Nước lớn, hành động lớn: Nga tham gia bảo vệ Trung Đông bằng những khí tài hiện đại nhất

Trung Phạm |

Nga đang định vị mình như một nhân tố trực tiếp tham gia vào mục tiêu phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của các nước trong khu vực.

Ngày 15/11, trong cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình Rossiya 24 TV, ông Alexander Mikheev - Giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, danh mục đơn hàng mà hãng này nhận được từ các quốc gia Ả Rập (gồm 23 nước Trung Đông và Bắc Phi) đã lên tới 8 tỷ USD.

"Chúng tôi đã ký một loạt hợp đồng. Danh mục đơn hàng với các nước trong hai khu vực này rơi vào khoảng 8 tỷ USD. Con số đó chiếm khoảng 20% khối lượng hợp đồng xuất khẩu của chúng tôi", ông Mikheev chia sẻ.

Theo ông Alexander Mikheev, các chương trình hợp tác với những quốc gia này được lên kế hoạch cho nhiều năm và có sự tham gia của gần như tất cả các tập đoàn, công ty quốc phòng lớn của Nga.

Bahrain, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Morocco, Tunisia và Ai Cập đều bày tỏ sự quan tâm tới các thiết bị quốc phòng của Nga.

Nhiều hợp đồng "khủng" đang đón đợi

Tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Dubai 2017 (12-16/11), Tập đoàn Chế tạo Máy bay Thống nhất (UAC) của Nga đã mang tới đây và cho trình diễn giới thiệu chiếc máy bay danh tiếng của mình - Sukhoi Su-35 (NATO định danh là Flanker-E).

Đây có thể được xem như một nỗ lực của Nga nhằm chiếm lĩnh các thị trường mới nổi ở Trung Đông cũng như lấy lại những thị trường truyền thống mà nước này đã từng chi phối trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Su-35 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của UAE, mà theo như Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Abu Dhabi đang đàm phán mua một "số lượng chưa được công bố" loại tiêm kích đa năng này. Nga hy vọng sẽ đặt bút ký kết vào cuối năm 2017, và có thể sẽ đạt con số lý tưởng – vài chục chiếc Su-35.

Ngoài ra, UAC cũng đang rất hào hứng giới thiệu Mikoyan MiG-35, dòng tiêm kích đa nhiệm 2 động cơ được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động Zhuk-AE.

UAC và Tập đoàn MiG đang đẩy mạnh chào mời các nước trong khu vực mua MiG-35. Theo tuyên bố của MiG, giá mua và dự tính chi phí cho cả vòng đời đều thấp hơn 20% và 30 - 40% tương ứng so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh phương Tây.

Nước lớn, hành động lớn: Nga tham gia bảo vệ Trung Đông bằng những khí tài hiện đại nhất - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga triển khai tại Syria. Ảnh: Sputnik

Với dòng tiêm kích huyền thoại MiG-29, Ilya Tarashenko - Tổng giám đốc Tập đoàn MiG cho biết, đơn vị này hiện đang đàm phán với hơn 30 quốc gia, trong đó Bangladesh, Ấn Độ, Kazakhstan, Myanmar, Malaysia và Serbia là những khách hàng rất tiềm năng.

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 cũng đang được Nga dọn đường tiến vào thị trường khu vực. Với Nga, S-400 dường như đang trở thành tấm vé thông hành tiếp cận các thị trường vẫn còn phụ thuộc và vũ khí của Mỹ và phương Tây.

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli tuyên bố nước này đã hoàn tất thương vụ mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400. Ả Rập Xê Út cũng đang bắt đầu đàm phán mua S-400 trong khi Bahrain thì bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới hệ thống này của Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Aviation International News (AIN), Tổng giám đốc Cơ quan liên bang về Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga (FSVTS), ông Dmitri Shugayev đã vạch rõ các mục tiêu xuất khẩu quốc phòng của Moscow.

Theo đó, Nga đang định vị mình như một nhân tố trực tiếp tham gia vào mục tiêu phát triển công nghiệp quốc phòng của các khách hàng hiện tại và tương lai ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Sukhoi Su-35 của Nga trình diễn tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Dubai

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại