Tướng Daniel Hagari, phát ngôn viên của IDF cho biết, các cuộc tấn công liên tiếp từ Gaza nhằm vào lãnh thổ Israel diễn ra từ ngày 2 đến 3/5 được coi là leo thang mới trong xung đột khu vực.
Tổng cộng đã có 104 tên lửa tầm ngắm và rocket bắn vào nhiều mục tiêu bên trong lãnh thổ Israel. Nhưng số lượng đáng kể trong số đó đã bị hệ thống Iron Dome đánh chặn trước khi chúng tìm đến mục tiêu.
"Hệ thống Iron Dome đã đánh chặn được 24 quả tên lửa. Trong khi 48 quả đạn khác rơi xuống các khu vực ở miền nam Israel, 14 quả rơi xuống gần Gaza, 11 quả rơi xuống biển và những quả khác không xác định được vị trí tác động", phát ngôn viên Daniel Hagari nói.
Cũng theo vị phát ngôn viên này, trong số những tên lửa bắn vào Israel đã đánh trúng một công trường xây dựng ở thành phố Sderot, miền nam Israel và làm bị thương ba người nước ngoài.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa bắt đầu sau khi cơ quan an ninh Israel thông báo về cái chết của Khader Adnan, một trong những thủ lĩnh của tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine, người bị truy tố về tội danh khủng bố.
Phong trào Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công và cho biết các cuộc tấn công diễn ra như một phản ứng trước cái chết của Adnan.
Hãng thông tấn Shehab News (thân cận với phong trào Hồi giáo Hamas) cho biết, dù một số tên lửa của Hamas phóng đi đã bị đánh chặn nhưng phong trào Hồi giáo này đã tìm ra điểm yếu của tổ hợp Iron Dome để hạn chế sức mạnh của chúng.
"Chúng tôi áp dụng chiến thuật phóng lượng lớn rocket vào một mục tiêu duy nhất để đánh bại Iron Dome. Hơn trăm quả đạn pháo phản lực được khai hỏa trong 30 giờ, mật độ hỏa lực cao nhất trong lịch sử của chúng tôi", Shehab News viết.
Quân đội Israel hồi giữa tháng trước triển khai nhiều khẩu đội Iron Dome để bảo vệ lãnh thổ nước này sau đợt pháo kích quy mô lớn của Hamas làm 4 dân thường Israel thiệt mạng.
Tướng Yaakov Amidror, cựu cục trưởng Cục Nghiên cứu Tình báo Quân đội Israel, sau đó thừa nhận rằng lá chắn Iron Dome đã thất bại trước loạt mưa rocket của Hamas. "Israel đang có lỗ hổng chết người trong hệ thống phòng thủ của mình", tướng Amidror nói.
Cũng theo ông Amidror, những rocket mà Hamas phóng vào lãnh thổ Israel trong đợt tấn công này không có gì đặc biệt và hoàn toàn nằm trong khả năng diệt mục tiêu của Iron Dome.
Tuy nhiên, khoảng cách quá gần khiến lá chắn tên lửa Israel không kịp trở tay, trong khi phương pháp đánh chặn "có chọn lọc" làm chúng bỏ qua một số rocket có thể gây thương vong cho dân thường ở khu vực hẻo lánh.
Cùng với đó, Maya Carlin, nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách An ninh ở Israel cũng thừa nhận, Iron Dome không thể ứng phó hoàn toàn với chiến thuật tấn công kiểu bầy đàn và điểm yếu này đang bị khoét vào.
Ngoài ra, vũ khí này bị coi là quá đắt đỏ. Mỗi tên lửa đánh chặn có giá từ 20.000 USD đến 100.000 USD. Khi các chiến binh ở Gaza phóng hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn quả đạn trong thời gian kéo dài của cuộc xung đột, điều này dẫn tới chi phí cực lớn với Israel.
Mặc dù vậy, bà Carlin kết luận, tuy Iron Dome không phải là một hệ thống hoàn hảo, nhưng nó là một thành phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Israel.
Iron Dome là tổ hợp phòng không tầm trung do tập đoàn Rafael của Israel phát triển và hợp tác sản xuất với hãng Raytheon Mỹ.
Mỗi tổ hợp có giá khoảng 50 triệu USD, trang bị 20 đạn đánh chặn Tamir với tầm bắn tối đa 70km, có thể diệt tên lửa, đạn pháo, cối và rocket để bảo vệ một khu vực nhất định.
Iron Dome đánh chặn tên lửa tấn công từ Gaza.