Trước đó, ngày 30/7 vừa qua, công ty California Waste Solutions (CWS) của ông Dương đã vượt qua đối thủ là Waste Management, công ty tái chế rác lớn nhất thành phố Oakland để đem về gói thầu trị giá 2,7 tỷ USD.
Với gói thầu này, CWS sẽ thu gom và xử lý rác thải cho thành phố Oakland ở bang California trong vòng 20 năm tới. Đây là sự kiện đáng tự hào của cộng đồng người Việt.
Tuy nhiên, thông tin mới đây nhất cho biết, “vua rác” David Dương đã phải ngậm ngùi từ bỏ hợp đồng “khủng” này. Waste Management đã giành lại được hợp đồng béo bở này.
Nguyên nhân chính của việc ông “vua rác” từ bỏ hợp đồng chính là viêc Waste Management là nhà thầu chính cho dịch vụ tái chế rác tại thành phố này cả 1 thế kỷ. Trước quyết định của hội đồng thành phố, công ty này đã rất phẫn nộ và đâm đơn kiện cả thành phố cũng như công ty đối thủ, cùng lúc thu thập chữ ký cho một cuộc trưng cầu dân ý nhằm lật lại quyết định của hội đồng.
Hội đồng thành phố Oakland đã thu thập ý kiến của các thành viên sau đó quyết định giao lại hợp đồng này cho công ty Waste Management với 6 phiếu chọn, 1 phiếu trắng và 1 phiếu vắng.
Sau khi mất hợp đồng này, ông Dương sẽ nhận được 2,5 triệu USD phí pháp lý từ Waste Management, một khoản tiền 12,5 triệu USD cho các hợp đồng tái chế tại hạt Alameda và tất cả các xe chở rác thải mà ông đã mua trước để thực hiện hợp đồng tái chế.
Ông Dương v à các cộng sự khi trúng thầu hợp đồng 2,7 tỷ USD
Ông David Dương tên là Dương Tử Trung, con ông Dương Tài Thu, sang định cư ở San Francisco, Mỹ cuối những năm 80. Ở Việt Nam, gia đình ông Dương Tài Thu là chủ hãng giấy Cogido nổi tiếng.
Ông Dương là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CWS. Ngoài ra, ông David Dương còn là Chủ tịch công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) chuyên đầu tư xử lý rác thải tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Tp.HCM.
Ông kể những ngày đầu sang định cư tại San Fransisco (California), các thành viên trong gia đình mưu sinh bằng việc thu lượm phế liệu, phân loại rồi bán cho các nhà máy tái chế. Nỗ lực vượt khó của gia đình ông đã được đền đáp bằng những hợp đồng thu gom rác thải từ các đối tác. Năm 2013, Waste Age, tạp chí chuyên ngành môi trường của Mỹ, đã xếp CWS vào vị trí thứ 31/100 công ty xử lý chất thải tại Mỹ.
Năm 1989, thấy công ty của gia đình David Dương ăn nên làm ra, một số công ty để mắt đến. Và họ đưa ra đề nghị mua lại công ty với giá vài triệu USD.
Trước lời đề nghị này, gia đình đồng ý bán với điều kiện David Dương ở lại làm giám đốc cùng người em trai và người chú làm việc trong 5 năm để thu nợ. Nhưng được chừng một năm, những ông chủ mới muốn đuổi cả 3 chú cháu David Dương ra khỏi công ty, tìm mọi cách đưa 3 chú cháu xuống thu gom rác bẩn từ những người vô gia cư phóng.
Em trai và chú của ông Dương kiên quyết xin nghỉ việc. Riêng David Dương chấp nhận, quyết ở lại làm để có lương, có tiền thuê luật sư, phục hồi cơ nghiệp. Chấp nhận cay đắng, David Dương đã vượt qua nhiều ải. Ông được chủ mới cho làm quản lý 6 nhà máy của họ rồi làm marketing bán hàng phế liệu…
Chính nhờ đó, ông phát hiện ra tình trạng gian dối và kỳ thị của ban giám đốc. Ông quyết định nghỉ việc kèm điều kiện chủ doanh nghiệp phải trả hết số tiền nợ. Tuy nhiên gia đình ông chỉ nhận được 25% tổng số tiền còn nợ và nhận lại một số thiết bị cũ. Không may, sau 3 nhà kho chứa thiết bị này đã bị cháy do tàn thuốc của một người vô gia cư. Mọi thứ tưởng như đã kết thúc.
Thời điểm đó, biết được thành phố Oakland đang tổ chức đấu thầu thu gom rác phế liệu nên ông David Dương quyết định thành lập công ty. Đầu năm 1991, CWS ra đời và CWS đã trúng được gói thầu đầu tiên về thu gom rác phế liệu cho một nửa thành phố trị giá vài chục triệu USD.
Và từ đó, hoạt động kinh doanh của công ty đã có những tiến triển mới và đạt được những thành công lớn, đem về nhiều hợp đồng có gái trị. Theo ước tính, CWS ra đời, cung cấp việc làm cho khoảng 300 người, phần lớn là người gốc Việt, và dần trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty hoạt động trong lãnh vực này.