Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình hàng năm vẫn tiếp nhận các ca bệnh uốn ván nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí có thời điểm điều trị 3-4 bệnh nhân uốn ván thở máy cùng lúc.
Hiện tại chúng tôi đang điều trị một bệnh nhân uốn ván là nam giới 66 tuổi, khi nhập viện trong tình trạng tím tái, sắp ngừng thở, người cứng như gỗ, co giật toàn thân trên nên có cứng, hai hàm răng cắn chặt, không nuốt, không ho khạc được, không đặt được ống thở (nội khí quản). Bệnh nhân nhanh chóng được mở khí quản cấp cứu, thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, điều trị và chăm sóc tích cực.
Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng tiên lượng sẽ phải thở máy và phục hồi chức năng dài ngày, mới có hy vọng sống sót.
Uốn ván là gì?
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Tỷ lệ tử vong chung do uốn ván có thể đến 90%, uốn ván rốn sơ sinh tử vong trên 95%. Ngoại ra, nếu bệnh nhân sống sót thường để lại di chứng nặng nề, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém.
Mặc dù đã có vắc xin phòng uốn ván nhưng do tiêm phòng không đầy đủ và không tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm nên số ca bệnh uốn ván vẫn xảy ra quanh năm, chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi lao động, để lại hệ lụy rất lớn về gánh nặng bệnh tật.
Các BS thực hiện đặt nội khí quản cho bệnh nhân mắc uốn ván. Ảnh: BS cung cấp
Đường lây nhiễm và dấu hiệu bệnh uốn ván
Nha bào uốn ván (ở trong bụi, nước và đất bẩn, phân gia súc-gia cầm) xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương ở da và niêm mạc: dẫm phải đinh-gai, vết bỏng, vết thương hở, vết thương dập nát bẩn, viêm chân răng, sâu răng, viêm tai giữa…
Nha bào của vi khuẩn sinh ra ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Ngoại độc tố uốn ván tác động vào sự dẫn truyền thần kinh cơ gây tình trạng cứng hàm, co cứng cơ toàn thân liên tục, co thắt thanh quản gây suy hô hấp. Trên nền có cứng, xuất hiện các cơn co giật toàn thân làm cho tình trạng bệnh nhân thêm nặng nề hơn. Người bệnh thường tử vong do co cứng các cơ lồng ngực (dấu hiệu chẹn ngực) hoặc sặc dịch hầu họng và dịch dạ dày vào phổi gây suy hô hấp.
Tại sao đã có vắc xin phòng uốn ván mà số ca bệnh vẫn xảy ra hàng năm và bệnh nhân chủ yếu là nam giới trong độ tuổi lao động? Điều này hoàn toàn có thể giải thích trên cơ sở khoa học. Vắc xin uốn ván đã được đưa vào chương trình tiêm chủng Quốc gia cho trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên và phụ nữ thời kỳ sinh đẻ.
Vắc xin uốn ván không tạo ra miễn dịch suốt đời, nên cứ sau 10 năm phải tiêm nhắc lại 1 liều vắc xin để duy trì kháng thể trong máu.
Nam giới trong độ tuổi lao động đa số chưa tiêm phòng vắc xin uốn ván hoặc đã tiêm nhưng không tiêm nhắc lại 10 năm/ lần nên không còn kháng thể trong máu, rất dễ bị uốn ván. Hơn nữa, nam giới trong độ tuổi lao động thường làm việc, di chuyển trong môi trường dễ tiếp xúc với nha bào uốn ván (đồng ruộng, nương-rẫy, chăn nuôi, trồng trọt, công nhân trong các lâm trường- công trường-nhà máy-xí nghiệp).
Chỉ cần 1 vết thương nhỏ trên da và niêm mạc là nha bào uốn ván có thể xâm nhập và gây bệnh. Điều này lý giải cho việc, uốn ván hay gặp ở nam giới trong độ tuổi lao động, ít gặp hơn ở trẻ em và phụ nữ.
Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng tiên lượng sẽ phải thở máy và phục hồi chức năng dài ngày, mới có hy vọng sống sót. Ảnh: BS cung cấp
Cách phòng ngừa bệnh uốn ván
Tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giúp phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con. Sau khi tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ cho trẻ không bị mắc uốn ván sơ sinh, đồng thời kháng thể này cũng bảo vệ cho chính bà mẹ trong quá trình sinh đẻ.
Tiêm vắc xin uốn ván cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn, liệu trình cơ bản gồm 3 – 4 mũi (3 mũi cách nhau 1 tháng, mũi thứ 4 sau mũi 3 từ 16-18 tháng) và sau 10 năm lại tiêm nhắc lại 1 mũi.
Xử trí các vết thương để phòng ngừa uốn ván? Rửa vết thương bằng nước sạch (tốt nhất là rửa dưới vòi nước sạch). Sát trùng vết thương bằng các dung dịch sát trùng.
Để hở vết thương, không để vết thương tạo đường hầm, không bịt kín hoặc đắp bất cứ thứ gì lên vết thương (vi khuẩn uốn ván chỉ phát triển được trong môi trường kỵ khí). Nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng vắc xin uốn ván hoặc huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván.
Khi có biểu hiện bệnh uốn ván, cần làm gì?
Cần đến ngay cơ sở y tế có khả năng Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc. Điều trị uốn ván chủ yếu bằng: thở máy, an thần, giãn cơ, dùng huyết thanh trung hoà độc tố uốn ván, kháng sinh phòng bội nhiễm vi khuẩn, dinh dưỡng và phục hồi chức năng.
Trong những năm gần đây, nhờ sự tiến bộ trong hồi sức bệnh nhân nặng, đặc biệt là kỹ thuật thở máy-lọc máu, tỷ lệ tử vong do uốn ván có giảm hơn nhưng quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian và chi phí lớn.