Trung Quốc "giơ cao đánh khẽ"?
Lockheed Martin, nhà thầu vũ khí lớn nhất thế giới, là công ty Mỹ đầu tiên mà chính phủ Trung Quốc chính thức nhắm tới trừng phạt kể từ khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, Bắc Kinh không công bố chi tiết lệnh trừng phạt.
Việc gọi tên Lockheed Martin đánh dấu một bước xa hơn trong chính sách trừng phạt thận trọng các doanh nghiệp Mỹ mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích của mình.
Hơn một năm sau khi Bắc Kinh cảnh cáo rằng họ đang lập Danh sách các tổ chức không đáng tin cậy có hành động gây tổn hại cho Trung Quốc - phản ứng với Danh sách tương tự của Bộ Thương mại Mỹ, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố những doanh nghiệp nước ngoài nào sẽ nằm trong danh sách hoặc những hình phạt nào họ sẽ phải đối mặt.
Phương tiện truyền thông nhà nước, trong đó có Thời báo Hoàn cầu, năm ngoái tiết lộ, Honeywell, Oshkosh, General Dynamics và công ty con của Gulfstream Aerospace đang bị nhắm đến. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa xác nhận chính thức danh sách này.
Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi một thông điệp cho một nhóm các nhà điều hành đa quốc gia, cam kết rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi các cải cách cần thiết và sẽ mở cửa thị trường trong nước hơn nữa.
Điều này nhấn mạnh vấn đề nan giải của Bắc Kinh: nếu trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc có nguy cơ làm chệch dòng vốn đầu tư nước ngoài mà nước này dùng để giúp thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế thứ 2 thế giới tìm cách khắc phục thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Vì vậy, các biện pháp trừng phạt mà Bắc Kinh áp đặt lên các doanh nghiệp Mỹ, nếu có bất kỳ điều gì, dự kiến sẽ được nhắm mục tiêu và vừa phải, theo các nhà phân tích.
Trung Quốc không cân sức với Mỹ
Shi Yinhong, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân của Trung Quốc và là cố vấn cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nội các chính phủ, cho biết rất khó đoán những công ty nào khác mà Trung Quốc sẽ nhắm vào để trừng phạt sau Lockheed Martin, bởi vì hai cường quốc không ngang tài ngang sức khi đề cập đến kinh tế và công nghệ.
Thông báo về các biện pháp trừng phạt đối với Lockheed Martin là một phần trong các biện pháp trả đũa của Trung Quốc và nhằm chống lại các chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, ông Shi nói.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào trạng thái đóng băng trong một loạt các vấn đề, bao gồm chiến tranh thương mại, đại dịch COVID-19, vấn đề Biển Đông, luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông và bán vũ khí cho Đài Loan .
Bắc Kinh đã cố gắng để có biện pháp đáp trả phù hợp với đòn tấn công của Washington. Sau khi Mỹ cáo buộc 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc là gián điệp của chính phủ, Bắc Kinh đã trục xuất các phóng viên tòa soạn Mỹ thường trú tại Trung Quốc; và khi Mỹ trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc vì liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Trung Quốc cũng tuyên bố trừng phạt 4 quan chức và nghị sĩ Mỹ.
Nhưng trong lĩnh vực kinh doanh lại là một câu chuyện khác. Trung Quốc đang rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ để duy trì vị thế của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu và để cân bằng quan điểm của phe "diều hâu" ở Washington.
Các lệnh trừng phạt của Trung Quốc có thể được giảm nhẹ, như trường hợp của Boeing, một trong 2 nhà cung cấp máy bay chở khách chính cho các hãng hàng không Trung Quốc nhưng cũng là nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ.
Năm 2010, Trung Quốc tuyên bố sẽ xử phạt Boeing về việc liên quan đến thỏa thuận vũ khí với Đài Loan, cũng là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đưa ra một thông báo như vậy. Nhưng Boeing đã tiếp tục bán máy bay thương mại và hợp tác sâu rộng với ngành hàng không thương mại Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết, bất kỳ lệnh trừng phạt nào cũng sẽ gây ra tác dụng ngược vì Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các linh kiện nhập khẩu cho máy bay thương mại của họ.
Lockheed, giống như Boeing, có quan hệ thương mại trong khối dân sự rất mạnh mẽ với Trung Quốc. Vì điều này, việc giữ kín các chi tiết về lệnh trừng phạt là điều có lợi cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, một mặt khác là các công ty công nghệ Mỹ rất phụ thuộc vào Trung Quốc. Hãy nhìn vào Intel, Qualcomm và Nvidia, tất cả các công ty bán dẫn này. Hơn 50% doanh số của các công ty này đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc phải thực hiện một số hành động, nhưng họ cũng không muốn leo thang tình hình. Và bằng cách báo tín hiệu, Bắc Kinh có thể cho Washington một lý do để xem xét lại và ít thù địch hơn.