Mua rượu về uống, một người phụ nữ bị hôn mê sâu

P.Thúy |

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận thêm các trường hợp ngộ độc rượu methanol và có bệnh nhân đã tử vong, đa số các bệnh nhân này đều làm việc và sống ở Hà Nội.

Mặc dù từ tháng 3/2017, Hà Nội đã ra quân để tấn công truy quét rượu bẩn nhưng tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vẫn thường xuyên có các ca ngộ độc rượu do mua phải rượu chứa cồn methanol.

Bệnh nhân L.X.G (46 tuổi, quê Nam Định, làm bảo vệ trường học ở khu vực Cầu Giấy) được đưa vào viện hôm 4/9, trong tình trạng đã ngừng tim sau khi uống rượu trắng mua tại khu vực này.

Sau khi cấp cứu, hồi sức tim bệnh nhân đã đập trở lại nhưng sau đó bệnh nhân đã tử vong sau một ngày nằm viện vì bệnh diễn biến nặng, nồng độ methanol trong máu 52,15mg/dl – đây được xem là nồng độ “chết” khi ngộ độc methanol.

Bình thường, methanol ở nồng độ 20 mg/dL đã phải lọc máu, thải độc, riêng bệnh nhân này quá nặng

Ngoài ra, Trung tâm Chống độc còn tiếp nhận một bệnh nhân nữ Đ.T.L .(sinh năm 1974, Thanh Xuân, Hà Nội) vào viện trong tình trạng đã ngừng tim.

Theo người nhà, bệnh nhân mua rượu tại khu vực sau bách hóa Thanh Xuân về uống. Khi vào viện làm các xét nghiệm thì nồng độ methanol trong máu bệnh nhân lên tới 135,9mg/dl.

Ngoài ra, bệnh nhân còn lại là N.X.L (sinh năm 1968, Hải Dương) có tiền sử nghiện rượu, không biết uống rượu ở đâu, hôn mê, tổn thương não do methanol, với nồng độ 132,6mg/dl.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết các bệnh nhân đều uống rượu tuy nhiên khi làm xét nghiệm thì không thấy nồng độ ethanol mà chỉ có nồng độ cồn methanol.

Đa số bệnh nhân nhiễm độc methanol thời gian qua đều uống rượu trắng không rõ nguồn gốc khoảng 24 - 48 giờ trước khi vào viện, không có biểu hiện gì rõ rệt để có thể phát hiện sớm tình trạng ngộ độc methanol.

Hiện tại, chi phí điều trị bệnh nhân nhiễm độc methanol từ hàng chục đến hàng trăm triệu, nhưng vấn đề lớn hơn là các bệnh nhân đều nặng, nhiều người hôn mê, ảnh hưởng thị lực, số hồi phục hoàn toàn rất ít.

Không chỉ nguy cơ ngộ độc khi uống phải rượu giả chứa methanol mà tại trung tâm Chống độc các bác sĩ còn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc rượu nhưng thực tế bệnh nhân không uống rượu mà uống cồn y tế.

Đến nay, các bác sĩ vẫn không thể lý giải được vì sao người bệnh lại uống cồn y tế, các bác sĩ chỉ có thể lý giải: “họ quá nghiện và lệ thuộc vào cồn nên khi không có rượu thì uống cồn vì cồn 70 độ vẫn rẻ hơn rượu”.

Rượu có methanol không gây ngộ độc ngay mà phải 2 – 3 ngày sau mới có triệu chứng. Có người uống nhiều lần và uống nhiều loại rượu, khiến tác dụng phụ mờ, biểu hiện ngộ độc methanol chậm hơn bình thường.

Methanol được sản xuất trong công nghiệp, là sản phẩm cuối của nhiều quy trình sản xuất, từ sự chuyển hóa của nhiều loại quả, từ sự phân hủy rác... 

Methanol có nhiều ứng dụng khác nhau trong công nghiệp như dùng làm sơn, để lau chùi véc ni, dùng làm dung môi... Tuy nhiên, tuyệt đối không được sử dụng methanol làm rượu thực phẩm như ethanol.

Ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg đã gây mù mắt và 0,5 ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại