Điều ít biết về tỷ phú với ước mơ đưa “Hoa hậu thế giới” về VN

Pha Lê |

Ít ai biết được rằng ông Hoàng Kiều chính là doanh nhân đầu tiên ấp ủ ước mơ mang cuộc thi Hoa hậu Thế giới đến Nha Trang.

>>> Triệu phú gốc Việt và sự thực về việc mua tháp Eiffel
>>> Chân dung “vua rác” gốc Việt vừa mất hợp đồng “khủng” trên đất Mỹ
>>> 2 thương vụ khiến Thị trưởng Phạm Đình Nguyên "nổi đình đám"

Theo thống kê của Forbes, kết thúc tuần giữa của tháng 9, ông Hoàng Kiều trở thành doanh nhân có tài sản tăng nhanh nhất trong danh sách của tạp chí này. Với 2,8 tỷ USD, ông Hoàng Kiều hiện là tỷ phú giàu thứ 633 thế giới.

Tài sản được thống kê của vị tỷ phú Mỹ gốc Việt này chủ yếu đến từ 183,6 triệu cổ phần (37%) của ông tại tập đoàn Shanghai RAAS.

Shanghai RAAS thực hiện IPO vào năm 2014, điều này đã đưa ông Hoàng Kiều ngay lập tức có tên trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes

So với con số thống kê trước đó của Forbes là 1,6 tỷ USD, gia tài của ông đã có mức tăng đáng kinh ngạc, đưa ông từ vị trí 1.078 lên 633.

Đây cũng là lý do Forbes xếp ông ở vị trí cao dù theo thống kê, có tới 24 tỷ phú khác có cùng giá trị tài sản tương tự, xếp vị trí từ 631 đến 652.

Chân dung ông "trùm" gốc Việt làm việc 20 tiếng/ngày

Ông Hoàng Kiều sinh ra tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, Quảng Trị trong một gia đình Nho giáo. Ông nội của tỷ phú này vốn là một vị quan của triều đình Huế.

Trong số nhiều người thân của ông Hoàng Kiều, có một nhà giáo ưu tú, một nhạc sĩ, một thi sĩ và một đại kiện tướng cờ vua...

Khi lên 5 tuổi, Hoàng Kiều được chú là cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đưa vào Sài Gòn ăn học. Tuy nhiên, Hoàng Kiều nhanh chóng nhận ra âm nhạc không phải là niềm đam mê cả đời của mình.

Ông lập gia đình khá sớm, khi 32 tuổi, Hoàng Kiều đã có 5 người con. Năm 1975, vài tháng sau khi đến Mỹ, nhờ giỏi tiếng Anh nên ông xin được việc làm tại công ty dược phẩm Abbott.

5 năm sau, từ một nhân viên, ông đã bước lên vị trí giám đốc của bộ phận thử nghiệm và sản xuất sản phẩm làm từ huyết tương.

Trong giai đoạn 1976 - 1979, ông được công ty cử đi học ngành quản trị ở Đại học Santa Barbara.

Năm 1980, Abbott quyết định bán một phần cơ sở thí nghiệm, một người bạn khuyên ông mua lại để có thể tự đứng ra điều hành việc kinh doanh. Khi ấy, thu nhập của doanh nhân Hoàng Kiều chỉ là 30.000 USD/năm.

Năm 1987, ông đặt nền móng cho cơ ngơi của mình tại Trung Quốc bằng việc thành lập Công ty sản xuất huyết tương Shanghai RAAS tại Thượng Hải.

Đó là kết quả của nhiều năm trời làm việc mỗi ngày 20 tiếng của ông Hoàng Kiều.

Nhờ kinh doanh hiệu quả, công ty của ông Hoàng Kiều thu được lợi nhuận lớn, đưa giá cổ phiếu tăng mạnh và giúp ông nhanh chóng thăng bậc trên bảng xếp hạng của Forbes.

Vị tỷ phú và ước mơ mang cuộc thi Hoa hậu thế giới về Việt Nam

Ít ai biết được rằng ông Hoàng Kiều chính là doanh nhân đầu tiên ấp ủ ước mơ mang cuộc thi Hoa hậu Thế giới đến Nha Trang.

Năm 2007, khi Miss World đến Trung Quốc và “lọt vào mắt xanh” ông Hoàng Kiều, vị đại gia này đã nghĩ tới chuyện đưa người đẹp thế giới về Việt Nam để tổ chức thi với mục đích từ thiện.

Để thực hiện cho ước nguyện này, ông đã không ngần ngại chi ra số tiền lên đến 500 triệu USD để mua đất, xây dựng các hạng mục công trình, resort để phục vụ cuộc thi Hoa hậu thế giới.

Năm 2009, ông cho treo bằng-rôn loan báo về cuộc thi người đẹp này sẽ diễn ra tại cù lao Thới Sơn (nằm giữa sông Tiền, TP.Mỹ Tho), chứ không phải ở Nha Trang.

Có lẽ vì quá mong mỏi với ước mơ này nên ông Kiều đã quên mất rằng việc chuyển cuộc thi Hoa hậu thế giới từ Nha Trang về Tiền Giang chưa được Chính phủ cho phép.

Chính vì vậy mà theo thông báo của Bộ VHTTDL, cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 vẫn được tiến hành ở Nha Trang chứ không dời về Tiền Giang như đề nghị của tỉnh Tiền Giang và ông Hoàng Kiều.

Và từ đó, việc cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang chưa cấp giấy phép xây dựng ở nhiều hạng mục công trình của đại gia Hoàng Kiều tại khu du lịch Thới Sơn nhưng vẫn được triển khai xây dựng để phục vụ cuộc thi Hoa hậu thế giới mới phát lộ ra.

Các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang đã buộc phải phạt ông Hoàng Kiều 35 triệu đồng về việc xây dựng trái phép.

Sau đó ông đã cho dừng thi công tiếp hầu hết các hạng mục công trình, cho ngừng hoạt động nhiều cơ sở phục vụ du lịch vì làm ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động du lịch của tỉnh Tiền Giang.

Tỉnh này đã nhiều lần yêu cầu ông Hoàng Kiều phải đưa các công trình phục vụ du lịch vào hoạt động, nếu không sẽ thu hồi đất.

Khi cuộc chơi "Hoa hậu thế giới" đã gắn bó từ lâu không thành, ông Hoàng Kiều đã "dứt áo ra đi".

Hoàng Kiều, hoa hậu, tỉ phú

Hoàng Kiều bên hoa hậu Trương Tử Lâm

Từ cuối 2010, ông Hoàng Kiều ít xuất hiện ở Tiền Giang, hàng chục dự án tiền tỷ của ông “trùm mền” hoặc hoạt động cầm chừng.

Và cho tới nay, nhiều người vẫn chỉ biết đến cái tên người đàn bà quyền lực của Tập đoàn Hoàng Cầu Trần Thị Hường là người đã đưa thành công cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới về Việt Nam năm 2010.

Dường như không ai mảy may nhớ đến cái tên Hoàng Kiều trong "cuộc chơi' của những người đẹp này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại