Ngày mai (12/6), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến Tehran trong chuyến thăm lịch sử Iran từ 12-14/6/2019 với sứ mệnh hòa giải để giảm căng thẳng giữa Tehran và Washington. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Iran kể từ 40 năm nay sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Ông Shinzo Abe sẽ có các cuộc gặp gỡ quan trọng với với các nhà lãnh đạo Iran, trong đó có Tổng thống Hassan Rouhani và Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei.
Các nhà quan sát chính trị hy vọng chuyến đi này sẽ là cơ hội làm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Tehran.
Bối cảnh chuyến thăm Tehran của Thủ tướng Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Tehran trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran cực kỳ căng thẳng, đẩy khu vực vùng Vịnh đến bờ vực của một cuộc chiến tranh, lôi kéo sự tham gia của nhiều nước.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA, tăng cường các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc cấm hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Cùng với các biện pháp trừng phạt này, Mỹ đã đưa một lực lượng quân sự lớn đến khu vực vùng Vịnh, đe dọa tấn công Iran.
Đáp lại Iran cũng đe dọa rút khỏi thỏa thuận JCPOA. Quốc hội Iran tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với nước Mỹ. Lực lượng vệ binh Hồi giáo (IRGC) tuyên bố sẽ đánh chìm tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tấn công vào các lợi ích của Mỹ ở khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Yomiuri Shimbun
Tổng thống Mỹ D. Trump thăm Nhật Bản (25-28/5/2019). Trong chuyến thăm này, một trong những chủ đề chính Tổng thống D. Trump và Thủ tướng Shinzo Abe đã trao đổi quan điểm là tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Ông Shinzo Abe đã đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Washington và Tehran. Trump ủng hộ ý tưởng của thủ tướng Shinzo Abe và bày tỏ mong muốn "chuyến thăm của Abe đến Tehran sẽ diễn ra càng sớm càng tốt".
Trump nói: "Tôi biết Nhật Bản có quan hệ rất tốt với Iran, Thủ tướng Abe đã nói với tôi về điều đó. Tôi nghĩ rằng Iran muốn bắt đầu một cuộc đối thoại, chúng tôi cũng muốn đối thoại. Tôi muốn xem tình hình sẽ phát triển như thế nào. Không ai muốn những điều khủng khiếp sẽ xảy ra. Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran. Tôi đã nói là Iran không được có vũ khí hạt nhân. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận. Iran có tiềm năng kinh tế rất lớn. Tôi không muốn làm tổn thương Iran chút nào."
Đây là những tín hiệu tích cực của Tổng thống D. Trump đối với Iran.
Trước đó, ngày 16/5/2019, Thủ tướng Sinzo Abe đã tiếp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến thăm Nhật Bản. Ông Shanzo Abe tỏ lo ngại về tình trạng căng thẳng gia tăng ở khu vực vùng Vịnh, mong muốn Iran tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân JCPOA, đồng thời khẳng định mong muốn duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Iran.
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm nước G-20 chiếm hơn 80% GDP toàn thế giới sẽ họp tại Osaka, Nhật Bản ngày 28-29/6/2019 để bàn các vấn đề mang tính chất toàn cầu và tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên.
Như vậy, có thể hiểu được rằng cả Mỹ và Iran đều chấp nhận vai trò trung gian hỏa giải của Nhật Bản.
Tại sao Nhật Bản muốn làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran?
Mối quan hệ của Nhật Bản với Iran, một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới là hết sức quan trọng vì nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc hầu như toàn bộ vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu.
Trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Iran từng cung cấp cho Nhật Bản 515.000 thùng/ngày, chiếm 12,5% nhu cầu dầu thô của Tokyo. Trong khi Mỹ trừng phạt Iran, Nhật Bản vẫn được nhập 136 ngàn thùng/ngày theo quy chế miễn trừ của Mỹ. Riêng từ tháng 1 đến tháng 3/2019, Nhật Bản đã nhập 515 triệu thùng dầu của Iran. Iran vẫn là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 5 cho Nhật Bản. Tuy nhiên, từ tháng 5/2019, Mỹ đã chấm dứt quy chế miễn trừ này, gây khó khăn hết sức to lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.
Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 2 ở Viễn Đông sau Trung Quốc với kim ngạch hai chiều lên tới 14 tỷ USD. Nhật Bản cũng đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Iran. Việc duy trì Thỏa thuận hạt nhân JCPOA, giảm bớt căng thẳng quan hệ Washington-Tehran, Nhật Bản hy vọng sẽ có điều kiện thuận lợi trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Iran.
Ngoài Iran, Nhật Bản còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt từ các nước vùng Vịnh, trước hết là Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Một cuộc chiến tranh bùng nổ sẽ không chỉ giới hạn giữa Mỹ và Iran mà sẽ lan rộng ra toàn bộ khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP
Nguồn cung cấp năng lượng từ khu vực này bị gián đoạn sẽ đẩy nền kinh tế Nhật Bản vốn đang gặp nhiều khó khăn vào khủng hoảng không thể lường trước được. Những căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Iran có thể gây ra những cú sốc lớn cho toàn Trung Đông và làm tăng đáng kể giá dầu trên thị trường quốc tế. Đối với Nhật Bản, nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp dầu, đây sẽ là một cú đánh nặng nề.
Về chính trị, các cố gắng hòa giải của Thủ tướng Shinzo Abe thành công sẽ nâng cao vị thế và uy tín của Nhật Bản trên trường quốc tế, đặc biệt trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 dẽ được tổ chức tại Osaka vào cuối tháng này.
Triển vọng chuyến thăm Tehran của Thủ tướng Shinzo Abe
Mọi người đều mong chuyến thăm Tehran và các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Shinzo Abe với các nhà lãnh đạo Iran sẽ đạt kết quả tích cực. Ngày 10/6, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nói, ông hy vọng chuyến thăm Tehran của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ làm giảm căng thẳng ở khu vực vùng Vịnh. Trong khi đó, ông Shinzo Abe muốn sử dụng các mối quan hệ tốt đẹp với Tehran để thuyết phục Iran duy trì Thỏa thuận hạt nhân.
Phía Iran đã nhiều lần tuyên bố, Iran chỉ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán sau khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và từ bỏ mọi sức ép đối với Iran. Phía Mỹ một mặt nói "sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán vô điều kiện" với Iran, nhưng mặt khác lại vừa áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành hóa dầu của Iran.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iran, Lãnh tụ tối cao Cách mạng Hồi giáo Iran Ayatollah Khamenei đã bác bỏ khả năng đàm phán với Mỹ và nhấn mạnh rằng Iran không thể bị lừa dối bởi những thủ đoạn chính trị như vậy.
Ông Hossein Mousavian, cựu nhà ngoại giao, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Iran và Trung Đông thuộc trường Đại học Princeton nói, thành công chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phụ thuộc vào các yếu tố sau:
Thứ nhất, bất cứ cuộc đàm phán nào cũng phải được tiến hành trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Các quốc gia khác, trong đó có Mỹ cần phải tôn trọng những nguyên tắc này trong quan hệ với Iran.
Thứ hai, các nước trong khu vực, các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần ủng hộ một giải pháp đa phương nhằm đảm bảo an ninh chung cho khu vực vùng Vịnh.
Việc Iran đề nghị ký một "Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau" là đi theo hướng này và có thể làm giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ, ngăn chặn được các hành động thù địch giữa Ả Rập Saudi và Iran, góp phần loại bỏ nguy cơ chiến tranh, cùng nhau xây dựng một nền tảng cho sự hợp tác khu vực.
Thứ ba, Tổng thống Trump phải đưa ra các quyết định của minh về Iran mà không chịu tác động của các thế lực cực đoan ở Mỹ cũng như của các nước có quan hệ thù địch với Iran, trước hết là Israel, Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Iran hết sức phức tạp, kéo dài 40 năm nay không dễ gì giải quyết một sớm một chiều. Sứ mệnh trung gian hòa giải của Thủ tướng Shinzo Abe mặc dù được nhiều người trông đợi, nhưng sẽ hết sức khó khăn. Quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Washington và Tehran.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.