Thiếu nữ hôn mê sâu do uống quá nhiều rượu: Biểu hiện phải chú ý để cứu sống người ngộ độc

Tiểu Nhã |

Sau cuộc liên hoan với bạn bè, chị H. ngủ li bì đến tận chiều hôm sau. Các bác sĩ chẩn đoán H. bị ngộ độc do uống quá nhiều rượu. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Hôn mê sâu do uống quá nhiều rượu

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm đang cấp cứu cho bệnh nhân V.T.H, 24 tuổi, ở Thanh Thủy, Phú Thọ bị hôn mê do uống quá nhiều rượu.

Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, chiều ngày 19/12, chị H. có về Bắc Ninh để dự buổi liên hoan gặp mặt bạn cuối năm. Tại buổi liên hoan vì vui quá nên chị uống nhiều rượu, dẫn đến bị say và được mọi người đưa về phòng ngủ.

Đến chiều hôm sau, vẫn thấy H. ngủ li bì, mê man nên nhóm bạn đã đưa đến bệnh viện tại địa phương cấp cứu. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, nói sảng.

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, H. được bác sĩ chẩn đoán H. bị ngộ độc do uống quá nhiều rượu. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Theo Thạc sĩ Nguyên ngộ độc rượu trước và sau Tết là thời điểm số ca ngộ độc rượu thường tăng mạnh nhất. Có nhiều trường hợp ngộ độc "ẩn" dễ nhầm lẫn với bệnh khác gây tử vong dẫn đến nhiều bệnh.

Trong đó, ngộ độc ethanol là dạng ngộ độc phổ biến nhất. Thạc sĩ Nguyên cho biết chất này làm cho người uống giảm khả năng phán xét, giảm điều khiển động tác với nồng độ 50 mg/l được khuyến cáo không nên tham gia giao thông.

Thiếu nữ hôn mê sâu do uống quá nhiều rượu: Biểu hiện phải chú ý để cứu sống người ngộ độc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Về mặt thần kinh, khi cồn ngấm vào máu sẽ gây kích thích, các tầng thần kinh bị ức chế, mất kiểm soát, nói nhiều, thích bày tỏ.

Ngoài ra, ngộ độc ethanol nặng còn gây ra các biến chứng như hạ đường huyết, tổn thương não, hôn mê, di chứng, tử vong, hạ thân nhiệt, mất chất điện giải mất nước, rối loạn máu, nhiễm toan, nhiễm axit, tổn thương cơ. Đặc biệt người trẻ rất dễ ngộ độc ethanol, cơ thể gầy yếu càng dễ bị nguy cơ hạ đường huyết do liều quá lớn với thể trọng.

Bác sĩ Nguyên cho biết hiện nay chưa có thuốc giải ngộ độc ethanol được chứng minh có tác dụng rõ ràng. Mặt khác, các thuốc giải rượu chỉ hỗ trợ một phần, bù vitamin, muối, đường chứ không làm thay đổi hẳn triệu chứng ngộ độc rượu.

Nguyên tắc sống còn cứu tính mạng người ngộ độc rượu

Thạc sĩ Nguyên cho biết, khi thấy người uống nhiều rượu có biểu hiện gọi không biết, thở yếu, thở chậm, chân tay lạnh, người thân cần thực hiện sơ cứu ngay tại chỗ, gọi nhân viên y tế trong trường hợp bệnh nhân không tỉnh, nói không rõ ràng.

Người nhà cần cho bệnh nhân nằm nghiêng trong bên phải tránh nguy cơ thức ăn chảy ra ngoài gây sặc đường thở.

Tuyệt đối không để bệnh nhân tự điều khiển phương tiện giao thông, không nên cho người say rượu uống đồ chua mà nên uống nước có đường, muối, tránh chất có axit.

Đặc biệt, thạc sĩ Nguyên khuyến cáo, có những đối tượng bị ngộ độc thường ngủ mê mệt, không ăn uống sau khi say rượu, nếu không lưu ý kịp thời có thể gây hạ đường huyết, tổn thương não, thậm chí tử vong.

Còn có trường hợp bị nôn quá nhiều, sặc vào phổi gây viêm phổi, suy hô hấp đến viện phải hồi sức cấp cứu. Những trường hợp này ngộ độc đã ở giai đoạn rất nặng và phải áp dụng phương pháp điều trị phức tạp, tốn kém cho người bệnh.

Để hạn chế ngộ độc rượu, người dân nên hạn chế uống rượu bia, tuyệt đối không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi thấy người say rượu bất tỉnh, hôn mê, thở yếu… cần đưa ngay đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại