Bệnh viện Đại học Kagoshima cho biết từ tháng 4/2017 đến tháng 4/2018, bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng 15 ca bệnh, trong đó có 5 ca được xác định nhiễm MDR Acinetobacter.
Tháng 9/2016, bệnh viện cũng từng tiếp nhận 10 ca bệnh nhiễm một loại vi khuẩn có đặc tính tương tự Acinetobacter.
Theo Bệnh viện Đại học Kagoshima, Phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) có thể là nguồn lây vi khuẩn này bởi có tới 14 trong tổng số 15 người nhiễm bệnh từng có thời gian điều trị tại ICU và đây cũng là nơi phát hiện ra vi khuẩn này.
Bệnh viện đã phát hiện vi khuẩn MDR Acinetobacter trên 3 trong tổng số 16 đệm nằm của bệnh nhân ở ICU sau 2 ca tử vong là những bệnh nhân nhập viện hồi tháng 4/2018.
Sau sự việc trên, Bệnh viện Đại học Kagoshima đã xin lỗi gia đình các nạn nhân và tiến hành vệ sinh, khử trùng, nâng cấp ICU để tránh tái diễn sự việc tương tự. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết cơ quan chức năng nước này sẽ xem xét thanh tra bệnh viện theo quy định pháp luật.
MDR Acinetobacter là loại vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm, có khả năng gây bội nhiễm ở phổi, máu và nhiều cơ quan nội tạng khác, do đó việc điều trị hết sức khó khăn. Vi khuẩn này có thể sinh sống trên da người và một số nơi trong môi trường ẩm ướt. Đến nay, việc vệ sinh bằng cồn được cho là phương pháp hữu hiệu nhất để tiêu diệt vi khuẩn này.
Một vụ việc tương tự đã xảy ra tại Bệnh viện Đại học Teikyo trong khoảng tháng 2/2009 đến tháng 10/2010, khiến 35 trong tổng số 60 bệnh nhân nhiễm MDR Acinetobacter tử vong. Trong khoảng từ tháng 10/2008-1/2009, đã có 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Fukuoka tử vong cũng do nhiễm vi khuẩn này.
Năm 2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa Acinetobacter vào danh sách các loại vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm hàng đầu đối với sức khỏe con người.
Theo khuyến cáo của WHO, việc cơ thể người bệnh kháng thuốc cũng có nguyên nhân do lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách.
Do đó, để giải quyết tình trạng kháng thuốc, WHO kêu gọi các biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh và chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp cần thiết ở cả người và động vật. Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh so với mức của năm 2013.