Nam thanh niên bị đứt cơ bụng, chảy máu trong vì tập đu xà

N. Huyền |

Vận động cơ thể, tập thể dục thể thao nói chung rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên nếu tập sai cách có thể dẫn đến những chấn thương cho cơ thể như rách cơ, đứt dây chằng, thoát vị đĩa đệm…

Nam thanh niên bị đứt cơ bụng, chảy máu trong vì tập đu xà - Ảnh 1.

Có thể kể đến trường hợp nam bệnh nhân 21 tuổi ( Phường Trưng Vương, TP. Uông Bí, Quảng Ninh) sau khi tự tập các động tác đu xà tại nhà thì đột ngột bị đau bụng quanh rốn.

Sau thấy có khối sưng gồ lên khoảng 2 cm dài khoảng 7-8 cm nằm dọc bụng, ấn vào rất đau. Đến sáng hôm sau tình trạng không đỡ, nam thanh niên đã phải đến Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí khám.

Tại Bệnh viện, người bệnh được siêu âm ổ bụng và chụp CT-Scanners cho thấy hình ảnh đứt cơ thẳng bụng trái, chảy máu trong. Các bác sĩ chỉ định chọc dẫn lưu ổ máu tụ cho người bệnh, sau đó chuyển khoa Ngoại tiêu hoá & tổng hợp tiếp tục theo dõi điều trị.

Theo lời kể của người bệnh, ngày hôm trước người bệnh đã tập cơ bụng với con lăn. Hôm sau đi làm về thấy mỏi lưng nên đã tập ngay động tác đu xà mà không thực hiện các động tác khởi động. Sau khoảng 10 lần đu xà thì đột ngột bị đau ở bụng.

Các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hoá & Tổng hợp cho biết, đây là trường hợp nhẹ nên sau khi được chọc dẫn lưu ổ máu tụ thì tình trạng chảy máu đã được cải thiện. Nếu nặng hơn, vết rách cơ gây chảy máu nhiều sẽ phải tiến hành phẫu thuật để khâu cơ ổ bụng, cầm máu cho người bệnh. Sau điều trị sức khoẻ người bệnh ổn định và đã được ra viện ngày 15/10.

Cũng liên quan đến việc tập luyện thể thao, BS Phan Vương Huy Đổng, Giảng viên Bộ môn Y học Thể thao ĐH. Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Hội Y học Thể thao TP.HCM cho biết, ông thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhẹ hóa nặng bởi tập sai phương pháp và tập không đúng cách.

Nhiều người thậm chí phải nhập viện do tổn thương quá nghiêm trọng bởi áp dụng các bài tập không phù hợp với sức khỏe cơ thể.

Đánh giá cao phong trào luyện tập thể dục thể thao của người dân, tuy nhiên các chuyên gia nhận định phong trào luyện tập thường thiếu người dẫn dắt, cứ thấy người khác tập, mình tập giống họ, hoặc một chương trình tập áp dụng cho tất cả mọi người.

"Thế nhưng người dân lại không biết mỗi người có một tình trạng bệnh, mỗi người có một thể trạng khác nhau.

Nhiều người bị tổn thương xương khớp nằm yên để lành thương đây là suy nghĩ sai. Thực tế phải vận động máu mới lưu thông và mau lành. Điều quan trọng là tập đúng chế độ , đúng mức, tập để tạo sự cân bằng. Vận động dẫn đến sự hao mòn, phá vỡ, khi đó cơ thể mới tái tạo để bù đắp, hai quá trình này phải cân bằng, cơ thể mới ổn định.", BS Đồng nói.

Theo BS. Đổng, phải vừa tập vừa lắng nghe xem cơ thể phản ứng ra sao, các dấu hiệu đầu tiên lắng nghe đó chính là cảm giác đau.Thực tế cho thấy nhiều người tập xong không khoẻ mà chỉ mệt mỏi.

Đặc biệt với những người từ 50 tuổi trở lên nên tập luyện thể dục thể thao vừa phải như đi bộ, khiêu vũ, chạy chậm 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần. Một phương án khác là tập thể dục mạnh mẽ như đi bộ kết hợp chạy, đạp xe đạp với thời lượng ngắn lại: 20 phút mỗi ngày, 3 ngày một tuần.

Hoặc thực hiện 8 - 10 lần tập luyện sức mạnh trong phòng tập, 10 - 15 lần lặp lại mỗi bài tập, 2 - 3 lần một tuần. Người lớn tuổi nên chú trọng các bài tập cân bằng, tăng cường chú trọng đến tập luyện các bài tập thể dục tăng sức mạnh chân, sự nhanh nhẹn linh hoạt và khả năng thăng bằng.

"Đừng nghĩ mình là ngày hôm qua vì mỗi ngày cơ thể càng thay đổi. Cần biết lắng nghe chính xác tiếng nói của cơ thể. Tập tăng dần, nên có hướng dẫn của chuyên viên. Trách các động tác gây đau hoặc được khuyến cáo. Ngưng tập nếu đau và khám kiểm tra nếu đau kéo dài.

Nếu đi bộ, bắt đầu đi ngắn, có nghỉ ngơi và có thể tăng dần vừa sức. Mỗi ngày hai cữ, mỗi cữ khoảng 30 phút là vừa đủ và cần có chuyên gia hướng dẫn để đúng phương pháp, kỹ thuật, thời lượng", BS Đồng nói.

Để việc tập luyện thể dục thể thao thực sự mang lại hiệu quả rèn luyện tốt nhất cho cơ thể, mọi người cần chú ý đảm bảo an toàn, tránh những chấn thương trong quá trình tập luyện, bằng cách:

Luôn khởi động trước khi tập;

Tập các bài tập/môn thể thao phù hợp với cường độ và thời gian hợp lý;

Khi thấy hiện tượng lạ, cần dừng tập ngay để tránh những chấn thương nghiêm trọng hơn;

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nước trước, trong cũng như sau khi tập.

Đặc biệt, những người có bệnh lý về đường hô hấp, tiền sử bệnh tim mạch, cơ - xương khớp hay các bệnh rối loạn về chuyển hoá như: đường máu, mỡ máu… cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia về hoạt động thể chất để có hình thức luyện tập phù hợp với sức khoẻ của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại