>>> Sống trong "chung cư nghĩa địa", các "thượng đế" có thể khởi kiện
>>> Thiếu hiểu biết, cư dân "Paris trong lòng Hà Nội" bị Bitexco lừa?
>>> Sự “đổ nát” đến hoang tàn tại chung cư cao cấp The Manor
>>> “Paris trong lòng Hà Nội” sau 7 năm đã “tối tăm như nghĩa địa”
>>> Các “thượng đế” chung cư cao cấp The Manor lại kêu cứu
Bitexco "quá đáng" khi tận thu tiền của dân!
Được biết đến là công ty hàng đầu Việt Nam với những sản phẩm và dịch vụ mang tính nghệ thuật và chất lượng cao, tuy nhiên, gần đây, Bitexco lại khiến dư luận và các khách hàng mua căn hộ chung cư cao cấp tỏ ra khá thất vọng.
Bởi hàng năm, chủ đầu tư Bitexco vẫn thu tiền phí dịch vụ để vận hành khu đô thị The Manor Hà Nội, trong đó, có công tác bảo trì, đồng thời cũng đã thu 2% giá trị căn hộ trên hợp đồng của 85 hộ dân (tổng số tiền là 5,2 tỷ đồng) để quyên vào quỹ bảo trì, tuy nhiên, theo như phản ánh của người dân, suốt 7 năm qua, Bitexco đã không bỏ một đồng nào cho việc bảo trì.
“Nếu các thông tin trên là đúng thì việc Bitexco thu 2% giá trị căn hộ lần đầu và liên tiếp 7 năm thu đều đặn phí dịch vụ, bảo trì thể hiện sự tận thu. Và do đó, điều quá đáng ở đây là thu nhiều tiền như vậy mà không làm gì. Về khía cạnh pháp luật dân sự thì Bitexco vi phạm thô bạo nghĩa vụ cung cấp hàng hoạt dịch vụ cho người dân một thời gian dài. Về đạo đức kinh doanh thì quá suy giảm rồi, còn hậu quả, hệ lụy thì thật khó mà thống kê chính xác, đầy đủ được”, luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật TNHH Fanci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang nhận xét.
Khoản 1, điều 302 Bộ luật dân sự ghi rõ: “Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền”. Theo luật sư Tú, ở đây, Bitexco có nghĩa vụ cung cấp các dịch vụ như bảo trì, bảo dưỡng,… hệ thống kỹ thuật tòa nhà nhưng họ đã không thực hiện đầy đủ thì các hộ dân là bên có quyền có thể khởi kiện Bitexco yêu cầu thực hiện đúng nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh.
“Một điều cũng không dễ dàng đối với bên nguyên đơn là tính toán con số thiệt hại quả thật khá phức tạp trong trường hợp này” - Luật sư Tú nói.
Không chỉ vướng vào nghi án không bảo trì tòa nhà, Bitexco còn mang tiếng xấu khi suốt 7 năm qua vẫn chưa hoàn thiện xong thủ tục sổ đỏ, khiến người dân The Manor mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng.
Ngoài ra, việc phí thu phí dịch vụ sổ đỏ 0,5% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ được cơ quan chức năng khẳng định là trái luật đã khiến đẳng cấp của thương hiệu Bitexco bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Việc Bitexco để xảy ra những sự cố như tại khu chung cư The Manor là điều không đáng xảy ra. Là chủ đầu tư với uy tín lâu năm trên thị trường, Bitexco lẽ ra phải thể hiện được khả năng quản lý tòa nhà và chăm chút dịch vụ tốt hơn so với những hình ảnh đã bị đưa ra trước công luận. Những hình ảnh đó sẽ làm tổn hại đến thương hiệu của Bitexco. Khi thương hiệu bị tổn hại, sức hút của những dự án do Bitexco làm chủ đầu tư trong tương lai cũng sẽ kém hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng” – ông Hoàng Tùng, chuyên gia nghiên cứu về marketing và nhượng quyền thương hiệu nhận định.
Bitexco chỉ biết đầu tư chứ chưa biết quản lý BĐS?
Có thể thấy, chung cư khác với nhà riêng ở chỗ “phần sở hữu chung” lớn hơn “phần sở hữu riêng” rất nhiều, hơn nữa, các “vấn đề chung” cũng phức tạp và phát sinh đáng kể so với các “vấn đề riêng”. Điều đáng nói là “phần sở hữu chung, và các vấn đề chung” lại được giao cho đơn vị quản lý tòa nhà thực hiện. Nếu đơn vị quản lý nhà non yếu, hoặc thiếu lương tâm thì cả tòa nhà thực sự nguy hiểm. Trong khi đó, chung cư tại Việt Nam còn phức tạp hơn nữa bởi đa dạng sử dụng, có cả người cư trú và các công ty làm văn phòng làm việc… nên quản lý chung cư đòi hỏi đơn vị phải thực sự có chuyên nghiệp và có năng lực.
Đối với mỗi gia đình, sở hữu một căn nhà là sở hữu một tài sản không nhỏ, và kèm theo đó họ cũng sở hữu hàng tá vấn đề chung phát sinh khi cư trú tại chung cư.
Vì vậy, Giám đốc Công ty luật TNHH Fanci khuyên: Mỗi người khi mua nhà cần xem xét kỹ các hợp đồng bao gồm 3 loại điều khoản: Loại 1: Về hồ sơ pháp lý của mỗi căn hộ và dự án nói chung; Loại 2: Về phần tài sản mua được sở hữu riêng; Loại 3: Về phần sở hữu chung và các vấn đề chung phát sinh.
“Cư dân ở The Manor trước đây có thể đã quá tập trung vào các điều khoản thuộc loại 1 và 2 ở trên mà lơ là, không để ý đến các điều khoản thuộc loại thứ 3 nên hiện nay họ phải trả giá cho sự nhẹ dạ và không cẩn thận đó. Còn Bitexco, sau khi xây dựng và bán hết sản phẩm của dự án thuộc loại “Paris trong lòng Hà Nội”, họ đã lơ là không kiểm soát công ty con, đơn vị quản lý tòa nhà. Một lần nữa, thể hiện đại gia như Bitexco trong lĩnh vực bất động sản mới chỉ có năng lực về đầu tư và hoàn thiện dự án chứ chưa có khả năng trong mảng việc còn lại là quản lý bất động sản, đây mới là lĩnh vực thể hiện chất lượng thực sự của một dự án bất động sản” - Luật sư Tú nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó GĐ công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho biết: Mỗi doanh nghiệp có một thương hiệu và uy tín riêng, người dân khi mua nhà phải xem thương hiệu đó, uy tín đó như thế nào và người dân phải có tiếng nói trong hội đồng quản trị, có tiếng nói trực tiếp với doanh nghiệp.
Nếu tiếng nói đó không được doanh nghiệp giải quyết, dân có thể khiếu kiện lên chính quyền địa phương, cấp quận, sở, tỉnh, thành phố về vấn đề bức xúc của mình. Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng phương tiện truyền thông để cảnh báo, nhắc nhở những người mua khác không vướng phải “bẫy” như họ. “Người dân phải biết sử dụng quyền của mình để làm chủ thực sự ngôi nhà của mình” – ông Đực lưu ý.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, ông Đực cho hay: Trên nguyên tắc, ban quản trị sẽ quản lý số tiền phí bảo trì và phải đem ra sử dụng trong quá trình sửa chữa, vận hành như thang máy hỏng, xử lý nước thải,…
“Quan điểm của tôi là: một chủ đầu tư thì không nên giữ số tiền này. Thông thường, chủ đầu tư chỉ quản lý chung cư 1 – 2 năm đầu rồi giao toàn bộ tài sản cũng như quyền quản lý cho ban quản trị. Ban quản trị tự thu tiền bảo trì để vận hành toà nhà. Như vậy, sau 2 năm, chủ đầu tư không còn trách nhiệm nào về mặt vật chất nữa, nên nếu có hư thang máy, có cháy nổ, ban quản trị tự chịu trách nhiệm và lấy tiền trong quỹ bảo trì để đóng, chủ đầu tư không can thiệp vào việc này” – ông Đực nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, đối với toà chung cư The Manor, đại gia Bitexco lại giao quyền cho công ty con của mình là Bình Minh Thăng Long quản lý toà nhà và sở hữu quỹ bảo trì lên tới hàng tỷ đồng này trong suốt 7 năm qua.