Khán giả chỉ thẳng mặt nghệ sĩ Thoại Mỹ chửi: "Mày ác quá, ra khỏi rạp biết tay tao"

Nguyễn Hương |

Hát vai cá tính nhiều nên tôi hay bị khán giả chửi vì họ tưởng mình cũng ác như vai diễn. Vừa bước ra khỏi sân khấu, khán giả chửi con quỷ này, mày ác quá...", nghệ sĩ Thoại Mỹ kể.

Bước chân vào nghề, nghệ sĩ nào cũng mong muốn được đóng đào chính, kép chính, đào đẹp, kép đẹp... nhưng Tổ nghiệp có lẽ đã có sự lựa chọn và sắp xếp của mình. Với Thoại Mỹ, đó phải là đào độc (vai ác), chị thành danh từ những vai cá tính như vậy!     

Càng bị khán giả chửi càng thành công!

Lần đầu tiên Thoại Mỹ được hát trên sân khấu là năm 11 tuổi. Lần đó, Thoại Mỹ theo mẹ đến đoàn xem chị gái Thoại Miêu hát. Diễn viên trong đoàn có việc đột xuất không đến được nên Thoại Mỹ được tập cấp tốc và đưa lên sân khấu.

Cũng nhờ vậy mà giọng ca ngọt ngào của Thoại Mỹ được nghệ sĩ Lệ Thuỷ phát hiện. Lệ Thuỷ nói với Thoại Miêu "con bé có tố chất đấy, cho nó đi học ca đi". Thoại Miêu dẫn em tới gửi thầy Út Trong để học căn bản.

Hơn một năm sau, Thoại Mỹ thi vào trường Trần Hữu Trang. Dù chưa đủ tuổi nhưng nhờ giọng hát thiên phú, chị được nghệ sĩ nhân dân Phùng Há đặc cách nhận vào trường. Ban ngày học nghề, tối Thoại Mỹ cắp sách đi học văn hoá.

Trong khi các bạn cùng lớp hầu như chỉ học một thể loại vai thì Thoại Mỹ được nghệ sĩ Phùng Há định hướng đa dạng. Mỗi lần nghệ sĩ Phùng Há tập vai cho các bạn trong lớp, Thoại Mỹ đều chăm chú học như đó là vai diễn của mình.

Khán giả chỉ thẳng mặt nghệ sĩ Thoại Mỹ chửi: Mày ác quá, ra khỏi rạp biết tay tao - Ảnh 1.

Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ.

3 năm học trong trường, Thoại Mỹ cứ chăm chỉ học hỏi để trau dồi nghề nghiệp. Thế nhưng vừa ra trường, chị đã bị đóng ngay đào nhì.

Thoại Mỹ không nản. Bước ra sân khấu, dù đào nhì, vai lớn hay nhỏ chị cũng đều cố gắng hết sức, sống chết với từng vai diễn để tạo ấn tượng cho khán giả.

Dẫu vậy, "Mỗi lần nhận một vai ác là ra đường tôi bị chửi. Hồi đó khán giả khác bây giờ, họ tưởng mình ác thật.

Đang diễn mà khán giả đứng lên ghế, chỉ thẳng mặt chửi: con quỷ này, mày ác quá! Ra khỏi rạp, mày biết tay tao. 

Rồi mỗi lần đi chợ cũng bị khán giả chửi quá trời.

Lúc đầu bị chửi, tôi buồn lắm, cũng khóc nữa. Nghĩ nản, mình làm nghề, hết lòng với vai diễn mà bị khán giả ghét quá chừng.

Nhưng các thầy cô bảo con bị chửi là con thành công. Sau này khi hiểu được câu nói đó thì tôi càng phải diễn cho ra vai hơn, ác hơn nữa để được chửi nhiều hơn nữa. Mình đóng vai ác, càng bị chửi nhiều càng chứng tỏ mình diễn đạt.

Thật sự, đến giờ phút này, tôi thích những vai cá tính đó lắm. Hát đào thương thì chỉ một màu thôi nhưng hát đào độc mình được biến hoá cho ra nhân vật, rất là đã", NSƯT Thoại Mỹ tâm sự.

Khán giả chỉ thẳng mặt nghệ sĩ Thoại Mỹ chửi: Mày ác quá, ra khỏi rạp biết tay tao - Ảnh 3.

Bộ đồ 10kg và vai diễn để đời

Trong số những vai diễn làm nên danh tiếng cho Thoại Mỹ không thể không nhắc đến "Hoàng đế Võ Tắc Thiên". 

Các nghệ sĩ cải lương đều ngấm ngầm thừa nhận rằng, thế hệ nghệ sĩ sau miền Nam giải phóng, không ai qua nổi Thoại Mỹ ở vai này.

Vai Võ Tắc Thiên vốn dĩ được giao cho nghệ sĩ Ngọc Huyền, còn Thoại Mỹ đóng Thái Bình công chúa. 

Thế nhưng Ngọc Huyền và Kim Tử Long lúc đó đang là một cặp tiên đồng ngọc nữ của sân khấu cải lương. Lúc đó cũng là điểm son trong nghề của hai người nên cuối cùng đạo diễn buộc phải để Thoại Mỹ đóng Võ Tắc Thiên.

Nhưng cũng chính nhờ sự thay đổi ở phút cuối mà Thoại Mỹ đã có một vai diễn để đời trong sự nghiệp cải lương của mình.

Nhắc tới vai diễn này, Thoại Mỹ tâm sự: "Vai Võ Tắc Thiên giống như đo ni đóng giày cho tôi. Được hát vai này, tôi quá may mắn. Võ Tắc Thiên là người quyền uy nên tôi phải luyện tập rất vất cả. Từ cách đi đứng, cách ưỡn ngực, ngẩng mặt, trừng mắt nhìn sao cho thấy được sự uy nghi của một đế vương.

Khán giả chỉ thẳng mặt nghệ sĩ Thoại Mỹ chửi: Mày ác quá, ra khỏi rạp biết tay tao - Ảnh 5.

Khi diễn vai này, tôi phải đội một cái mão nặng 4,5 kg trên đầu, đội xong muốn ngẩng lên cũng khó, vậy là phải tập ngẩng từ từ từng chút một.

Chưa kể bộ đồ mặc trên người cũng nặng tới 10 kg. Tay mỗi lần muốn đưa ra cũng phải lấy sức, đưa ra một cách mạnh mẽ mới thể hiện đúng tính cách nhân vật. Giọng hát cũng phải xử lý cho đanh thép, không được mềm mại như cô đào thương, đào mùi.

Mà hát như thế hết vở là cả một vấn đề, rất dễ bị khan tiếng. Nhưng đổi lại, cái tên Thoại Mỹ của tôi được khán giả biết và thương tới giờ này cũng một phần lớn nhờ vai đó".

Thành danh từ các vai đào nhì, đào độc nhưng Thoại Mỹ đã trở thành thần tượng của nhiều thế hệ khán giả mộ điệu cải lương suốt mấy chục năm qua.

Tiếng hát Thoại Mỹ - Trọng Phúc: Dòng đời

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại