Các nhà nghiên cứu tới từ đại học Y tế và Sức khỏe ECU đã thực hiện nghiên cứu và phân tích dữ liệu từ 53,048 người dân Đan Mạch trong liên tục 23 năm.
Họ đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên sử dụng các thực phẩm giàu flavonoid từ mức trung bình tới cao thường ít có nguy cơ bị bệnh ung thư và tim mạch. Hợp chất này có nhiều trong các loại thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc thực vật.
Tiến sỹ Nicola Bondonno, trưởng nhóm nghiên cứu kết luận rằng những người thường xuyên ăn thực phẩm giàu glavonoid có nguy cơ tử vong thấp, đặc biệt thấy tác dụng ngăn ngừa các bệnh mãn tính cao nhất ở nhóm người nghiện thuốc lá và những người uống nhiều đồ uống có cồn.
Các kết quả này rất quan trọng vì đã làm nổi bật rõ khả năng ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch đặc biệt ở nhóm người có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính này bằng cách tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giày flavonoid.
"Hãy lưu ý rằng việc tiêu thụ flavonoid không giúp chống lại hoàn toàn nguy cơ tử vong do hút thuốc hay nghiện rượu nặng. Tốt nhất là vẫn nên bỏ hút thuốc và giảm rượu".
"Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng việc thay đổi phong cách sống khá là khó, do đó khuyến khích ăn nhiều flavonoid có thể là một cách mới để giảm bớt rủi ro".
Các loại thực phẩm giàu flavonoid tốt nhất là gì?
Nhiều loại trái cây và rau quả là một nguồn flavonoid tuyệt vời, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho biết đây là một trong những thực phẩm và đồ uống giàu flavonoid tốt nhất mà bạn nên sử dụng: trà (đặc biệt là trà xanh), sô cô la đen (nên chọn từ 85% cacao trở lên), quả mọng, táo, trái cây họ cam quýt, măng tây, rau xanh và rượu vang đỏ.
Nếu bạn cảm thấy thật phiền để tìm kiếm hàm lượng flavonoid trong thực phẩm mỗi khi ăn, hãy nhớ rằng, trái cây và rau quả nói chung có màu đậm sẽ chứa flavonoid (như quả việt quất, cam và rau bina). Hành và tỏi tuy khác nhóm này nhưng cũng dồi dào flavonoid.
Bao nhiêu là đủ?
Nghiên cứu cho thấy những người tham gia tiêu thụ khoảng 500mg tổng flavonoids mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh ung thư hay các bệnh liên quan tới tim mạch thấp nhất.
"Điều quan trọng là nên tiêu thụ các loại hợp chất flavonoid từ nhiều loại thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc thực phẩm khác nhau. Ví dụ: một tách trà, một quả táo, một quả cam, 100g việt quất và 100g bông cải xanh sẽ cung cấp nhiều loại hợp chất flavonoids và tương đương hơn 500mg".
Tiến sỹ Bondonno nói rằng nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa việc tiêu thụ flavonoid với việc giảm tỉ lệ tử vong.
"Thói quen sử dụng nhiều thuốc lá, chất có cồn đều làm tăng nguy cơ bị viêm và làm hỏng các mạch máu, là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mắc hàng loạt bệnh". Flavonoid đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm và cải thiện chức năng cho các mạch máu. Điều này là nguyên nhân giảm tỉ lệ tử vong ở bênh tim mạch và ung thư.
Tiến sỹ Bondonno chia sẻ rằng bước tiếp theo của nghiên cứu này là xem xét kỹ hơn xem loại ung thư và bệnh tim nào được bảo vệ tốt nhất bởi flavonoid.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 13 tháng 8 vừa rồi ở Đan Mạch.
Nghiên cứu ECU là sự hợp tác của các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nơi như Bệnh viện Đại học Herlev & Gentofte, Bệnh viện Đại học Aalborg, cũng như Trung tâm Nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Đan Mạch, Đại học Tây Úc và Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế.
*Theo sciencedaily