"Mơ" một ngày được cùng Nga "kề vai sát cánh" chống Iran, Mỹ hãy cứ đợi ông Putin "ngẫm nghĩ"?

Quốc Vinh |

Giấc mơ của Mỹ về một ngày được cùng Nga gây áp lực lên Iran đã không thành theo thời gian, nhưng giờ đây Tổng thống Trump đang có cơ hội để thử lại một lần nữa.

Suốt nửa năm đầu lên nắm quyền lãnh đạo, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tích cực vun đắp một ý tưởng dường như chỉ có trong "giấc mơ". Đó là trong một điều kiện thích hợp nào đó, Mỹ sẽ đảo ngược được lập trường của Tổng thống Vladimir Putin và nhờ người Nga hỗ trợ các nỗ lực nhằm gây áp lực với Iran.

Tuy nhiên, giấc mơ đó đã "xì hơi" theo thời gian, bị trật bánh bởi mối quan hệ chiến lược lâu dài và tự nhiên giữa Moscow và Tehran, cũng như sự hợp tác quân sự chặt chẽ của hai nước trong mục tiêu hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Vài năm trở lại đây, quan hệ cả hai ngày càng trở nên sâu sắc hơn tại quốc gia Trung Đông.

Mặc dù vậy - ở thời điểm hiện tại - ý tưởng của Washington dường như đã xuất hiện trở lại, chuyên gia Ilan Berman, Phó Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, nhận định trên Radio Farda.

Nhà Trắng dường như tin rằng – trong thời điểm cuộc nội chiến ở Syria đã kết thúc như ý muốn - Moscow có thể chuyển sang xu hướng giúp Washington kiềm chế các hoạt động có nguy cơ gây hại từ Iran và lấy lại dấu ấn chiến lược ở Syria, cũng như ở nhiều nơi khác.

Các quan chức chính quyền Trump được cho là đang lên kế hoạch mở lại cuộc thảo luận trong cuộc họp ba bên ở Israel vào cuối tháng 6, nơi họ sẽ sử dụng chương trình nghị sự về Syria để nói về mối quan hệ Nga-Iran ở quy mô lớn hơn.

Suy nghĩ này được thúc đẩy bởi những dấu hiệu ma sát mới trong quan hệ Nga-Iran. Cuối tháng trước, trong một động thái mang tính biểu tượng lớn, Nga đã từ chối yêu cầu của Iran trong việc mua hệ thống phòng không S-400, dường như lo lắng rằng việc Iran mua hệ thống tiên tiến này sẽ làm đảo lộn sự cân bằng địa chính trị ở Trung Đông và thúc đẩy xung đột lớn hơn.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, quyết định của Điện Kremlin là rất thực tế, mặc dù cho đến nay cả Nga và Iran đã bác bỏ các báo cáo về đề xuất mua S-400 nói trên.

"Bất kỳ sự tăng cường sức mạnh nào đến từ Iran dù là thực sự hay chỉ mới là ý tưởng cũng có thể dẫn đến leo thang. Nếu Nga thực sự từ chối yêu cầu đó của Iran, điều đó có nghĩa là Nga muốn tiếp tục làm việc với Saudi Arabia, Israel và giữ cơ hội đàm phán với chính quyền Trump", chuyên gia Ruslan Pukhov thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow, lưu ý.

Mơ một ngày được cùng Nga kề vai sát cánh chống Iran, Mỹ hãy cứ đợi ông Putin ngẫm nghĩ? - Ảnh 2.

Cơ hội để Nga nghĩ lại về vấn đề Iran là có khả năng nhưng rất nhỏ nhoi.

Các dấu hiệu khác về khả năng xoay trục của Nga cũng đã xuất hiện. Trong những tuần gần đây, đang có những yếu tố phát triển về một cuộc giằng co địa chính trị đang diễn ra giữa Moscow và Tehran về tương lai của Syria, nơi Nga coi chính quyền Damascus là một khách hàng lớn và Iran coi Tổng thống Assad là đối tác chiến lược quan trọng.

Như những gì đã diễn ra trên thực tế, các lực lượng Nga được cho là đã trục xuất các dân quân Shi'a thân Iran khỏi khu vực gần thành phố cảng Tartus, nơi Moscow duy trì sự hiện diện chính của hải quân.

Diễn biến mới đang được các nhà quan sát coi như một phần của cuộc đấu tranh giành vị trí dẫn đầu ảnh hưởng giữa hai nước ở Syria.

Tất cả những điều đó có thể khiến Điện Kremlin dễ dàng hơn khi cùng chung "con thuyền" với Nhà Trắng để phần nào đó chống lại Iran. Đó ít nhất là những gì Nhà Trắng dường như đang hy vọng.

Nhưng để có được câu nói "đồng ý" từ Tổng thống Putin liên quan đến vấn đề Iran có thể sẽ vô cùng khó khăn, chuyên gia Ilan Berman nhận định.

Sau tất cả, Moscow và Tehran đã là đối tác chiến lược trong nhiều thập kỷ. Mối quan hệ chính trị giữa cả hai đã trở lại từ thời Xô Viết và được củng cố trong một phần tư thế kỷ qua bởi mối quan hệ quốc phòng - công nghiệp đang phát triển, mối quan tâm chung trong việc kiềm chế chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở Trung Đông và Trung Á, bên cạnh nỗ lực chung để chống lại mục tiêu bá chủ của Mỹ trên trường quốc tế.

Những yếu tố này sẽ cực kỳ khó phá vỡ, bất chấp mọi bất đồng về chiến thuật hiện đang được hiển hiện ở Syria.

Mặc dù vậy, rõ ràng là Nga - hiện đang tham gia sâu vào Trung Đông hơn bất cứ thời điểm nào kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh - đang nỗ lực nhiều hơn để cân bằng quan hệ đối tác chiến lược lịch sử với Iran với việc mở rộng liên hệ chính trị, kinh tế và chiến lược với các quốc gia khác trong khu vực – những nước vốn đang coi Tehran là mối đe dọa ngay trước ngưỡng cửa.

Với lý do này, các quan chức Mỹ đang nuôi dưỡng hy vọng về việc Điện Kremlin bắt đầu suy nghĩ lại mối quan hệ với chính quyền Iran dù rằng khả năng thành hiện thực là rất nhỏ nhoi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại