Nỗi ám ảnh về bệnh nhiễm khuẩn lây chéo khiến vào viện là ốm nặng

Tiểu Nhã |

Nhiễm khuẩn Bệnh viện đang là nỗi thách thức không chỉ của các bệnh viện mà cả ngành y tế. Bộ Y tế đang nỗ lực phát triển hệ thống phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Nhiễm khuẩn Bệnh viện đang là nỗi thách thức không chỉ của các bệnh viện mà cả ngành y tế. Bộ Y tế đang nỗ lực phát triển hệ thống phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Ám ảnh mang tên bệnh viện

Rất nhiều người dân vào viện điều trị rất sợ bệnh viện vì sợ lây thêm các bệnh từ bệnh viện đặc biệt là gặp những loại vi khuẩn kháng thuốc thì việc điều trị càng trở nên khó khăn hơn.

Trường hợp của bé trai N. M. H. 10 tuổi ở Hà Nội không may bị tai nạn giao thông đã được phẫu thuật mổ não ở bệnh viện khác.

Nhưng bé lại bị nhiễm trùng vết mổ gây nên nhiễm trùng huyết phải chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Quá trình điều trị vừa tốn kém vừa lâu dài và ảnh hưởng tới sức khoẻ của bé vì phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh đắt tiền mới có thể điều trị được.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, có nhiều người bệnh bị nhiễm trùng huyết chỉ sau vết mổ nhỏ, thủ thuật nhỏ vì nhiễm khuẩn ở ngay chính môi trường y tế. Tình trạng nhiều người bệnh vào viện khoẻ, ra viện yếu vì nhiễm khuẩn bệnh viện.

Chị Hoàng Thu Hồng trú tại Đống Đa, Hà Nội ám ảnh mãi câu chuyện của con chị. Bé bị viêm phổi nhập viện Bệnh viện Nhi trung ương vào tháng 4 năm 2014.

Đúng vào mùa dịch sởi năm đó, con trai chị nhanh chóng bị lây sởi và phải nằm điều trị gần 2 tháng trời biến chứng do sởi mới có thể may mắn vượt qua lưỡi hái tử thần.

Với chị Hồng cũng như cả gia đình, điều đó đã trở thành nỗi ám ảnh suốt đời và mỗi lần con ốm chị lại sợ phải vào bệnh viện.

Rất nhiều bà mẹ "né" đưa con vào viện khám cũng bởi nỗi lo mang thêm bệnh vào người. Có những cháu nhỏ chỉ viêm mũi họng thông thường vào viện gặp thêm vi khuẩn, vi rút kháng thuốc các bé sẽ mang thêm bệnh mới.

Đây là một trong những điều bác sĩ luôn trăn trở và trở thành nỗi sợ hãi của người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ về việc người bệnh khi vào viện khoẻ, ra viện yếu là có, vì nhiễm khuẩn tại bệnh viện không ai để ý đến nó.

Hầu như ở bệnh viện, khi nhiễm khuẩn bệnh viện đa số là vi khuẩn kháng thuốc, việc điều trị cũng khó khăn hơn. Bác sĩ phải xác định đó là do nhiễm ở bệnh viện hay nhiễm trong cộng đồng.

Phải biết rửa tay

Nỗi ám ảnh về bệnh nhiễm khuẩn lây chéo khiến vào viện là ốm nặng - Ảnh 1.

Rửa tay thường xuyên là giải pháp đơn giản để phòng bệnh (Ảnh minh họa)

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra, trong môi trường bệnh viện, trên mỗi cm2 bàn tay có thể chứa tới 4,6 triệu vi khuẩn.

Không chỉ nỗi lo nhiễm khuẩn bệnh viện mà ngay cả những cái bắt tay của các bác sĩ, người bệnh hay thói quen người nhà bệnh nhân vào chăm sóc người bệnh cũng là nỗi lo lây truyền bệnh cho nhau.

Thứ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh, dịch bệnh tiềm tàng từ những cái bắt tay.

Chính vì thế, các chuyên gia y tế đều cho rằng vệ sinh tay được xem là "thuốc kháng sinh" rẻ nhất, tốt nhất, đơn giản nhất để chống nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, giảm nhiễm trùng cho người bệnh trong quá trình chăm sóc y tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai giải pháp tưởng chừng rất đơn giản này lại trở nên vô cùng khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết có những loại cồn kháng khuẩn cho bác sĩ sử dụng lên đến cả triệu đồng 1 chai và không phải bệnh viện nào cũng có tiền để sử dụng nó.

GS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết thực tế hiện nay theo khảo sát tại hệ thống bệnh viện trên toàn quốc, vẫn có đến 46,5% bệnh viện không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn.

39,7% bệnh viện không có đủ tối thiểu một buồng cách ly đúng quy định ở các khoa lâm sàng; 57,6% không sẵn sàng dung dịch vệ sinh tay tại nơi có nhiều người tiếp xúc.

Dịch sởi năm 2014 trở thành bài học về công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên hiện nay rất ít bệnh viện làm được điều đó.

BS CK2 Hoàng Văn Thành - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho biết, ngày nay, tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới nổi có tỉ lệ tử vong cao, có nguy cơ lây lan thành dịch.

Bệnh sẽ tái bùng phát trong cộng đồng, đặc biệt trong bệnh viện, đe dọa sự an toàn của người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng như Mers–CoV, Ebola, sởi, dịch...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại