Lời khuyên giúp bạn thức tỉnh: ĂN SẠCH thôi chưa đủ, hãy NGỦ SẠCH để ngừa mọi bệnh tật

Hoàng Hương |

"Ăn được ngủ được là tiên'. Rõ ràng, con người phải chú trọng 2 nhu cầu thiết yếu này. Tuy nhiên, hiện nay mọi người thường quan tâm đến "ăn sạch" nhưng ít ai để ý đến "ngủ sạch".

Năm 2016 đã chứng kiến sự lên ngôi của xu hướng "ăn sạch" (clean eating), tức là chọn và sử dụng những loại thực phẩm an toàn cho sức khỏe; ăn các thực phẩm ít qua chế biến, càng gần với bản chất tự nhiên của chúng càng tốt.

Còn năm nay trào lưu "ngủ sạch" (clean sleeping) được dự đoán là xu hướng sức khỏe lớn nhất trong năm.

"Ngủ sạch" - xu hướng sức khỏe năm 2017

Lời khuyên giúp bạn thức tỉnh: ĂN SẠCH thôi chưa đủ, hãy NGỦ SẠCH để ngừa mọi bệnh tật - Ảnh 1.

Gwyneth Paltrow khởi xướng xu hướng "ngủ sạch".

Nữ diễn viên Gwyneth Paltrow đã khởi xướng trào lưu "ngủ sạch" nhấn mạnh rằng một giấc ngủ ngon sẽ mang lại nhiều điều bất ngờ cho sức khỏe cũng như trí óc của bạn.

Sức mạnh đến từ vài giờ trong giấc ngủ đêm có thể giúp bạn giải tỏa những căng thẳng và mệt mỏi đã trải qua trong ngày.

Khái niệm "ngủ sạch" lại vô cùng đơn giản, không hề phức tạp như "ăn sạch". Với Gwyneth Paltrow, mấu chốt của "ngủ sạch" là ngủ đủ 8 tiếng.

Thay vì thức khuya để hoàn thành nốt công việc, "ngủ sạch" khiến bạn phải nghỉ ngơi trước tiên, đi ngủ sớm và sẽ giải quyết mọi việc vào sáng sớm hôm sau.

"Tôi đang theo một lối sống lành mạnh nhưng không chỉ là ăn sạch mà còn phải ngủ sạch. Bạn nên ngủ tối thiểu 7-8 tiếng thật ngon.

Giấc ngủ đóng vai trò to lớn trong việc xác định sự thèm ăn và mức năng lượng của bạn. Tôi tin nó là ưu tiên số 1, thậm chí trước khi bạn nghĩ tới chế độ ăn uống", ngôi sao hạng A của Hollywood khẳng định.

Nếu luôn cảm thấy lo âu, khó chịu, trí nhớ giảm sút thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang không có một giấc ngủ "sạch".

Gwyneth Paltrow còn chỉ ra 1 vấn đề rằng khoa học đã chứng minh chất lượng giấc ngủ kém có thể mang lại những hậu quả tiêu cực tới cuộc sống của chính mình.

Ngoài gây ra những vấn đề dễ thấy như tăng cân, tâm trạng nặng nề, giấc ngủ không ngon còn khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, não hoạt động kém và bệnh tật tấn công.

Lời khuyên giúp bạn thức tỉnh: ĂN SẠCH thôi chưa đủ, hãy NGỦ SẠCH để ngừa mọi bệnh tật - Ảnh 2.

Các nhà khoa học nói gì về "ngủ sạch"?

Đồng quan điểm với ngôi sao Gwyneth Paltrow, các chuyên gia về lối sống cũng đang khuyến khích xu hướng "ngủ sạch" và đưa ra những dẫn chứng vì sao nó quan trọng không thua gì "ăn sạch".

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu ngủ có thể thay đổi hóc-môn của chúng ta, gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe và tinh thần.

Việc thiếu ngủ có thể làm gián đoạn sự trao đổi chất, từ đó dẫn đến sự mất cân bằng hóc-môn và khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, căng thẳng tăng cao và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Tiến sĩ Lefkowitz, một chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng và hóc-môn của Mỹ giải thích rằng sự mệt mỏi và căng thẳng kích thích hóc-môn cortisol và insulin, làm cho cơ thể tích tụ chất béo. Sự căng thẳng cũng làm giảm glucagon, hóc-môn hướng dẫn cơ thể đốt cháy chất béo.

Còn theo tiến sĩ Robert Oexman thuộc Viện nghiên cứu Giấc ngủ (Mỹ), ngủ ngon có vai trò rất quan trọng giúp tinh thần tỉnh táo, duy trì chức năng miễn dịch và chống lại bệnh tật.

Bởi khi chúng ta ngủ, não bộ giải phóng hoóc-môn tăng trưởng ở người (HGH) vào máu, kích hoạt cơ chế phục hồi cơ bắp cũng như hệ thống giải độc não gọi là glymphatic để đào thải các chất độc hại.

Dưới đây là 5 nguyên tắc để "ngủ sạch"

1. Ngủ ít nhất 8 tiếng/đêm:

Theo tiến sĩ Laura Lefkowitz, 9 tiếng là một con số kỳ diệu, khi đó giấc ngủ đủ giúp cơ thể thải độc và tái tạo năng lượng.

Ngoài ra, thiếu ngủ dẫn tới stress còn làm giảm lượng hoóc-môn giúp cơ thể đốt cháy mỡ và điều chỉnh đường huyết gọi là glucagon.

Các chuyên gia cảnh báo rằng một hậu quả khác của thiếu ngủ khiến hóc-môn ghrelin, một yếu tố kích thích sự thèm ăn hoạt động quá mức và rằng ngủ ít hơn 8 tiếng/đêm có thể khiến bạn tiêu thụ thêm 385 calo/ngày.

2. Ngủ từ 10 giờ tối

Sau thời điểm 10 giờ tối là khoảng thời gian mà các cơ quan trong cơ thể của bạn giảm sự hoạt động và thiên về tráng thái nghỉ ngơi. Đặc biệt, từ 22h-24h là khung giờ để cơ thể thực hiện chức năng phục hồi tốt nhất. Và bạn có thể thức dậy vào lúc 6h hoặc 7h sáng hôm sau.

3. Hạn chế tiêu thụ caffein cuối ngày

Bạn nên hạn chế ăn quá muộn hoặc tiêu thụ đồ uống chứa caffein vào cuối ngày, vì thói quen này có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến bạn ngủ không ngon giấc.

Không ăn sau 8 giờ tối sẽ hỗ trợ sức khỏe đường ruột và tuyến thượng thận vốn tiết ra hoóc-môn cân bằng cơ thể và giảm căng thẳng.

4. Tranh thủ tập thể dục

Thời điểm lý tưởng tập thể dục là vào buổi sáng hoặc buổi trưa, lúc đó sẽ giúp điều chỉnh và ổn định nhịp sinh học của cơ thể. Nếu không tập được 2 khung giờ trên, bạn nên tranh thủ vận động trước giờ đi ngủ tối thiểu 3 tiếng (khoảng 18 hoặc 19 giờ).

5. Không đưa công việc vào phòng ngủ

Đừng để điện thoại ngay cạnh giường ngủ, các chuyên gia luôn khuyến cáo như vậy. Bởi như thế, công việc hay những thú vui giải trí như lướt facebook, đọc báo... chiếm hết thời gian ngủ.

Đặc biệt, ánh sáng phát ra từ điện thoại có thể ức chế não tiết ra melatonin – hoóc-môn giúp buồn ngủ và ngủ ngon.

Lời khuyên giúp bạn thức tỉnh: ĂN SẠCH thôi chưa đủ, hãy NGỦ SẠCH để ngừa mọi bệnh tật - Ảnh 3.

Các chuyên gia khuyến cáo dấu hiệu bạn không "ngủ sạch" là luôn cảm thấy khó chịu, chán nản, lo lắng, mất tinh thần và có xu hướng tăng cân.

Tiến sĩ Nerina Ramalakhan, một chuyên gia về giấc ngủ cho biết chỉ cần áp dụng chế độ "ngủ sạch" trong 7-10 ngày, mọi người sẽ nhanh chóng nhận ra những thay đổi sức khỏe tích cực như ngủ sâu hơn, tinh thần sảng khoái và tràn đầy năng lượng.

* Tổng hợp từ Yahoo, Daily Mail, Womenshealthmag

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại