Nhật Bản lo ngại
Theo SCMP, Nhật Bản đang chuẩn bị đối phó với hàng chục tàu cá Trung Quốc đang tiến vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Nhật Bản cảnh báo rằng quân đội nước này đã sẵn sàng để đối phó với "mọi sự xâm nhập".
Nếu Bắc Kinh cho phép - hoặc khuyến khích - các tàu cá hoạt động tại vùng đảo Điếu Ngư (hay được phía Nhật Bản gọi là Senkaku), thì việc này sẽ làm gia tăng căng thẳng xoay quanh vấn đề chủ quyền tại khu vực này.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Tokyo sẽ có ít lựa chọn để đối phó với hơn 100 tàu cá, đặc biệt nếu các đoàn tàu này được hộ tống bởi các tàu tuần tra Trung Quốc.
Báo Sankei (Nhật Bản) cho biết Bắc Kinh đã tuyên bố với Tokyo rằng lệnh cấm tàu cá Trung Quốc hoạt động tại vùng biển tranh chấp sẽ hết hạn vào ngày 16/8. Bắc Kinh liên tục lên tiếng đòi chủ quyền tại quần đảo tranh chấp và các vùng biển xung quanh, nhấn mạnh rằng Nhật Bản không có quyền yêu cầu các tàu cá Trung Quốc dừng hoạt động.
Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono đáp trả vào ngày 4/8 trong buổi họp báo, cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã sẵn sàng để đối phó. Tuy nhiên, ông Taro Kono từ chối tiết lộ chi tiết về lực lượng và hành động mà Nhật Bản sẽ áp dụng để "đẩy lùi" đoàn tàu cá Trung Quốc.
Khi lệnh cấm đánh cá được Bắc Kinh gỡ bỏ hồi năm 2016, 72 tàu cá cùng 28 tàu của chính quyền Trung Quốc đã hoạt động ở vùng biển quanh quần đảo tranh chấp trong 4 ngày liên tiếp.
Tàu tuần tra Trung Quốc cũng liên tục gây áp lực ở vùng biển trong 18 tháng qua, tiến vào biển thuộc lãnh hải Nhật Bản hoặc cố ý đi dọc vùng biên giới biển quanh các quần đảo tranh chấp và từ chối rút lui. Gần đây, tàu Trung Quốc đã hiện diện ở khu vực 111 ngày liên tiếp trước khi rời đi để tránh bão.
Trung Quốc áp đảo
Garren Mulloy - giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunkyo. chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh khu vực - nhận định: "Rất có khả năng Trung Quốc đang cố gắng sử dụng các tàu tuần tra của mình để thay thế lực lượng của Nhật Bản, cả về khả năng kiểm soát lẫn bảo vệ tàu khác. Điều đó có nghĩa rằng tàu Trung Quốc có thể chiếm quyền hoạt động quanh quần đảo tranh chấp và qua đó tìm cách đòi hỏi chủ quyền. Đây là điều nghiêm trọng và là ác mộng mà Nhật Bản cần phải giải quyết".
Ông Mulloy nói lực lượng tuần duyên Nhật Bản đang hoạt động quá tải.
Nhiều đơn vị được cử tới miền bắc để giám sát hoạt động của Nga, nhiều tàu khác hoạt động ở biển Nhật Bản để quan sát tàu cá Triều Tiên trong khi các vùng biển khác của Nhật Bản cũng cần có sự hiện diện của tàu tuần duyên.
Trung Quốc - với số lượng tàu và lực lượng áp đảo - hiểu rõ những hạn chế đó và đang khai thác điểm yếu của Nhật Bản.
"Tàu tuần duyên Nhật Bản có thể đối phó với vài chục tàu cá Trung Quốc. Nhưng nếu có hơn 200 tàu cùng với tàu hộ tống, thì tàu Nhật Bản sẽ khó có thể làm gì nhiều," ông Mulloy nói.
Akitoshi Miyashita, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Tokyo, cho biết mặc dù Nhật Bản có thể giám sát mọi sự xâm nhập nhưng khó có thể buộc các tàu mang cờ nước ngoài rời khỏi lãnh hải.
Ông Miyashita nhận định: “Theo những gì tôi thấy, ngay cả SDF cũng gặp khó khăn khi buộc một số lượng tàu đánh cá lớn như vậy tránh xa khỏi những vùng biển đó. Tấn công quân sự là điều không thể xảy ra, vậy nên điều tốt nhất Nhật Bản có thể làm là thể hiện sự cứng rắn và giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao với Trung Quốc".
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: