Hỏng tuỵ, viêm gan cấp vì... cổ vũ U23 quá đà

Ngọc Anh |

Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, những ngày giáp Tết số ca nhập viện do ngộ độc rượu liên tục tăng lên, đáng chú ý có cả những trường hợp phụ nữ.

Hôn mê vì mượn rượu giải sầu

Trường hợp của ông T. V. L, 47 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội làm thợ xây tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nhập viện trong tình trạng ngộ độc, nôn nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, xơ gan, tiền sử đái tháo đường. Sau 17 ngày điều trị (trong đó 5 ngày phải cấp cứu tích cực), bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài.

Chị L.T. H - vợ của bệnh nhân cho biết, 10 năm nay, ngày nào cũng anh uống khoảng nửa lít rượu vào bữa trưa và tối. Vợ con can ngăn nhưng anh không nghe, mỗi lần can ngăn lại bị anh chửi, đánh thậm tệ, nên từ đó không dám khuyên can nữa.

Đáng chú ý, trường hợp của bệnh nhân P. T. T, 46 tuổi ở TP Vinh, Nghệ An, nhập viện do uống rượu liên tục để cổ vũ đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam trong trận đấu bán kết và chung kết vừa qua. Kết quả, chị T bị ngộc độc rượu và phải chuyển ra Hà Nội điều trị. Khi nhập viện, bác sĩ phát hiện chị T. bị hỏng tuỵ một phần, viêm gan, gan hơi to.

Nằm cạnh chị T cũng là một bệnh nhân nữ tên H. quê Bắc Giang được người thân đưa đi cấp cứu. Theo gia đình, bệnh nhân chị H. buồn chuyện tình cảm và tìm đến rượu. Vì uống quá nhiều nên chị H. lâm vào hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt. Khi vào viện các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân vẫn không được cải thiện.

BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho hay, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn cho rằng, uống rượu "xịn", uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia nào thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.

BS. Nguyên nhấn mạnh, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể.

Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.

Hỏng tuỵ, viêm gan cấp vì... cổ vũ U23 quá đà - Ảnh 1.

Bệnh nhân sảng rượu, các bác sĩ phải cột chân tay để bệnh nhân không vật vã

Biến chứng tiêu hoá

Tại khoa tiêu hoá của Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu dẫn đến xơ gan, suy tuỵ và đủ các biến chứng tiêu hoá khác.

Anh Nguyễn Văn H. sinh năm 1985, trú Hà Nội nhập viện trong tình trạng mê sảng, nằm trên giường bệnh, gương mặt thất thần, chân tay luôn giật và miệng vẫn không ngừng nói những câu hoàn toàn vô thức.

Các bác sĩ cho hay, bệnh nhân này được người nhà đưa đến bệnh viện sau những ngày uống rượu triền miên, hôn mê, men gan tăng cao và kèm theo sảng rượu.

Bác sĩ Hoàng Nam, Khoa Tiêu hoá - BV Bạch Mai cho biết thời điểm trước và sau tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong số chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy…

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9-13 lần do xuất huyết tiêu hóa.

Bác sĩ Nam khuyến cáo, rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan; Không có rượu bổ, đã là rượu thì đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là chức năng gan;

Mỗi ngày một người chỉ dùng 1- 2 chén rượu nhỏ, hoặc 1-2 cốc bia, không lạm dụng và ỉ vào các thuốc giải rượu bia chưa được chứng minh tác dụng rõ rệt.

Những người thường xuyên tiếp khách, phải uống rượu bia nên khám sức khoẻ định kỳ, chú ý kiểm tra men gan.

Cơ thể tổn hại như thế nào vì uống rượu nhiều?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại