Lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe sau nhiều năm uống rượu như: các bệnh lý về gan, dạ dày, thần kinh,... thậm chí tử vong khi đã mắc xơ gan cổ trướng, ung thư gan,...
Thực trạng rượu, bia tại Việt Nam - Những con số đáng lo ngại
Rượu là một thức uống phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Hiện nay, ở Việt Nam, tình trạng lạm dụng bia rượu đã trở nên báo động. Đặc biệt là ở giới trẻ, nhiều người sử dụng bia rượu từ rất sớm.
Mức độ tiêu thụ rượu ở nam giới trên 15 tuổi ở Việt Nam trung bình 27,4 lít cồn nguyên chất/người (2010), đứng thứ 2 trong các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Mặt khác, các loại rượu bia ở Việt Nam hầu hết chưa được kiểm định về chất lượng.
Những rối loạn liên quan đến rượu và hậu quả nặng nề do rượu gây ra không chỉ liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người uống rượu, kinh tế gia đình, mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội... Trong đó, điển hình là các căn bệnh do rượu như viêm gan, xơ gan, hội chứng cai rượu và các rối loạn tâm thần do nghiện rượu gây ra.
Tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên toàn quốc, tình trạng bệnh nhân lạm dụng rượu bia phải cấp cứu, nhập viện xảy ra thường xuyên.
Bệnh gan do rượu
Theo nghiên cứu, từ 70 đến 85% lượng rượu đưa vào cơ thể sẽ được hấp thu ở tá tràng và phần trên của ruột non, chỉ khoảng 20% được hấp thu bởi niêm mạc dạ dày. Rượu được hấp thu từ ruột sẽ theo tĩnh mạch cửa đến gan.
Gan là cơ quan chuyển hóa rượu quan trọng nhất. Trên 90% lượng rượu hấp thu sẽ được chuyển hóa qua gan, phần còn lại sẽ được thải ra ngoài qua phổi và thận.
Uống rượu nhiều và lâu ngày là nguyên nhân chính gây nên bệnh gan do rượu. Tổn thương gan do rượu gồm 3 hình thái: gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan do rượu.
Người bị gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng. Một vài bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và suy nhược hoặc có cảm giác tức ở vùng hạ sườn phải. Bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ sau khi xét nghiệm máu thường quy (thấy men gan tăng) hoặc sau khi siêu âm gan.
Trong bệnh cảnh lâm sàng của viêm gan do rượu biến đổi từ bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đến suy giảm chức năng gan gây tử vong. Bệnh cảnh viêm gan do rượu điển hình gồm: bệnh nhân chán ăn, buồn nôn, nôn, khó chịu, sụt cân, đau bụng và vàng da, có thể sốt, gan to. Nặng hơn có thể có: cổ trướng, phù, chảy máu, bệnh não gan.
Đối với xơ gan, xơ gan thời kỳ đầu thường không có triệu chứng, về sau tùy thuộc từng mức độ có các biểu hiện: hội chứng suy tế bào gan; hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: bệnh nhân mệt mỏi, ăn kém, vàng da, da sạm, dễ chảy máu, có những triệu chứng của biến chứng như nôn ra máu và đi ngoài phân đen do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, hôn mê gan, suy thận, các biểu hiện nhiễm khuẩn hoặc do xơ gan ung thư hóa...
Người uống rượu ít nhiều đều có bệnh lý gan rượu. Chi phí điều trị lâu dài sẽ tạo ra gánh nặng cho gia đình.
Tác động xấu lên hệ thần kinh
Ngoài các bệnh lý kể trên, ảnh hưởng của uống nhiều rượu còn phải kể đến những rối loạn hành vi. Các rối loạn này và các bệnh lý tâm thần kinh còn để lại hệ lụy to lớn đối với gia đình và xã hội.
Rượu là chất kích thích, khi sử dụng dù ít hay nhiều đều dẫn đến rối loạn về tinh thần. Mức độ nhẹ làm giảm ngưỡng cảm giác, phản ứng chậm, tư duy logic giảm sút, gặp khó khăn trong phán đoán tình hình. Mức độ trung bình làm cơ thể bị đãng trí, tri giác thiếu chính xác. Mức độ nặng sẽ gây ra trạng thái choáng váng, không làm chủ được hành vi.
Đặc biệt trong giới trẻ, việc không làm chủ được hành vi sau khi uống rượu dẫn đến nhiều vụ ẩu đả gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí xảy ra án mạng xuất phát từ những việc tưởng chừng rất nhỏ như một lời nói, một hành động hay một “cái nhìn” của bạn nhậu, của người đi đường, thậm chí của người thân trong gia đình.
Lạm dụng rượu bia sẽ dẫn đến tổn thương gan gây ra những bệnh lý ở gan.
... Đến những án mạng
Gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra như vụ ôtô 7 chỗ ở Hà Nội tông nữ lao công tử vong, xe Lexus đâm vào đám tang khiến 4 người chết, tài xế Mercedes tông chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên... là những vụ tai nạn mà tài xế vi phạm có nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Theo số liệu mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó, nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ).
Trong mỗi cuộc vui, bia rượu khiến tình cảm anh em, bạn bè trở nên gần gũi, thân mật hơn. Thế nhưng, tham gia giao thông sau khi uống rượu tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng cho bản thân người uống rượu và người tham gia giao thông.
Hội chứng cai rượu
Ở những bệnh nhân nghiện rượu còn hay gặp hội chứng cai. Hội chứng cai xảy ra khi vì một lý do nào đó người nghiện rượu ngừng uống rượu đột ngột. Hầu hết các bệnh nhân có hội chứng cai là những bệnh nhân nghiện rượu kéo dài trên 10 năm, với số lượng rượu uống từ 500ml/ngày trở lên (những bệnh nhân này thường có những tổn thương gan mạn tính kèm theo).
Đặc điểm lâm sàng của hội chứng cai rượu rất đa dạng và phức tạp, biểu hiện từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng, thường xuất hiện trong vòng 24h đầu sau khi ngừng rượu.
Có thể xuất hiện run giật, buồn nôn, nôn, lo lắng hốt hoảng, có thể mất ngủ, ác mộng, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, vã mồ hôi, hoang tưởng (3-10%) thường bắt đầu sau vài ngày, co giật (5-15%) thường xuất hiện sau 6h-48h, sảng run (mất định hướng và rối loạn ý thức) (<5%). Tỷ lệ tử vong khoảng 2-10% do biến chứng tim mạch, chuyển hóa, nhiễm trùng cơ hội, mất nước...
Hầu hết các bệnh nhân có hội chứng cai rượu đã uống rượu nhiều năm nên thường có tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài kết hợp với tình trạng phải nằm liên tục trong giai đoạn kích thích, sảng run rất dễ dẫn đến tình trạng xuất hiện các vết loét do tỳ đè.
Lời khuyên thầy thuốc
Lạm dụng rượu bia gây ra nhiều tác hại khôn lường về sức khỏe, hạnh phúc gia đình, kinh tế, trật tự và an toàn xã hội. Hãy uống rượu đúng cách để khỏe mạnh, để không trở thành nạn nhân bị “ma men” cướp đi sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.
Khi nâng chén trong các cuộc vui hãy nghĩ đến trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cùng nhau truyền đi thông điệp: “Đã uống rượu bia không lái xe”.