Lép vế trước TQ trong một lĩnh vực, Nhật Bản ra sức chuẩn bị cả thập kỉ, chờ ngày Bắc Kinh "động thủ"

Thúy |

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Tokyo lo ngại về khả năng xảy ra bất đồng ngoại giao với Bắc Kinh dẫn tới lệnh cấm vận xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản.

Nhật Bản phụ thuộc đất hiếm nhập từ Trung Quốc

Nhật Bản phụ thuộc vào việc nhập khẩu 34 loại khoáng sản đất hiếm từ Trung Quốc, bao gồm cả terbi, europi, yttri và liti.

Tờ Yomiuri (Nhật Bản) đưa tin, nhu cầu đối với những vật liệu này dự kiến sẽ còn tăng mạnh khi nhu cầu về xe điện và các đồ công nghệ khác trên toàn cầu tăng. Tokyo đang đặt mục tiêu để đảm bảo rằng mình vẫn là nước dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ.

Hiện tại, Trung Quốc đáp ứng 58% lượng nhập khẩu kim loại hiếm sang Nhật Bản, cùng với đó, Bắc Kinh cũng nhanh chóng đạt được thỏa thuận với các chính phủ khác để tiếp cận được các nguồn tài nguyên thiên nhiên bên ngoài khu vực.

Ví dụ, Congo là nước sản xuất coban lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Congo và 60% coban khai thác được ở nước này sẽ được chuyển đến Trung Quốc để chế biến.

"Phụ thuộc vào Trung Quốc là một điều khá nhạy cảm đối với Nhật Bản và giờ đây, chúng tôi còn đang chứng kiến sự gián đoạn của chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19. Ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực," Ivan Tselichtchev, Giáo sư tại Đại học Quản lý Niigata nói với SCMP.

Lép vế trước TQ trong một lĩnh vực, Nhật Bản ra sức chuẩn bị cả thập kỉ, chờ ngày Bắc Kinh động thủ - Ảnh 1.

Nam châm làm từ đất hiếm đã qua xử lý ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Giáo sư Ivan bổ sung, "Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã nỗ lực trong việc phát triển các vật liệu thay thế để giảm sự phụ thuộc và nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng điều đó cần có thời gian, và đó là điều đáng ngại lúc này."

"Chúng tôi đã chứng kiến Trung Quốc cố gắng sử dụng xuất khẩu như một công cụ ngoại giao để gây áp lực ngầm lên các đối tác của mình," ông chỉ ra.

E ngại Bắc Kinh gây áp lực bằng xuất khẩu

SCMP cho rằng Trung Quốc có thể đã sử dụng việc xuất khẩu đất hiếm để gây bất lợi cho Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo dữ liệu từ hải quan, lượng đất hiếm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ giảm 16% trong tháng 5/2019 so với tháng 4. Mỹ là đối tác nhập khẩu đất hiếm lớn nhất với 59% sản lượng nhập khẩu mặt hàng này đến từ Trung Quốc.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 7, lượng xuất khẩu đất hiếm của nước này giảm khoảng 44% so với tháng 6.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, lượng xuất khẩu giảm là do dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng có thể là kết quả của những căng thẳng giữa hai quốc gia Mỹ - Trung Quốc.

Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, vào tháng 7, Trung Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hãng chế tạo hàng không và quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Các lệnh trừng phạt có thể sẽ bao gồm cắt giảm nguồn cung cấp nhiên liệu trong đó có đất hiếm - vốn rất quan trọng trong việc sản xuất vũ khí.

Yoichi Shimada, giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học tỉnh Fukui, Nhật Bản, cho rằng Bắc Kinh có lẽ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm xuất khẩu như một hình thức ngoại giao.

"Tôi tin rằng Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ lập trường của Thủ tướng [Shinzo] Abe nhằm đảm bảo tất cả các loại nguyên liệu chiến lược của nước mình. Điều này cũng phù hợp với các hành động tương tự của Mỹ trong việc dự trữ nguyên liệu. Nhật Bản đang hỗ trợ những đồng minh của mình."

Lép vế trước TQ trong một lĩnh vực, Nhật Bản ra sức chuẩn bị cả thập kỉ, chờ ngày Bắc Kinh động thủ - Ảnh 3.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Nỗ lực của Nhật Bản

Vào năm 2010, sau những căng thẳng trên vùng biển Hoa Đông, tờ New York Times (Mỹ) có đăng tải thông tin liên quan đến việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Thông tin này sau đó đã được Bộ Thương mại Trung Quốc phủ nhận.

Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal cho rằng từ lúc đó, Nhật Bản đã bắt đầu tìm kiếm nguồn đất hiếm của riêng mình để tránh sự phụ thuộc rất lớn vào công xưởng sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới - Trung Quốc.

Theo SCMP, vào tháng 3/2020, Nhật Bản công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về khoáng sản đất hiếm và đa dạng hóa các nguồn cung cấp.

Chính phủ Nhật đang tiến tới tăng dự trữ đất hiếm và sẽ giúp các công ty trong nước có được cổ phần tại các mỏ khoáng sản nước ngoài. Theo kế hoạch mới, kho dự trữ chiến lược của hầu hết các loại khoáng sản này đang được mở rộng để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước từ 60 ngày lên 180 ngày.

Bên cạnh đó, Tokyo cũng tăng khả năng xử lý các nguyên liệu thô thành các khoáng chất có giá trị cần thiết cho công nghệ.

Cũng theo kế hoạch của chính phủ Nhật Bản, Tổng công ty Dầu khí và Kim loại quốc gia sẽ hỗ trợ cho các công ty muốn sở hữu các nhà máy lọc dầu đã có sẵn hoặc muốn xây dựng những cơ sở lọc dầu riêng. Đồng thời, hỗ trợ các công ty muốn đầu tư trong các hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ngoài.

Chính phủ Nhật Bản cũng tích cực đầu tư vào việc tìm kiếm các khoáng chất đất hiếm tại các vùng biển ngoài khơi của nước này. Vào cuối năm 2018, các nhà khoa học từ Đại học Tokyo và Viện Khoa học Trái đất và Đại dương công bố một khu vực chứa hàng triệu tấn đất hiếm ở đáy biển cách Tokyo 2.000km về phía Nam.

Các nhà nghiên cứu xác định được một dải đất rộng 400km2 dưới đáy biển, ước tính chứa 16 triệu tấn oxit đất hiếm, với nguồn cung cấp các chất liệu quý có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước trong hàng vài trăm năm.

Tuy nhiên theo các nhà quan sát, việc khai thác đất hiếm từ đáy đại dương là công việc đắt đỏ và Nhật Bản vẫn sẽ không tránh khỏi việc phụ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm trong vài năm tới.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại