Bán khoai, đi ở đợ... và duyên sân khấu năm 11 tuổi
Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mỹ sinh năm 1969. Mặc dù được sinh ra ở TP.HCM nhưng gốc gác quê hương thực sự của người đẹp là xứ Quảng Nam – Đà Nẵng. Theo lời kể của chị, cái tên Ngọc Mỹ được cha mẹ đặt cho với hy vọng tương lai của cô con gái sẽ tốt lành.
Vì nhà có tới 12 anh chị em nên ngay từ nhỏ, Ngọc Mỹ đã phải làm nhiều việc để có tiền phụ cha mẹ. Nhà đông anh chị em nên tuổi thơ của cô bé Ngọc Mỹ vô cùng cực khổ.
Từ lúc còn nhỏ xíu, Ngọc Mỹ đã phải đi bán khoai, bán ngô, phụ quán ăn bưng hủ tiếu thuê cho người ta. Thậm chí, Ngọc Mỹ còn từng đi ở đợ để nhà bớt một miệng ăn lại có tiền đem về.
Niềm vui duy nhất của cô bé Ngọc Mỹ là lâu lâu được theo chị gái Năm Thoại Miêu đến rạp cải lương xem hát. Vì có chị là nghệ sĩ nên Ngọc Mỹ được nuôi lớn từng ngày bởi những điệu ca cổ. Dòng máu nghệ thuật thấm vào người lúc nào không hay.
Cho đến một ngày… Tổ nghiệp phát hiện và gọi tên cô!
Lần ấy, trong đoàn xảy ra sự cố. Người diễn vai Cô bé Sầu Riêng không đến. Mọi người trong đoàn cuống cuồng tìm người thay thế.
Ngọc Mỹ đang đứng chơi gần đó. Biết cô là em gái Thoại Miêu nên họ nói "nhỏ hát thử nghe coi". Giọng hát trong trẻo của của Ngọc Mỹ khiến cả đoàn mừng như nhặt được vàng. Vậy là Ngọc Mỹ được "tập tuồng" thần tốc.
Ngọc Mỹ rất sáng dạ. Chỉ cần được hướng dẫn một lượt về cách hát, động tác tay chân, nét mặt… cô bé đã "thuộc bài" ngay. Hôm ấy, Ngọc Mỹ lên sân khấu hát tốt đến mức làm nhiều khán giả ở dưới không cầm được nước mắt.
Vì có chị gái là Thoại Miêu nên mọi người lấy luôn tên đệm của chị đặt cho cô. Cái tên Thoại Mỹ có từ ngày ấy. Năm đó Thoại Mỹ 11 tuổi.
Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ.
Vừa đi học vừa làm bảo mẫu và… ước mơ nhỏ nhoi của cô bé mồ côi mẹ
Nhờ có lời động viện của nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy nên dù nghèo đói , cha mẹ vẫn gửi Thoại Mỹ tới học ở nhà thầy Út Trong.
Sau 2 năm theo học nghệ sĩ Út Trong, Thoại Mỹ thi đỗ vào khoa đào tạo diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang khi mới 13 tuổi.
Hồi đó, cải lương còn đang ở "ngai vàng" nên ai cũng muốn trở thành nghệ sĩ. Người người rủ nhau đi thi. Bằng giọng ca ngọt lịm, Thoại Mỹ vượt qua 5.000 người dự thi để trở thành 1 trong 40 học viên Nhà hát Trần Hữu Trang cùng với Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Tô Châu…
Tưởng rằng đến được với sân khấu, cuộc sống sẽ bớt khổ hơn nhưng quãng thời gian đèn sách lại đong đầy mồ hôi nước mắt của người đẹp Thoại Mỹ.
Thậm chí, có những lúc tưởng chừng ông trời "chơi ác" mà thử thách cô hết lần này đến lần khác xem niềm đam mê với cải lương của Thoại Mỹ như thế nào.
Nhà ở xa trường nhưng ngày nào Thoại Mỹ cũng phải đi bộ hàng chục cây số. Khổ nhất là buổi trưa nắng, học xong Thoại Mỹ tranh thủ về nhà ăn vội bữa cơm rồi quay ngược trở lại trường cho kịp giờ học chiều.
Không muốn tụt hậu kiến thức với bạn bè nên tối tối, Thoại Mỹ lại đều đặn xách cặp đi học văn hóa. Thấy con gái mê cải lương và siêng học, mẹ cô rất mừng.
Có những đêm hai mẹ con thủ thỉ nghĩ chuyện lâu dài. Bà mong con gái sớm hoàn thành việc học để mẹ được xách giỏ trầu đi theo lo cho con mỗi tối diễn…
Ước mơ nhỏ nhoi đó của hai mẹ con đã không bao giờ thành hiện thực vì sau 1 năm theo học Nhà hát Trần Hữu Trang, mẹ Thoại Mỹ đột ngột qua đời.
Mồ côi mẹ, Thoại Mỹ buộc phải tự lập hơn. Những lúc không học bài, Thoại Mỹ đi làm bảo mẫu, giữ con cho người ta kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Ngay cả khi chính thức được đứng trên sân khấu với vai trò một người diễn viên thực sự, Thoại Mỹ cũng vẫn đi bộ từ nhà tới rạp hát. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, Thoại Mỹ chỉ mơ ước có một chiếc xe đạp để… đỡ mỏi chân cũng không được.
Thoại Mỹ và Vũ Linh.
Ngất xỉu, gãy chân… cũng không bỏ nghề
16 tuổi, Thoại Mỹ bắt đầu đi hát. Ở đoàn nào chị cũng không bao giờ kén chọn vai diễn. Từ vai lẳng lơ đến vai ác, con nít, bà già… Thoại Mỹ đều đóng rất ngọt.
Đóng vai ác, khán giả ghét cay ghét đắng. Đóng vai khổ, khán giả khóc hết nước mắt. Nhưng phải đến vai Phi Loan trong "Sở Vân cưới vợ", Thoại Mỹ mới gây nhiều dấn ấn cho khán giả. Tên chị được nhiều người biết đến hơn.
Rồi hàng loạt những vai diễn sau này, càng lúc Thoại Mỹ càng được khán giả thương nhờ giọng hát truyền cảm.
Gần 40 năm làm nghề, Thoại Mỹ nhiều lần nhận về những giải thưởng danh giá do người trong nghề bình chọn từ các cuộc thi: Huy chương vàng Giải Trần Hữu Trang (1992), huy chương vàng Diễn viên tài sắc (2004), huy chương vàng Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc (2005)...
Có lẽ Thoại Mỹ là nghệ sĩ cải lương duy nhất ở Việt Nam 7 lần nhận giải Mai Vàng. Không những thế, Thoại Mỹ còn nhiều lần được khán giả yêu thích bình chọn là diễn viên xuất sắc nhất do báo chí tổ chức.
Đặc biệt, năm 2003, Thoại Mỹ được nhận Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu và Huy chương Văn hóa. Năm 2007 chị được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Nhưng để có được những thành tựu đó, Thoại Mỹ cũng đã từng có những ngày vô cùng cực khổ và gian truân với nghề.
Theo lời kể của Thoại Mỹ, ngày còn hát ở đoàn Huỳnh Long, bao nhiêu lần khép màn là bấy nhiêu lần chị ngất xỉu. Tập tuồng miệt mài mà miếng ăn cũng không đủ no nên sức khỏe của chị cứ yếu hoài.
Thậm chí, có lần tập tuồng "Xử án Bàng Quý Phi" vì mải tập, chị bị ngã từ trên cao xuống. Thoại Mỹ cứ nghĩ chắc mình chỉ bị bong gân nên cố kìm cơn đau để tập tuồng cùng đồng nghiệp. Rồi những đêm diễn liên tiếp khiến chị quên cả việc phải kiểm tra và chữa trị vết thương.
Đến một ngày cơn đau dồn về không chịu nổi, chị mới thu xếp công việc tới gặp bác sĩ. Lúc này chị mới biết khớp gối bị bể. Thời gian đó, Thoại Mỹ phải đi nạng. Không được lên sân khấu, nằm nhà chị nhớ nghề quay quắt. Vừa bỏ được nạng chị lao về sân khấu với cả hân hoan.
Làm nghề cực và gian truân như thế nhưng bù lại, Tổ đãi chị nhận về tình yêu thương của không biết bao nhiêu khán giả mộ điệu bộ môn nghệ thuật cải lương. Thoại Mỹ nghĩ, đã mang lấy nghiệp vào thân thì… phận tằm phải nhả tơ cho đời!