Từ lĩnh vực khám chữa bệnh đến phòng chống dịch bệnh, công tác y tế cơ sở được tiếp tục đẩy mạnh, giúp người dân được thụ hưởng chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, hiện đại ngay ở tuyến dưới.
Năm 2017 cũng được coi là năm có dấu ấn đặc biệt cho sự phát triển của ngành y những năm tiếp theo cũng như cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với hai Nghị quyết được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII thông qua về chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Nhân dịp Tết Mậu Tuất, Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống về những kết quả ngành y tế đã đạt được trong năm 2017 cũng như những nhiệm vụ ngành sẽ triển khai trong năm 2018.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết những thành tựu nổi bật của ngành trong năm 2017?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cũng như các năm trước, trong năm 2017, tôi đã dành thời gian đi công tác tại nhiều địa phương trong cả nước. Đến địa phương nào, tôi cũng đến các trạm y tế, bệnh viện (BV) hoặc trung tâm y tế quận/huyện, tỉnh để trực tiếp lắng nghe tâm tư của người bệnh/ người nhà bệnh nhân và cả cán bộ y tế.
Điều mang lại nhiều niềm vui nhất cho tôi là khi hỏi chuyện trực tiếp người bệnh/ người nhà bệnh nhân, nhiều người đã chia sẻ rất cởi mở với tôi về sự chuyển biến trong thái độ, phong cách phục vụ/tiếp đón của nhân viên y tế. Họ bảo giờ đi khám đã nhận được nhiều nụ cười chia sẻ và sự quan tâm của cán bộ y tế hơn.
Chia sẻ này của người bệnh/người nhà bệnh nhân cho thấy quyết tâm thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được người dân và cả cán bộ y tế đồng tình ủng hộ. Mức độ hài lòng của người bệnh/người nhà bệnh nhân đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế đạt chung gần 90%.
Về công tác khám, chữa bệnh (KCB), với quyết tâm tất cả vì người bệnh, quy trình KCB cũng được tiếp tục từng bước đơn giản, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Chất lượng KCB đã được nâng cao, tình trạng quá tải, nằm ghép tại một số BV lớn đã giảm, các BV huyện, tỉnh đã không chỉ nâng cao về năng lực chuyên môn mà còn tăng được công suất sử dụng giường bệnh.
Năm 2017 ghi dấu sự thành công của các thầy thuốc Việt Nam trong làm chủ nhiều kỹ thuật cao. Đó là chuyên ngành ghép tạng, với ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện ngày 21/2/2017, đánh dấu nền y học Việt trên bản đồ ghép tạng thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã làm chủ, ghép được các tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng (thận, tim, gan, tụy, phổi) với trên 1.500 ca, tỷ lệ ghép thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin, ngành y tế cũng đạt được một số thành tựu lớn, đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong một số nước làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin.
Năm 2017, toàn ngành đã làm tốt công tác phòng, chống bệnh dịch, không để dịch bệnh lớn xảy ra ở các vùng mưa lũ, hạn hán...
Về lĩnh vực tài chính y tế, việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế trong năm 2017 cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn... mà còn tạo điều kiện cho các BV nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ BHYT được tốt hơn, khuyến khích các BV tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải tuyến trên.
Mặt khác khuyến khích người dân tham gia BHYT, ước tính năm 2017 tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 86%.
Chúng tôi cũng rất mừng là các tỉnh, thành phố rất ủng hộ và quyết tâm cùng Bộ Y tế sắp xếp, kiện toàn hệ thống các đơn vị sự nghiệp y tế từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh giản đầu mối nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là tuyến cơ sở và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống y tế. Đến nay đã có 52/63 tỉnh, thành phố tiến hành việc sắp xếp, kiện toàn này.
Cũng trong năm 2017, ngành y tế đã thực hiện đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, giúp giảm được 477 tỷ đồng cho Quỹ BHYT.
Năm 2017 cũng được coi là năm có dấu ấn đặc biệt cho sự phát triển của ngành y những năm tiếp theo cũng như cho công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đó là Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã thông qua và ban hành 2 nghị quyết gồm Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới.
Hai nghị quyết này đề ra những nhiệm vụ hết sức cụ thể từ tuổi thọ, chiều cao của người dân Việt Nam, tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe và hài lòng với dịch vụ y tế.
PV: Bộ trưởng vừa nói đến tình trạng quá tải, nằm ghép tại một số BV lớn đã giảm, tuy nhiên vẫn có những ý kiến phàn nàn của người dân về vấn đề này. Theo đánh giá của Bộ trưởng, việc giải quyết vấn đề quá tải BV của ngành y tế đến nay đã đạt hiệu quả chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Sau 5 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tải BV đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của đề án đã được thực hiện và đạt được theo tiến độ; tình trạng quá tải BV đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2017 quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/ năm cho xã hội.
Ở khu vực nội trú, ngành y tế đã xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều BV, tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân lên 25,7 giường bệnh/vạn dân (tăng 0,2% chỉ tiêu Chính phủ đề ra).
Tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đang từng bước được khống chế. Hầu hết BV tuyến Trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện. Bên cạnh đó, để giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên, ngành y tế đã phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới BV vệ tinh.
Sau 5 năm thực hiện Đề án Giảm tải BV, hiện tuyến Trung ương giảm còn khoảng 12-15% giường bệnh nằm ghép, thay vì 50 - 60% như thời điểm năm 2012, tại tuyến huyện hiện còn 10-11% thay vì 20-40%. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn cho rằng tình trạng quá tải ở tuyến Trung ương vẫn còn diễn ra ở một vài BV lớn.
Nguyên nhân của thực trạng này là do số người tham gia BHYT tăng nhanh, tần suất sử dụng dịch vụ y tế có xu hướng tăng qua các năm. Bên cạnh đó, quy định về thông tuyến KCB BHYT tuyến huyện dẫn đến việc tăng số lượt bệnh nhân sử dụng dịch vụ y tế tại các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện.
Nhiều người mặc dù bệnh nhẹ có thể điều trị tại tuyến dưới nhưng vẫn muốn lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải. Mặt khác, do mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm, bên cạnh đó, dịch bệnh ngày càng gia tăng, trong khi cơ sở vật chất, nhân lực y tế không theo kịp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân...
Trong nhiệm vụ giảm tải BV, Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải BV với một số chỉ số cơ bản.
PV: Y tế cơ sở là vấn đề được Bộ trưởng quan tâm, xin Bộ trưởng cho biết về một số giải pháp và kết quả trong việc nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế và hệ thống y tế đã và đang rất nỗ lực, tích cực để triển khai chương trình hành động thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg về tăng cường y tế cơ sở với nhiều giải pháp đồng bộ như đổi mới và tăng cường hoạt động của y tế cơ sở gắn với bao phủ sức khỏe toàn dân.
Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy mạng lưới y tế cơ sở theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả, thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng (cả dự phòng và KCB) và quản lý trạm y tế xã.
Đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế.
Triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”; Đề án “Đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển”.
Xây dựng được một số chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 39 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở cũng chính là giải pháp về tăng cường chất lượng dịch vụ bằng tăng thêm danh mục dịch vụ kỹ thuật, tăng danh mục thuốc và tăng định mức chi trả.
Các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt trong việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
PV: Vậy trong quản lý, điều hành công việc, Bộ trưởng trăn trở nhất, tâm tư nhất về vấn đề gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Một trong những vấn đề mà tôi quan tâm và trăn trở nhất hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc. Năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế.
Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các BV, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc. Ngoài những vụ hành hung thân thể, các thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi hành hung khác về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa.
Có một thực tế đáng buồn đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ, hay những đối tượng có tiền án tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.
Bộ Y tế ghi nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình... đã nhanh chóng bắt giữ những kẻ hành hung thầy thuốc và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Chúng tôi kiến nghị các đại biểu Quốc hội xem xét, điều chỉnh các quy định luật pháp để những hành vi hành hung thầy thuốc phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ.
Đồng thời, kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Bộ trưởng sẽ ưu tiên cho công việc nào để người dân hài lòng hơn nữa và thêm tin tưởng vào ngành y và đội ngũ y, bác sĩ?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Như tôi đã từng nói trên rất nhiều diễn đàn, đích phấn đấu cuối cùng của ngành y vẫn là sự hài lòng của người bệnh từ phong cách thái độ phục vụ đến chất lượng dịch vụ.
Do đó, ngoài các giải pháp đã và đang triển khai, bước vào năm 2018, để người dân hài lòng hơn nữa và thêm tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ, ngành y tế ưu tiên tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới và thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các nội dung của những Nghị quyết này của Quyết định 2348 và chính sách của ngành y tế đều hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân có nghĩa là mọi người dân đều được công bằng và đều có cơ hội được tiếp cận như nhau về dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và không bị khó khăn về tài chính cản trở tiếp cận các dịch vụ này.
Do đó, ngành đã đề ra các giải pháp chủ yếu như chú trọng thực hiện các giải pháp y tế công cộng, liên ngành để bảo vệ sức khỏe... nâng cao hiểu biết của người dân về sức khỏe.
Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, lấy người dân làm trung tâm, bao phủ toàn bộ các khu vực địa lý, đặc biệt quan tâm tới các nhóm dân cư yếu thế, theo dõi sức khỏe đến từng người dân.
Thực hiện các chương trình y tế dự phòng có hiệu quả, chẩn đoán sớm và giải quyết bệnh tật tại gia đình và cộng đồng. Ngành thực hiện nâng cao hiệu suất của hệ thống y tế, trong đó sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh áp dụng phương thức chi trả nhằm khuyến khích sử dụng nguồn tài chính có hiệu quả, ngành tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục thực hiện BHYT toàn dân, mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng cho cá nhân; hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người cao tuổi chưa có chế độ hưu trí, các đối tượng chính sách trong KCB...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ thực hiện đồng bộ các nội dung củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Nâng cao chất lượng dịch vụ KCB; giảm tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên; hiện đại hóa và phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế. Bảo đảm cân đối hợp lý trong phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực y tế giữa các vùng, các tuyến, giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.
Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc-xin, sinh phẩm y tế và trang thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; quản lý, sử dụng thuốc và trang thiết bị hợp lý, an toàn và hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách hành chính để đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành y tế trong giai đoạn mới. Tiếp tục quán triệt, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế thông qua việc “Siết chặt kỷ cương, tăng cường y đức”, cùng với việc phát động các phong trào thi đua, nêu gương người tốt việc tốt...; xử lý nghiêm minh, triệt để các trường hợp vi phạm Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của ngành.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ KCB tại tuyến y tế cơ sở. Đã triển khai KCB BHYT tại khoảng 80% tổng số trạm y tế.