Ngày 31-7, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, trong tuần vừa qua, khoa đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị rối loạn tri giác vì sử dụng miếng dán chống ói, chống say tàu xe.
Bệnh nhi tên L.T.B.T (8 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM), nhập viện trong tình trạng lơ mơ kèm la hét. Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết những ngày hè vừa qua, bé được phụ huynh thưởng cho một chuyến đi chơi vì cuối năm đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Vì bé thường xuyên bị say xe nhưng ngại uống thuốc, cha mẹ mua miếng dán chống ói dán lên hai bên mang tai đứa trẻ.
Tuy nhiên, sau chuyến đi trở về, đứa trẻ bắt đầu mất nhận thức, có dấu hiệu rối loạn tri giác. Tá hoả, người nhà đưa bé đến BV Nhi Đồng 1 cầu cứu.
Theo BS Khanh, khoảng vài tháng nay Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn tri giác khi sử dụng miếng dán chống ói.
Tại đây sau khi xác định tình trạng bệnh nhi, BS điều trị đã cho nhập viện để tiến hành theo dõi kèm sử dụng thuốc hỗ trợ. Rất may sau 3 ngày, tình trạng của cháu bé đã cải thiện và được xuất viện ngay sau đó.
BS Trương Hữu Khanh cho biết, cách đây khoảng 3 tuần, ông cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi tương tự, khi trẻ lâm vào tình trạng mất nhận thức sau khi được cha mẹ cho sử dụng miếng chống ói khi đi tàu xe.
"Những trường hợp trẻ gặp biến chứng sau khi sử dụng miếng chống ói rất phổ biến, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng 10 ca.
Thời gian trước đã tạm lắng xuống nhưng 3-4 tháng nay xuất hiện trở lại, vì đang trong kỳ nghỉ hè, cha mẹ cho trẻ đi chơi nhiều" – BS Khanh nói.
Mất nhận thức, hoảng loạn, gặp ác mộng, thậm chí hôn mê là nhũng rủi ro có thể xảy ra với trẻ nhỏ khi sử dụng loại dán chống nôn ói. (Ảnh minh hoạ).
Theo BS Khanh, việc cha mẹ cho con sử dụng miếng dán chống ói khi đi tàu xe mà thiếu hiểu biết có một phần trách nhiệm của người bán trong việc hướng dẫn phụ huynh trước khi sử dụng.
Bởi loại miếng dán này có chỉ định không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Thậm chí người lớn nếu hay gặp dị ứng cũng có thể lãnh hậu quả khi sử dụng loại miếng dán này. Nếu nhập viện khi miếng dán đã tháo ra, BS điều trị nếu không tìm hiểu rõ bệnh cảnh có thể nhầm lẫn những triệu chứng của trẻ là do viêm não gây ra.
Người lớn cũng có thể bị tác dụng phụ nếu sử dụng miếng dán chống ói.
"Những tác dụng phụ thường gặp ở trẻ là hoảng loạn, gặp ác mộng, chóng mặt, mất phương hướng, tim đập nhanh, rối loạn tâm thần, nói sảng.
Điều trị có thể khỏi nhưng không nên vì sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ. Nếu lạm dụng quá mức, trẻ cũng có thể hôn mê dẫn đến ngưng thở" – BS Khanh cảnh báo.
Ghi nhận của phóng viên tại một số nhà thuốc, loại miếng dán say tàu xe khá phổ biến và rất dễ mua, có giá dao động từ 15.000 – 25.000 đồng. Theo tìm hiểu, miếng dán chống nôn tác dụng xuyên qua có chứa scopolamin.
Loại thuốc này ngoài chống nôn mửa còn có tác dụng chống co thắt cơ, nhưng lại có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, rối loạn điều tiết mắt cũng như ảnh hưởng đến thần kinh.
Những loại dán chống ói bán phổ biến tại các nhà thuốc.
Một loại miếng dán ghi dùng cho trẻ sơ sinh
Ngoài ra theo BS Khanh, miếng dán cũng chống chỉ định cho người mắc bệnh về gan, thận, phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy vậy, nhiều người mang tâm lý sợ thuốc, nghĩ dán sẽ có tác dụng dài trong suốt cả chuyến đi nên vẫn ưa dùng.
BS Trương Hữu Khanh cảnh báo nguy cơ khi sử dụng miếng dán ống ói cho trẻ dưới 12 tuổi.
BS Khanh khuyên phụ huynh, khi trẻ bị say xe hãy ưu tiên dùng các biện pháp dân gian trước. Cụ thể, trước khi lên xe không cho trẻ ăn quá no, cũng không để quá đói.
Khi lên xe đừng bao giờ nhắc chuyện say xe, ngồi chỗ tránh gió lùa, cho bé sinh hoạt như bình thường để quên đi chuyện nôn ói. Ngoài ra, một cách khác nữa là dùng gừng xoa hai bên mang tai trẻ.
"Chỉ khi nào trẻ khó chịu quá mới dùng thuốc hoặc dùng đến miếng dán nhưng phải tìm hiểu thật kỹ cách sử dụng. Say xe không phải bệnh mà là tật và có thể thay đổi theo thời gian" – BS Khanh giải thích.