Các chi tiết cuối cùng của kế hoạch triển khai thêm quân đến Ba Lan hôm qua (11/6) vẫn đang được xem xét. Tuy nhiên, quyết định mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ba Lan được đưa ra vài tháng sau khi giới lãnh đạo Ba Lan tích cực vận động Mỹ thiết lập một căn cứ quân sự cố định của nước này trên lãnh thổ Ba Lan.
Giới chức Mỹ hôm qua cho biết, thỏa thuận sơ bộ ban đầu giữa Mỹ và Ba Lan là tránh việc thiết lập bất kỳ căn cứ cố định nào hay triển khai lực lượng quân sự cố định nào của Mỹ ở quốc gia Đông Âu mà thay vào đó là triển khai một đội quân luân phiên. Hiện có khoảng 4.500 binh sĩ Mỹ đóng quân ở trong và ngoài lãnh thổ Ba Lan trên cơ sở luân phiên định kỳ.
Kế hoạch mới của Mỹ còn bao gồm việc thiết lập một trung tâm huấn luyện chiến đấu mới ở Drawsko Pomorskie và nhiều cơ sở chức năng khác trong tương lai. Theo giới chức Mỹ, những chiếc máy bay không người lái Reaper sẽ được sử dụng để cung cấp thông tin tình báo tốt hơn cho Ba Lan. Mỹ cũng mong đợi sẽ thiết lập một đại bản doanh quân sự ở đó.
Thông báo về kế hoạch quân sự mới của Mỹ ở Ba Lan dự kiến sẽ được công bố trong ngày hôm nay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda ở Nhà Trắng. Một cố vấn của ông Duda tiết lộ, các cuộc đàm phán về vấn đề tăng cường sự hiện diện của quân lính Mỹ ở Ba Lan đã diễn ra thành công.
Hồi đầu năm nay, giới lãnh đạo Ba Lan từng phát biểu, sẽ là điều lý tưởng nếu Mỹ xây dựng một căn cứ cố định ở Ba Lan và gọi nó là "Pháo đài Trump." Tuy nhiên, tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ thông qua các hoạt động triển khai luân phiên định kỳ luôn được xem là động thái mang tính thực tế hơn.
Một số nước láng giềng của Nga, đặc biệt là Ba Lan, trong những năm gần đây đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự đồng thời cũng liên tục mời gọi, thúc giục Mỹ và NATO triển khai quân và vũ khí đến lãnh thổ của họ. Nguyên nhân là do các nước Baltic và Ba Lan được cho là đang bị ám ảnh về cái gọi là mối đe dọa từ Nga. Họ liên tiếp kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực để giúp họ bảo vệ đất nước trước viễn cảnh "một cuộc xâm lược" từ Nga.
Các nước phương Tây được cho là đang thổi phồng mối đe dọa mang tên Nga để lấy cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu - khu vực vốn được coi là sân sau của Moscow.
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.