có câu chuyện thầy chữa bệnh bằng cách "giữ" khối u 3 - 4 năm (bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể nhú - loại ung thư tiến triển chậm) khiến cho nhiều bệnh nhân ung gan, phổi, đại trực tràng, dạ dày… (loại ung tiến triển nhanh) tin tưởng, từ bỏ điều trị ở bệnh viện, về chữa theo thầy và tử vong sau đó vài tháng ", bác sĩ Thịnh nói.

Do có những hiểu lầm về những loại ung thư tiến triển chậm và chưa được chẩn đoán, khẳng định mắc ung thư khiến cho rất nhiều bệnh nhân ung thư mất tiền vì những phương pháp điều trị không chính thống.

Câu chuyện truyền bá thông tin sai lệch còn gặp ở trường hợp mắc ung thư dạ dày. Theo bác sĩ Thịnh, bệnh nhân này đã được điều trị phẫu thuật và hoá trị sau đó có tái phát ung thư. Bệnh điều trị lần 2 truyền tiếp hoá chất kiểm tra có hạch ổ bụng theo dõi hạch viêm trên phim chụp cắt lớp vi tính (CLVT).

"Sau đó, bệnh nhân đi lên Hoà Bình uống thuốc nam được mấy tháng, đi siêu âm ở đâu đó bảo hết hạch. Bệnh nhân rất phấn khởi, lên mạng quảng cáo cho thầy lang đó. Nào là ung thư bị trả về; Nào là có di căn hạch giờ đã hết…

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, bệnh nhân có chỉ định theo dõi hạch ổ bụng và hạch thì không thể tự hết được", bác sĩ Thịnh cho hay.

Bác sĩ Thịnh cho biết thêm, người dân nên là người thông thái khi lựa chọn phương pháp điều trị ung thư.

Mặc dù tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam vẫn cao, nhưng hiện nay bằng những tiến bộ vượt bậc của khoa học trong y học, cũng như trình độ chuyên môn cao của đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu nên hơn 1/3 ca mắc ung thư có thể chữa khỏi, 1/3 ca mắc ung thư có thể kéo dài thời gian sống, 1/3 ca mắc ung thư có thể nâng cao thể trạng giảm các biến chứng của ung thư. Việc phát hiện sớm ung thư có thể tăng khả năng điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại