Sống trong "chung cư nghĩa địa", các "thượng đế" có thể khởi kiện

Phương Nhi |

(Soha.vn) - LS Trương Quốc Hoè cho biết: Cư dân The Manor có quyền yêu cầu thanh tra quỹ bảo trì của toà nhà, nếu chủ đầu tư Bitexco sử dụng sai mục đích có thể kiện ra toà.

>>> Thiếu hiểu biết, cư dân "Paris trong lòng Hà Nội" bị Bitexco lừa?
>>> Sự “đổ nát” đến hoang tàn tại chung cư cao cấp The Manor
>>> “Paris trong lòng Hà Nội” sau 7 năm đã “tối tăm như nghĩa địa”
>>> Các “thượng đế” chung cư cao cấp The Manor lại kêu cứu

Bỏ tiền tỷ ra để mua căn hộ chung cư cao cấp tại The Manor (Mễ Trì, Hà Nội), tuy nhiên, sau 7 năm đi vào hoạt động, đến nay, hệ thống kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị của toà nhà này, do không được bảo trì, bảo dưỡng đã xuống cấp trầm trọng, tăm tối như "nghĩa địa" khiến người dân vô cùng lo lắng.

Đơn cử như 19 thang máy tại toà nhà The Manor, sau khi kiểm tra, công ty Schindler Việt Nam, một công ty uy tín về lĩnh vực thang máy của Đức đã đánh giá: 7 thang máy đã có sự điều chỉnh sai sót tại bộ hãm thang máy khiến đĩa ma sát trong bộ hãm bị tổn hại, nhiều bảng điều khiển an toàn đã bị thay đổi, nối tắt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề an toàn và cần phải khắc phục ngay.

Mr.Brendan Usher, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Schindler cũng khuyến cáo: Tất cả các thang máy cần được lắp đặt hệ thống thanh trượt mới như ban đầu (bao gồm cả buồng thang máy và báo tải) vì việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng vận chuyển và tính an toàn cho người dân.

Dù sống trong khu chung cư "đổ nát" nhưng suốt 7 năm qua, người dân vẫn đều đặn nộp phí dịch vụ cho chủ đầu tư, năm 2007 – 2008 mức phí phải nộp là 16.000 đồng/m2 sau thỏa thuận xuống còn 4.000 đồng/m2. Tương tự, các năm sau đó dân tiếp tục đấu tranh vì mức phí dịch vụ cao và các năm đều được giảm, trong đó các năm như 2009 – 2012 thu tới 7.000 đồng/m2, năm 2011 – 2012 là 8.500 đồng/m2 và mới đây nhất, năm 2013 phí dịch vụ Bitexco thu của dân là 9.500 đồng/m2.

“Trước đó, Bitexco đã thu tiền phí bảo trì 2% giá trị hợp đồng của 58 hộ dân với tổng tiền là 5,2 tỷ đồng”, bà Nguyễn Nhung Hạnh – tổ trưởng tổ dân phố The Manor cho biết.

Sau khi chứng kiến sự xuống cấp của toà nhà, nhiều cư dân đã tỏ rõ sự bức xúc và đòi Bitexco trả lại số tiền 5,2 tỷ đồng tiền phí bảo trì trên. Lúc này, Bitexco hứa: Tháng 12/2013 sẽ trả 1 tỷ để chuyển vào quỹ bảo trì, tháng 1/2014 sẽ chuyển trả tiếp 1 tỷ nữa và tới tháng 6/2014 sẽ quyết toán hết khoản tiền này. Tuy nhiên, mãi tới tháng 3/2014, Bitexco mới hoàn trả cư dân 1 tỷ đồng và hiện tại không có động thái trả tiếp.

Nhiều thiết bị, máy móc trong toà nhà chung cư The Manor đã hoen rỉ,

Nhiều thiết bị, máy móc trong toà nhà chung cư The Manor đã hoen rỉ.

Bày tỏ quan điểm trước vụ việc này, Hãng luật PLF cho hay: Căn cứ Điều 51 Nghị định 71, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được quy định như sau:

a) Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng bán căn hộ kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì chủ đầu tư có trách nhiệm nộp các khoản kinh phí sau đây:

- Đối với diện tích nhà bán phải nộp 2% tiền bán, khoản tiền này được tính vào tiền bán căn hộ hoặc diện tích khác mà người mua phải trả và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán;

- Đối với phần diện tích nhà mà chủ đầu tư giữ lại, không bán (không tính phần diện tích thuộc sử dụng chung) thì chủ đầu tư phải nộp 2% giá trị của phần diện tích đó; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó.

b) Khoản kinh phí quy định tại điểm a khoản này được trích trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này) và được gửi vào ngân hàng thương mại do Ban quản trị nhà chung cư quản lý để phục vụ cho công tác bảo trì phần sở hữu chung theo quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư;

c) Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng bán căn hộ trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành mà chủ đầu tư chưa thu 2% tiền bán thì các chủ sở hữu căn hộ chung cư có trách nhiệm đóng góp khoản kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung. Kinh phí đóng góp chỉ được thu khi phát sinh công tác bảo trì và được xác định đối với từng công việc bảo trì cụ thể.

Trường hợp kinh phí bảo trì quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu. Trong trường hợp, nhà chung cư phải phá dỡ mà kinh phí bảo trì quy định tại khoản 1 Điều này chưa sử dụng hết thì được sử dụng để hỗ trợ tái định cư khi xây dựng lại nhà chung cư hoặc đưa vào quỹ bảo trì nhà chung cư sau khi xây dựng lại.

Luật sư Trương Quốc Hoè khuyên: Cư dân The Manor phải yêu cầu thanh tra quỹ bảo trì của toà nhà The Manor, xem quỹ này hoạt động thế nào phục vụ cho mục đích bảo trì trong suốt 7 năm qua.
Luật sư Trương Quốc Hoè khuyên: Cư dân The Manor phải yêu cầu thanh tra quỹ bảo trì của toà nhà The Manor, xem quỹ này hoạt động thế nào phục vụ cho mục đích bảo trì trong suốt 7 năm qua.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trương Quốc Hoè, trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội phân tích: Số tiền 5,2 tỷ đồng từ 2% giá trị hợp đồng, chủ đầu tư thu để lấy kinh phí bảo trì, nó thuộc vào quỹ của toà nhà để phục vụ cho đời sống của mọi người trong khu chung cư.

“Cư dân The Manor phải yêu cầu thanh tra quỹ này, xem quỹ này hoạt động thế nào phục vụ cho mục đích bảo trì trong suốt 7 năm qua. Trường hợp nếu quỹ này sử dụng sai mục đích hoặc quỹ này chưa hết, rõ ràng, trách nhiệm lỗi thuộc về người quản lý.

Có một điều đặc biệt là chủ đầu tư Bitexco đã thuê một công ty đứng ra quản lý hộ, cư dân cần xem lại mối quan hệ giữa Bitexco với công ty quản lý cũ Bình Minh Thăng Long như thế nào. Cần yêu cầu giải trình về việc sử dụng quỹ và việc Bitexco giao quyền cho công ty Bình Minh Thăng Long thực hiện nghĩa vụ của mình như thế nào. Nếu phát hiện sai phạm có thể kiện ra toà” - luật sư Trương Quốc Hoè nhấn mạnh.

Ngoài ra, để tránh những rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình sinh sống tại khu chung cư, luật sư Trương Quốc Hoè khuyên: Các vấn đề liên quan xung quanh việc mua nhà chung cư nằm trọn vẹn ở Nghị định 71 và thông tư hướng dẫn đối với việc quản lý toà nhà, người mua nhà chung cư trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán cần xem xét rõ quyền và lợi ích của mình, yêu cầu chủ đầu tư làm rõ các dịch vụ kèm theo.

“Theo Nghị định 71, người dân được phép trích 2% giá trị căn hộ khi bán để nộp vào tiền bảo trì, dịch vụ. Những gì thuộc vào 2% đó, dân đuợc hưởng, còn những dịch vụ khác, ban quản lý toà nhà phải thương thảo với cư dân. Tránh trường hợp như trường hợp tại khu chung cư Keangnam, xảy ra hiện tượng, công ty dịch vụ đẩy giá dịch vụ rất cao, yêu cầu dân đóng tiền theo gói dịch vụ đó, khi dân không đồng ý, cuối cùng họ đã phân hạng cư dân, đối xử khác nhau với mỗi đối tượng. Vì vậy, cư dân phải khôn khéo với việc lựa chọn gói dịch vụ nào để tránh mâu thuẫn không hay cho bản thân mình” - luật sư Hoè lưu ý.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại