Bác sĩ CKI Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho biết cây rau đay có tên khoa học là Corchorus olitorius, được xếp vào họ Đay (Tiliaceae). Đây là loại rau ăn lá, được trồng và thu hoạch quanh năm. Rau đay ở nước ta hiện có hai loại: một loại thân màu xanh (gọi là rau đay trắng) và một loại thân màu đỏ tím (gọi là rau đay đỏ).
Rau đay là loại rau quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Đặc trưng của rau đay là tính nhớt, do đó nhiều người không thích ăn. Tuy nhiên, rau đay không chỉ là món thực phẩm bổ dưỡng, ngon miệng mà còn chứa đựng những công dụng tốt cho sức khỏe.
Rau đay được nhiều nước sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Theo tài liệu nghiên cứu, lá cây rau đay quả dài được dùng làm thuốc bổ, an thần, lợi tiểu; hạt làm thuốc chữa táo bón. GS.TS Đỗ Tất Lợi cũng từng chia sẻ, tại Ấn Độ, người ta dùng lá rau đay làm thuốc bổ; hay tại Malaysia, người ta sử dụng lá rau đay để chữa bệnh kiết lỵ và chữa ho ở trẻ em...
Canh rau đay nấu tôm (Ảnh: Internet)
Cũng theo sách Nam dược thần hiệu, rau và hạt đay đều có tính lạnh, không độc, có công hiệu làm tiêu đàm, xọp phù thũng, ngừng hen suyễn, thông kinh nguyệt…
Bác sĩ Thuỷ cho biết, rau đay, theo y học cổ truyền, là loại rau có vị ngọt, tính chất thiên về hàn lương. Trong Đông Y, rau đay có tác dụng tẩm bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi hô hấp, tiêu đờm, kháng viêm, cầm máu, lợi sữa và an thai.
Trong các sách cổ phương có ghi, rau đay có thể được dùng làm thuốc với tác dụng chữa trúng nắng, phòng ngừa say nắng, trị táo bón, bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu ra máu, chữa ho ra máu, nôn ra máu. Với bà mẹ mang thai và cho con bú, các món ăn có rau đay có tác dụng an thai và lợi sữa, giúp sữa về nhiều hơn và nhanh hơn.
"Các nghiên cứu hiện đại về thực vật học đã chỉ ra dược tính học cho thấy rằng rau đay là loại rau tương đối giàu chất dinh dưỡng.Cứ 100g rau đay có thể chứa các dưỡng chất sau: Sắt 3140 mg, Leucine 306 mg, Threonine và Lysine: 144 mg, Methionine: 51 mg, Vitamin C: 33 mg và một số vi chất khác (< 1mg) như Vitamin K, Vitamin B6, Vitamin A, Đồng, Polysaccharid, Sucrose, Inositol…", bác sĩ Thuỷ chia sẻ.
Với những chất dinh dưỡng như vậy, rau đay rất tốt cho trẻ em, bà mẹ mang thai, bà mẹ sau sinh, những bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt. Dân gian còn ví rau đay bổ chẳng khác gì "sâm" cho người nghèo.
Bác sĩ Thuỷ cho biết, rau đay có chất nhớt rất nhiều, là một dạng chất tự nhiên chống lại các triệu chứng táo bón. Chất nhớt này có tác dụng làm kích thích nhu động ruột và bôi trơn đường ruột giúp hỗ trợ tiêu hoá để thức ăn dễ di chuyển xuống đại tràng. Nếu ăn rau đay, việc đi đại tiện dễ dàng và đều đặn hơn.
Ngoài ra, do rau đay còn chứa nhiều chất Polysaccharid có khả năng ngăn ngừa ứ đọng phân và tăng chuyển động đường ruột, Sucrose và Inositol giúp tạo khối và làm mềm phân. Đây là yếu tố góp phần giúp bạn dễ đi đại tiện.
Một số món ăn, bài thuốc từ rau đay
Theo bác sĩ Thuỷ, rau đay không chỉ là loại rau giàu dinh dưỡng mà còn được dùng làm thuốc tốt cho sức khoẻ. Một số món ăn, bài thuốc từ rau đay có thể kể tới như:
Canh rau đay nấu cua đồng hoặc canh rau đay nấu tôm: Giúp trị nóng trong, táo bón, nhiệt miệng, giải nhiệt mùa hè. Có thể kết hợp nấu canh rau đay với mướp, mồng tơi, củ khoai sọ… ăn vài ngày liền sẽ thấy hiệu quả.
Lợi sữa ở phụ nữ sau sinh: Nhờ chứa nhiều nước, các vitamin và khoáng chất, rau đay giúp kích thích tuyến vú tiết ra nhiều sữa hơn. Phụ nữ sau sinh muốn có nguồn sữa dồi dào dùng rau đay nấu với tôm, cua đồng hoặc luộc ăn cả nước lẫn cái đều mang lại những lợi ích tương tự. Hái 100g rau đay nấu canh ăn hoặc sắc nước uống vài lần trong ngày. Nên dùng khi còn ấm.