"Nếu Saddam Hussein còn cầm quyền" và nỗi đau máu người vô tội ở châu Âu

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Cùng "những con sói đơn độc", IS áp dụng thêm chiến thuật "những con ngựa độc" dùng xe hơi lao vào đám đông, gây sát thương nhiều người mà không cần thuốc nổ dễ bị phát hiện.

Khủng bố lan rộng ở châu Âu

Ngày 17/8/2017, Tây Ban Nha đã chứng kiến vụ khủng bố kinh hoàng. Sau gần 14 năm yên bình, khủng bố đẫm máu trở lại nước này với hai vụ tấn công bằng xe hơi lao vào đám đông tại thành phố du lịch Barcelona làm 14 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.

Đại lộ Las Ramblas đẹp nhất thành phố, tấp nập du khách trong nước và nước ngoài bỗng chốc trở nên tang tóc, hôm nay vắng lặng "không ai dám bước chân tới" nữa.

Ngay sau đó một ngày, ngày 18/8/2017 một vụ đâm dao liên hoàn đã xảy ra tại thành phố Turku của Phần Lan, một trong những nước có thể nói là thanh bình nhất châu Âu khiến 2 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này và cho đây là hành động nằm trong kế hoạch đánh vào các nước phương Tây của chúng. Trang tin Amaq của IS tuyên bố: "Các chiến binh của IS tiến hành vụ tấn công Barcelona là nhằm đáp lại lời kêu gọi trả thù các quốc gia tham gia Liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu."

Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi các vụ tấn công khủng bố mà IS thực hiện tại châu Âu trong 13 tháng qua. Trong đó, hình thức tấn công bằng xe tải đã được thực hiện nhiều lần trên các đường phố châu Âu.

Nếu Saddam Hussein còn cầm quyền và nỗi đau máu người vô tội ở châu Âu - Ảnh 1.

Người thân và khách bộ hành tới viếng các nạn nhân trong vụ tấn công ở Las Rambla, Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: NYT

Từ hơn một năm trở lại đây, số vụ tấn công khủng bố nhằm vào các nước châu Âu ngày càng tăng và hung hãn hơn. Ngày 14/7/2016, nước Pháp đau đớn chứng kiến ngày Quốc khánh vui vẻ trở thành ngày quốc tang khi một chiếc xe tải lao vào đám người tại thành phố Nice làm 87 người thiệt mạng và 458 người bị thương.

Ngày 19/11/2016, cũng một chiếc xe tải lao vào phiên chợ Noel tại Berlin làm 12 người thiệt mạng và 56 người bị thương. Ngày 22/3/2017, ít nhất 6 người thiệt mạng, 49 người khác bị thương khi kẻ tấn công lao xe vào dòng người đi bộ trên cầu Westminster, London, Anh.

Ngày 7/4/2017, Thủ đô Stokholm yên bình của Thụy Điển bỗng nhiên trở thành mục tiêu của khủng bố, 5 người thiệt mạng và 14 người bị thương. Ngày 24/5/2017, một kẻ đánh bom tự sát đã tấn công buổi ca nhạc trên sân vận động Manchester, 22 người thiệt mạng. Có thể nói, bóng ma khủng bố đang bao phủ lên toàn bộ châu Âu.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, sau khi bị đánh mạnh ở Iraq và Syria đã thay đổi chiến thuật hoạt động và chuyển địa bàn hoạt động của chúng sang các khu vực khác, mục tiêu chủ yếu là các nước châu Âu tham gia liên minh chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo.

Cùng với chiến thuật "những con sói đơn độc", IS gần đây còn áp dụng thêm chiến thuật "những con ngựa độc" dùng xe hơi lao vào đám đông, gây sát thương nhiều người mà không cần thuốc nổ dễ bị phát hiện.

Những nhóm cực đoan tham gia chiến đấu tại Iraq, Syria, Libya nay trở về châu Âu là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của các nước châu Âu. Điều này thể hiện rõ qua một loạt các cuộc tấn công khủng bố do bọn này tiến hành.

Do hệ thống an ninh EU lỏng lẻo?

Nếu Saddam Hussein còn cầm quyền và nỗi đau máu người vô tội ở châu Âu - Ảnh 2.

Chiếc Audi A3 chở năm nghi phạm khủng bố tấn công vào Cambirls bị lật đổ khi gặp phải sự đáp trả của cảnh sát Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Theo tài liệu nghiên cứu của Học viện Hoàng gia Elcano của Tây Ban Nha, khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Syria, hàng ngàn người mang quốc tịch châu Âu đã gia nhập các tổ chức khủng bố, chủ yếu là IS sang chiến đấu tại Syria.

Trong số này đã có 1427 người trở về và hiện nay đang có mặt tại 12 quốc gia châu Âu và một số lớn khác đang trên đường trở về. IS đã đưa bọn này trở lại châu Âu nằm vùng chờ thời để thực hiện các vụ khủng bố. Đây là những quả bom nổ chậm có thể nổ bất cứ lúc nào.

Các vụ khủng bố nhằm vào các thành phố châu Âu ngày càng tăng và hết sức hung hãn đang đặt ra nhiều dấu hỏi về sự yếu kém của các bộ máy an ninh của các nước châu Âu trong việc ngăn chặn và đối phó với hiện tượng này, đặc biệt sau khi IS đưa ra một chiến thuật tấn công mới.

Các phương tiện truyền thông của Iraq tuần trước cho biết IS, mới đây đã tuyên bố thành lập một nhóm lấy tên là "những con ngựa độc". Nhiệm vụ của nhóm này là dùng xe hơi lao vào đám đông trên đường phố các nước châu Âu và Mỹ, những nước chống lại Vương quốc Hồi giáo Khilafah (Caliphate) hay còn gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Tình hình trên cho thấy các bộ máy an ninh của các nước châu Âu quá sơ hở để cho các công dân của mình đi Iraq và Syria chiến đấu và trở về một cách dễ dàng. Một số nhà quan sát không loại trừ khả năng có sự câu kết giữa một số phần tử trong bộ máy an ninh và bộ phận xuất nhập cảnh của các nước này để kiếm lợi cá nhân.

Mặt khác, không một bộ máy an ninh nào, dù được trang bị hiện đại đến đâu cũng không thể kiểm soát được dòng người tỵ nạn hàng triều người từ các nước Trung Đông đổ về châu Âu.

Cuộc chiến chống khủng bố không thể đạt được kết quả nếu không xử lý tận gốc các nguyên nhân gây ra khủng bố. Chính sách của Mỹ và châu Âu trong vòng 20 năm qua đã góp phần vào việc sản sinh ra một số các tổ chức khủng bố. Sự can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của các quốc gia Trung Đông như ở Iraq, Libya và Syria đã làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan chính trị của khu vực.

Nếu Saddam Hussein còn cầm quyền và nỗi đau máu người vô tội ở châu Âu - Ảnh 3.

Hệ quả chính của sự can thiệp này là sự gia tăng về số lượng và quy mô của các tổ chức khủng bố, và một trong những nhóm tàn bạo nhất trên thế giới là IS đã có thể tạo ra một "Nhà nước" với số dân khoảng 8 triệu người và diện tích gần bằng nước Anh.

Chính cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc chiến của Mỹ chống Iraq, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNN ngày 25/10/2015 cũng đã phải xin lỗi và thừa nhận cuộc chiến này là nguyên nhân chính khiến cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS trỗi dậy.

Năm 2016, Ủy ban điều tra của Anh do John Chilcot, nguyên thứ trưởng Ngoại giao Anh đứng đầu đã công bố bản báo cáo 6.000 trang cho rằng cuộc chiến Iraq là một sai lầm nghiêm trọng và cựu Thủ tướng Tony Blair phải chịu trách nhiệm về sự tham gia của Anh vào cuộc chiến này.

Mới đây nhất cựu đặc vụ của cơ quan tình báo Mỹ CIA John Nixon, người trực tiếp thẩm vấn Tổng thống Saddam Hussein của Iraq trong cuốn sách "Thẩm vấn Saddam Hussein" vừa công bố của mình đã thừa nhận việc Mỹ đánh Iraq năm 2003 là một sai lầm và "khủng bố IS không thể hoành hành như vậy nếu Tổng thống Iraq Saddam Hussein vẫn nắm quyền".

Cựu Tổng thống G. Bush, tác giả chính của của cuộc chiến 2003 chống Iraq khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC gần đây cũng đã phải lên tiếng: "Sự hối tiếc lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của tôi là đã dựa vào những thông tin sai lệch của Cơ quan tình báo CIA về việc Iraq có một kho vũ khí hủy diệt để tấn công Iraq".

Cuộc chiến chống khủng bố là một cuộc chiến đầy cam go. Cuộc chiến này không thể thắng lợi nếu châu Âu không chịu thay đổi thái độ để tìm ra giải pháp cho các cuộc xung đột ở Trung Đông, chấm dứt sự phỉ báng đạo Hồi và chính sách phân biệt đối xử với những người theo đạo Hồi và thống nhất mọi cố gắng của cộng đồng quốc tế.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại